27/07/2020 20:17
Anh là hội viên tích cực của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Trà Vinh và là gương mặt thơ thường xuyên xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ Trà Vinh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Tập thơ của tác giả Mã Giang Ba, Hội VHNT Trà Vinh phối hợp với Nxb Hội Nhà văn xuất baern năm 2013. Sách dày 70 trang, khổ 12x18cm. |
Còn nhớ, vào năm 2013, khi Hội VHNT Trà Vinh đặt vấn đề tuyển chọn tác phẩm để xuất bản tập thơ cá nhân, Mã Giang Ba năm lần bảy lượt từ chối với lý do mới bước chân vào nghề, còn thua chị kém em, ý tứ chưa thông, câu chữ chưa sạch. Động viên mãi anh mới nhận lời. Và, “Dấu xưa” là tác phẩm đầu tay của người thơ trẻ ấy nhưng ngay khi ra đời đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc, rồi ngay cuối năm ấy, anh nhận luôn giải Khuyến khích của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, một giải thưởng văn chương danh giá tầm quốc gia mà đến nay chưa nhiều ngòi bút ở Trà Vinh có được.
“Dấu xưa” là tên một bài thơ được dùng làm tên cả tập thơ và cũng là “từ khóa” để nhận dạng chủ đề chính của tác phẩm này. Tất nhiên, để hướng đến “Dấu xưa”, Mã Giang Ba đã khéo léo bao trùm lên cả tập thơ một không khí hoài niệm như một sự chuẩn bị tâm lý để người đọc, theo chân anh, tìm về cội nguồn dân tộc, cội nguồn vùng đất Phương Nam, cội nguồn văn hóa và cội nguồn thơ. Tôi cũng đã lần theo bàn chân anh, một người trai trẻ từ dòng Sông Mã xa xôi chọn quê hương Trà Vinh làm nơi “sống gởi thân, thác gởi cốt”, để rồi không khỏi sững sờ khi anh cúi xuống nhặt một hòn cuội vô tri lăn lóc bên đường và “nghe” hòn cuội “kể” về thời khai hoang mở cõi trên vùng đất nằm giữa Sông Tiền, Sông Hậu, tiếp giáp Biển Đông (Thưa với tiền nhân). Gặp Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Dậu trong chuyến thực tế Tiểu Cần, Mã Giang Ba đã tìm về những năm tháng đau thương mà anh dũng trong hai cuộc kháng chiến giành tự do, độc lập (Người mẹ Sông Cần). Bước chân qua Sông Hậu, dưới màu xanh rừng bần chắn sóng ven sông, anh lắng nghe cây lá và dòng sông chỉ rõ “đâu dấu quân vương trên đường bôn tẩu” (Về Cù Lao Dung). Trở lại sông Cổ Chiên, Mã Giang Ba phát hiện “Mồ hôi mẹ đẫm/nên Tiền Giang sâu…” (Trước Sông Tiền).
Xa xứ nhiều năm, người thơ chọn “ngọn sóng sông Mã” làm bút danh của mình. Trở về quê hương Thanh Hóa, anh về với cuộc khởi nghĩa oai hùng Lê Lợi, với “hào khí Lam Kinh rực lửa đêm thề” và lắng nghe “đất gọi trăm thớt voi/ đất gọi nghìn cỗ ngựa/ chí nam nhi lật biển nghiêng trời…” (Đất gọi).
Đất và người có cội nguồn, thì - với Mã Giang Ba - văn hóa và thơ cũng phải tìm về cội nguồn, nhận chân cội nguồn để soi rọi trang thơ của mình hôm nay. Trong chuyến về thăm đất Thần Kinh, người thơ như thấy Nguyễn Du hiện về “bóng tiên sinh cưỡi mây giáng hạ”. Hai “thi hữu” cách nhau gần 300 năm nâng chén rượu bên dòng Hương Giang, để rồi người thơ trẻ nhận ra “Cảm ơn ngọn đèn thơ trong đêm tối điêu linh/ thắp sáng hồn dân tộc” (Gặp Nguyễn Du bên bến Văn Lâu).
Hoài niệm và liên tưởng là hai thủ pháp nghệ thuật đặc trưng trong tập “Dấu xưa” và trong thơ Mã Giang Ba nói chung. Chính sự liên tưởng đa chiều khiến cho từ cái nền không khí hoài niệm, bùi ngùi bất chợt hiện ra những tứ thơ đẹp lấp lánh như gieo, như ấn vào lòng người đọc.
Chính không khí bùi ngùi, hoài niệm; tứ thơ đẹp như pha lê và giọng thơ hào sãng đã làm nên thành công của tập thơ “Dấu xưa”.
Nhà văn TRẦN DŨNG
Ngày 28/11, giải Điền kinh lứa tuổi U18 Đông Nam Á 2024 đã chính thức khởi tranh tại Malaysia và ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, các vận động viên trẻ Việt Nam có được kết quả khích lệ khi giành 03 Huy chương Vàng (HCV), 02 Huy chương Bạc phá 01 kỷ lục nhóm tuổi.