13/01/2023 08:06
Đồng - theo cách nói của người lớn tuổi thường hay kiêng kỵ trong ngày tư ngày tết - thực ra là những gò mả, bãi tha ma, nghĩa địa quanh làng, chứ vào thời điểm đó, chuyện đồng áng đã xong, lúa thóc ngoài ruộng đã vô bồ, cá tôm dưới đìa đã tát lên “rộng” sẵn sau nhà, đâu còn công việc gì ngoài đồng mà ra! Quê tôi, làng Vĩnh Trường là ngôi làng cổ thuần Việt nên tục dẫy mả - tảo mộ - được bà con không ai bảo ai đều lo lắng chu toàn trong những ngày giáp tết. Theo quan niệm âm dương nhất lý, ông bà cũng cần sự khang trang, sạch sẽ đón mừng năm mới.
Trước đó, từ sáng Hai mươi tháng Chạp, hoặc trễ hơn một vài ngày cho những người làm ăn sinh sống phương xa, dưới ngọn bấc se se lạnh, trẻ, già, trai, gái khắp làng trên xóm dưới đều có mặt trong nghĩa địa. Mồ mả tổ tiên thì cả họ gom nhau cùng làm và hỏi han chuyện trò để lớp trẻ thuộc hàng cháu con năm, bảy đời còn biết mình có họ hàng, thân thích với nhau. Sau đó tản ra, nhà nào nấy lo chu tất nơi yên nghỉ của ông bà, thân tộc nhà mình.
Vừa chăm sóc các ngôi mộ, người lớn tuổi kể lại những câu chuyện tốt đẹp, đáng kính trọng của người đã khuất cho con cháu nghe mà noi theo với lòng yêu mến, tự hào. Dẫy mả ăn tết là một nét đẹp văn hóa Việt, chẳng khác nào một hội làng nho nhỏ, nơi gặp gỡ trao đổi của dân làng, của từng dòng họ, từng gia đình, cũng diễn ra một cách ấm áp, thân tình dù địa điểm có hơi đặc biệt một chút.
Lệ thường, sáng Hăm lăm Tết, khi tía con tôi đặt chân tới khu nghĩa địa cũng là lúc vài người có tuổi trong xóm, cũng kẻ cuốc người ki, tề tựu sẵn. Sau một hồi tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả, họ chia nhau đi dọc theo từng hàng mộ. Ở đó, lẩn khuất bên những ngôi mộ mới đắp tinh tươm vẫn còn vài mồ hoang mả lạnh, chưa được cháu con tụ về chăm sóc. Có thể người nằm dưới mộ vô phước lâm vào cảnh tuyệt tử tuyệt tôn, cũng có thể không may bỏ mình vì mũi tên làn đạn như những kẻ vô danh mà mồ xiêu mả lạc, hoặc cũng có thể đơn giản hơn vì cháu con tha hương cầu thực, gặp buổi củi quế gạo châu, không thể trở về lo tròn chuyện vùa hương nắm đất cùng bậc sinh thành…
Thôi thì lý do gì cũng là nỗi đau riêng của người đã khuất, hà tất phải tìm hiểu chi ly. Mà mùa xuân là của đất trời, của vạn vật, của mọi người chớ đâu nào của riêng ai. Dương sao âm vậy, người sống còn nôn nao với chiếc áo mới đón xuân thì hà cớ gì người chết lại co ro trong cảnh mồ hoang mả vắng. Vậy là tía con tôi và những người có mặt tại khu nghĩa địa vào sáng Hăm lăm Tết như tía con tôi cùng nhau quét rác, dọn cỏ, đắp lên nắm đất, cắm ba nén nhang dằn lên mấy tấm giấy tiền vàng bạc… mong người đã khuất đỡ mủi lòng khi tết đến xuân sang.
“Hai mươi dẫy mả nhà, Hăm ba dẫy mả thí!” - ngày già yếu, không còn tự mình vác cuốc ra… đồng được, tía tôi còn căn dặn anh em chúng tôi như vậy. Còn tại sao lệ làng tôi sau này lại đẩy từ ngày Hăm ba xuống ngày Hăm lăm Tết, tía tôi bảo: Bây giờ dân làng làm ăn lưu tán nhiều quá. Cứ ví dụ như mình về quê chậm một hai ngày, mà mồ mả ông cha đã có người làm giúp, cũng tủi thân lắm chớ! Tôi nhớ lại năm xưa, có lần anh em tôi tảo nhầm ngôi mộ gần bên, tía tôi biết chuyện buồn lắm. Chiều đó, ông trà rượu đến tận nhà xin lỗi gia đình cháu con của người nằm dưới ngôi mộ ấy.
Sau nhiều năm theo đuổi việc nghiên cứu văn hóa dân gian, có dịp đi nhiều nơi, ăn Tết nhiều chỗ, tôi rút ra kết luận: “Dẫy mả thí” là phong tục đẹp riêng có trong văn hóa Tết làng Vĩnh Trường ven thành phố Trà Vinh quê tôi!
Đơn giản hơn, tía tôi vẫn bảo: Đó là việc nghĩa. Mà đã là việc nghĩa thì nên làm!
TRẦN DŨNG
Qua 02 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24/11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024 thành công tốt đẹp.