19/07/2020 06:10
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương, hàng năm, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết lãnh đạo gắn với việc thực hiện về lĩnh vực văn hóa - xã hội; ban hành các chỉ thị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động trong dịp Tết, trong đó, yêu cầu cán bộ, đảng viên sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc, nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các lễ hội, vui chơi. UBND tỉnh thành lập Ban tổ chức, Ban chỉ đạo lễ hội đối với lễ hội tổ chức quy mô cấp tỉnh; ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm các lễ hội được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Trong công tác tổ chức lễ hội, chỉ đạo ngành chức năng rà soát, phân loại lễ hội trên địa bàn để thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội đúng theo tinh thần Chỉ thị số 41 và Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Công tác xã hội hóa hoạt động lễ hội được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt, huy động được nhiều nguồn lực tham gia, góp phần đưa hoạt động lễ hội trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hầu hết các lễ hội đều do các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí, riêng các lễ hội lớn tổ chức quy mô cấp tỉnh kinh phí xã hội hóa chiếm 56%. Các lễ hội lớn được tổ chức phục vụ được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh; chú trọng tổ chức nhiều hội thi, các giải thi đấu thể thao, hoạt động biểu diễn nghệ thuật và tặng quà cho học sinh dân tộc, học sinh nghèo hiếu học, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... qua đó, góp phần làm phong phú nội dung lễ hội.
Đông đảo người dân xem lễ tống tàu trong Lễ hội Cúng biển Mỹ Long.
Lễ hội ở Trà Vinh chủ yếu là lễ hội văn hóa truyền thống. Trước năm 2018, hầu hết các lễ hội của tỉnh được tổ chức theo định kỳ quy mô cấp huyện trở lại. Năm 2018 - 2019, thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển du lịch đã nâng tầm tổ chức 03 lễ hội (Ok - Om - Bok, Cúng biển Mỹ Long, Vu lan Thắng hội), tạo sức thu hút lớn khách thăm viếng tại các lễ hội, trung bình trên 50.000 lượt người/01 lễ hội. Những năm gần đây, vào dịp Lễ hội Ok - Om - Bok gắn với tổ chức hội chợ, triển lãm trong Lễ hội để giới thiệu, quảng bá về văn hóa, ẩm thực, sản phẩm địa phương gắn với xúc tiến thương mại, đầu tư của tỉnh.
Các ngành, địa phương phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý chặt chẽ các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống trong Nhân dân. Các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tổ chức các hoạt động lễ hội bảo đảm an toàn, đúng pháp luật, nghi thức truyền thống, bảo đảm tính nhân văn; không có tình trạng lợi dụng lễ hội để trục lợi. Việc kiểm duyệt chương trình văn nghệ, nghệ thuật biểu diễn của các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động tại các lễ hội được thực hiện tốt.
Riêng công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được quan tâm thực hiện tốt. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo vệ tốt và phát huy giá trị, hầu hết các di tích cũng là nơi tổ chức lễ hội đã trở thành điểm tham quan thu hút du khách, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh, du lịch của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 42 di tích, trong đó, có 15 di tích cấp quốc gia và 27 di tích cấp tỉnh.
Ông Cao Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT- DL) cho biết: những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được tỉnh rất quan tâm. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo vệ tốt và phát huy giá trị, hầu hết các di tích cũng là nơi tổ chức lễ hội đã trở thành điểm tham quan thu hút du khách, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh, du lịch của địa phương.
Tỉnh Trà Vinh đã nâng tầm tổ chức được 03 lễ hội với quy mô cấp tỉnh, gồm: Ok Om Bok, Cúng biển Mỹ Long, Vu lan Thắng hội. Các lễ hội đều được tỉnh triển khai tổ chức đảm bảo đúng quy trình tổ chức lễ hội tại Nghị định số 110, ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Sau khi tổ chức xong có báo cáo tổng kết lễ hội bằng văn bản, thực hiện đúng các quy định và văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo phần lễ trang nghiêm, phần hội vui tươi, lành mạnh.
So với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, các lễ hội của tỉnh Trà Vinh không nhiều, chủ yếu là lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc cùng cộng cư trên địa bàn, một số địa phương có tổ chức lễ hội nhưng với quy mô nhỏ, phạm vi không gian hẹp, nên thời gian qua tỉnh chưa thực hiện quy hoạch lễ hội.
Tuy nhiên, kể từ năm 2018, nhận thấy việc tổ chức hiệu quả các hoạt động lễ hội sẽ góp phần to lớn trong việc khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành VH – TT - DL và các địa phương đã tham mưu UBND tỉnh nâng quy mô tổ chức Lễ hội Ok - Om - Bok thành sự kiện Tuần lễ Văn hóa, Du lịch với nhiều hoạt động nổi bật, tạo tiền đề để năm 2019, năm 2020 tỉnh tiếp tục tổ chức nâng tầm các Lễ hội Cúng biển Mỹ Long (còn gọi là lễ hội Nghinh Ông), Vu lan Thắng hội.
Qua việc tổ chức nâng tầm các lễ hội truyền thống của tỉnh đã giúp phục dựng hiệu quả các hoạt động lễ hội; lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.
Các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng diễn ra sôi nổi, đậm đà bản sắc văn hóa của cộng đồng, với nhiều hoạt động phong phú, như: trưng bày, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực, trò chơi dân gian; chính quyền các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng khu vực đón tiếp, lắp đặt biển chỉ dẫn, xây dựng công trình vệ sinh công cộng, bố trí lực lượng gìn giữ an ninh, trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường để phục vụ tốt cho người dân tham dự lễ hội.
Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa được sắp xếp bố trí hợp lý, xa khu vực di tích. Trước khi lễ hội diễn ra, ngành VH - TT - DL tập trung truyên truyền, yêu cầu các điểm kinh doanh ăn uống, lưu trú cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, không tăng giá, ép giá khách du lịch, không để các hiện tượng mê tín dị đoan xảy ra; công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu di tích và lễ hội luôn được đảm bảo; việc nâng tầm tổ chức Lễ hội Ok - Om - Bok, Cúng biển Mỹ Long, Vu lan Thắng hội của tỉnh thời gian qua đã tạo được sức thu hút đối với du khách tham quan, chiêm bái, thăm viếng tại các lễ hội. Hầu hết các lễ hội của tỉnh đều có các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức lễ hội, góp phần giảm ngân sách của tỉnh dành cho lễ hội; giai đoạn 2015 - 2019, tỉnh đã thu hút được 6,396 tỷ đồng (chiếm 56%) nguồn vốn do các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tổ chức lễ hội.
Ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền, triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của Nhân dân và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục phát huy vai trò của chức sắc, chức việc các tôn giáo, người đại diện cơ sở tín ngưỡng trong tuyên truyền, phát huy giá trị tích cực, góp phần hạn chế các hoạt động phi văn hóa trong lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Sở VH - TT - DL chủ động rà soát, thống kê các lễ hội, các di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh cả về quy mô và loại hình, trên cơ sở đó thực hiện quy hoạch lễ hội, quy hoạch di tích, có kế hoạch trùng tu, tôn tạo và sử dụng di tích một cách hợp lý, hiệu quả, phục vụ tích cực cho công tác giáo dục truyền thống cách mạng và thu hút khách tham quan, du lịch, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của địa phương đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Ngày 28/11, giải Điền kinh lứa tuổi U18 Đông Nam Á 2024 đã chính thức khởi tranh tại Malaysia và ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, các vận động viên trẻ Việt Nam có được kết quả khích lệ khi giành 03 Huy chương Vàng (HCV), 02 Huy chương Bạc phá 01 kỷ lục nhóm tuổi.