15/09/2021 13:53
Địa danh là một phạm trù lịch sử. Đó là những tấm bia lịch sử bằng ngôn ngữ. Do đó, soi sáng nguồn gốc bằng các địa danh, chúng ta có thể thấy rõ hơn một số mảng lịch sử của một vùng đất. Địa danh là những từ ngữ, những mẩu ngôn ngữ của một dân tộc đã tạc vào núi sông, ở những nơi mà họ đã từng cư trú. Trong địa danh luôn có 03 yếu tố gắn chặt với nhau là: ngôn ngữ, xã hội và địa lý.
Đối với vùng đất Nam Bộ, bên cạnh những yếu tố chung, địa danh ở đây còn được hình thành dựa trên nhiều yếu tố khác như: địa lý, cư dân, điều kiện lịch sử, hoàn cảnh xã hội địa phương…và mang đậm dấu ấn lịch sử của một vùng đất mới.
Cuốn sách “Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết” của tác giả Nguyễn Hữu Hiếu được Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho ra mắt bạn đọc năm 2004 thực sự lý thú đối với những ai yêu mến vùng đất Nam Bộ.
Sách gồm có 02 phần. Phần thứ nhất tác giả khái quát về địa danh Nam Bộ. Tác giả khá kỳ công trong việc khái quát đặc điểm về địa hình và tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm về lịch sử và đặc điểm về văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Bên cạnh đó những đặc điểm về cấu trúc của địa danh Nam Bộ như: một số dạng cấu trúc thông thường và một số dạng cấu trúc đặc biệt. Tác giả còn phân tích đặc điểm chuyển hóa, như chuyển hóa trong địa danh thuần Việt, chuyển hóa từ địa danh thuần Việt sang Hán Việt, chuyển hóa trong các địa danh có yếu tố ngôn ngữ khác.
Phần thứ hai, tác giả trình bày nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết. Đầu tiên tác giả phân tích đặc điểm của chuyện tích và giả thuyết liên quan đến địa danh Nam Bộ trên các bình diện, như: chuyện tích được hình thành để giải thích địa danh, dùng chuyện tích để đặt tên cho vùng đất, dùng nhân vật trong chuyện tích làm địa danh, giả thuyết về địa danh
Trên cơ sở tham khảo nhiều tài liệu sưu tầm điền dã các văn bản văn học đân gian liên quan đến nguồn gốc địa danh Nam Bộ, tác giả đã chọn lọc 111 địa danh ở nhiều tỉnh thành Nam Bộ để giới thiệu.
Có 03 địa danh ở Trà Vinh được giới thiệu trong công trình này. Đó là địa danh Ao Bà Om, sông Cổ Chiên và vàm Bãi Vàng. Ao Bà Om là một danh nổi tiếng thuộc Khóm 3, Phường 8, thành phố Trà Vinh. Ao có hình chữ nhật, rộng khoảng 300m, dài khoảng 500m (vì gần với hình vuông nên còn được gọi là Ao Vuông).
Xoay quanh danh thắng này là những truyện kể dân gian đặc sắc nhằm giải thích nguồn gốc địa danh cũng như lý giải một số phong tục tập quán của người Khmer xưa. "Sự tích Ao Bà Om" là một truyền thuyết có quá trình lưu truyền rộng khắp không chỉ ở Trà Vinh ở nhiều tình thành có đông đồng bào Khmer sinh sống. Với địa danh Ao Bà Om, trong công trình này tác giả đã dùng tư liệu của tác giả Lê Hương. Tuy nhiên cũng cần nói thêm địa danh Ao Bà Om có rất nhiều dị bản, có thể kể đến công trình Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long, Nam kỳ cố sự và Văn học dân gian Sóc Trăng.
Địa danh thứ hai ở Trà Vinh được giới thiệu đó là sông Cổ Chiên. Sông bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, dọc theo ranh giới giữa các huyện Long Hồ (Vĩnh Long), Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú (đều của Bến Tre) ở bên tả với thành phố Vĩnh Long, các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm (đều của Vĩnh Long), Càng Long, thành phố Trà Vinh, Châu Thành, Cầu Ngang (đều của Trà Vinh) bên hữu. Đến ranh giới ngã ba giữa Châu Thành và Cầu Ngang, sông chia làm hai đổ ra Biển Đông qua 02 cửa sông là cửa Cung Hầu và cửa Cổ Chiên. Cửa Cổ Chiên ở giữa Thạnh Phú (Bến Tre) và Châu Thành (Trà Vinh). Cửa Cung Hầu lệch về phía Trà Vinh, giữa Châu Thành và Cầu Ngang.
Địa danh thứ ba là vàm Bãi Vàng. Đây là địa danh thuộc huyện Châu Thành, nguồn truyện được tác giả chú là trích từ công trình Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long (Nhà xuất bản Giáo dục).
Sự hấp dẫn của cuốn sách là giúp độc giả hiểu hơn về văn hóa Nam Bộ, các địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc, phim ảnh đầy ắp tính nhân văn, giúp người đọc càng thêm yêu miền Nam ruột thịt.
SONG MẶC
Sáng 29/11, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức Lễ khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 07 năm 2024. Đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức thường kỳ 02 năm một lần (2022 - 2024).