04/09/2024 07:48
Việt Nam đất nước ngàn năm văn hiến với chiều dài lịch sử mang đậm nét truyền thống và cách mạng đã để lại vô số di sản quý giá. Đó là kho báu nghệ thuật dân tộc, những di tích thiên nhiên tuyệt đẹp, những nghi thức độc đáo, những tri thức dân gian quý giá.
Quyển sách gồm 3 phần, Phần I: Giới thiệu Di sản văn hóa Việt Nam, Phần II: Di sản văn hóa trong hoạt động giáo dục và Phần III: Di sản văn hóa trong hoạt động du lịch. Với 42 bài viết, các tác giả bàn luận về di sản văn hóa trong hoạt động giáo dục và du lịch. Bên cạnh đó đã làm sáng rõ hơn các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, mô tả các di sản văn hóa ở từng địa phương và bảo tồn di sản cũng được quan tâm qua các bài viết về kỹ thuật số hóa, cách truyền dạy (tạo cảm xúc với di sản…).
Các bài viết được nghiên cứu sâu sắc và trình bày rõ nét giúp độc giả hiểu rõ và thêm tự hào về di sản nói chung, di sản văn hóa nói riêng, cần chạm đến cảm xúc để bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Ở bài viết “Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” của Thạc sĩ Trần Văn Trung, người xem sẽ cảm nhận được sự lưu giữ, bảo tồn, trao truyền di sản văn hóa là nhiệm vụ hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm, sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân, thận trọng và tôn trọng các giá trị lịch sử, văn hóa gốc của di sản. Trà Vinh là tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những tỉnh có tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch biển, sông nước miệt vườn… đặc biệt du lịch khám phá bản sắc văn hóa gắn bó lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và một số dân tộc khác với 143 ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo, những danh thắng nổi tiếng: Ao Bà Om, biển Ba Động, những làng nghề thủ công truyền thống: dệt chiếu Cà Hom, điêu khắc gỗ chùa Hang, những món ăn ngon, đặc sản Nam Bộ…
Trà Vinh hội đủ các di sản văn hóa, góp phần tạo nên diện mạo độc đáo, là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn với văn hóa, tâm linh. Trong nội dung phần này bạn đọc sẽ được tìm hiểu về kết quả nghiên cứu công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, các giải pháp thực hiện để mỗi người hiểu rằng, chúng ta cần có trách nhiệm trong chung tay giữ gìn giá trị truyền thống, di sản văn hóa trên quê hương mình bằng tất cả trái tim.
Từng trang sách nối tiếp nhau ở phần II cuốn hút người đọc khám phá nguồn kiến thức phong phú về: “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh qua những biểu tượng thiêng liêng tự hào Việt Nam”, “Giải pháp nâng cao hiệu quả dạy và học văn học dân gian Trà Vinh trong nhà trường trung học phổ thông” hay ở bài viết “Truyền thuyết về địa danh ở Trà Vinh trong giáo dục truyền thống” của NCS. Kiều Văn Đạt trình bày nội dung đa dạng, truyền thuyết dân gian tỉnh Trà Vinh, phản ánh đậm nét và phong phú mọi mặt đời sống của xã hội lưu dân trong quá trình khai khẩn đất hoang, lập ấp, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, “lịch sử địa danh chính là lịch sử của làng, của nước chắt lọc qua tình cảm của nhân dân”, truyện kể dân gian địa danh về Trà Vinh không chỉ giải thích tên gọi của địa danh mà còn phản ánh quá trình khai hoang, lập ấp, ghi nhớ các nhân vật sự kiện lịch sử. Trong bài viết này người xem sẽ có sự hiểu biết chính xác về các địa danh trên vùng đất Trà Vinh nhân nghĩa, giàu truyền thống hào hùng.
Ở phần III, cuốn sách tập hợp nhiều bài viết với nội dung sinh động, ý nghĩa xoay quanh di sản văn hóa, thể hiện tầm quan trọng của di sản văn hóa trong hoạt động du lịch: “Bảo tồn và phát huy lễ hội dân gian trong phát triển du lịch ở tỉnh Trà Vinh”, “Gắn kết di sản văn hóa Khmer vào hoạt động du lịch tại Trà Vinh theo hướng phát triển bền vững”, “Số hóa di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Trà Vinh”…
Trong bài viết “Bảo tồn các di sản văn hóa nhằm phát triển du lịch Trà Vinh trong giai đoạn hiện nay” của NCS. Vũ Nhật Tân và Vũ Thị Thu Hương, qua quá trình thực địa và điền dã tại Trà Vinh về di sản văn hóa và việc phát triển du lịch, tác giả đã nêu những thuận lợi và khó khăn đồng thời đề xuất một số ý kiến cho địa phương: để phát triển du lịch một cách mạnh mẽ, Trà Vinh không chỉ phát triển cơ sở hạ tầng, mà cần thực hiện truyền thông thu hút du khách, làm cho các di tích sống đúng nghĩa, nhộn nhịp hơn, du khách tìm về nhiều hơn để trải nghiệm, thu hút du khách đến trải nghiệm không gian sống của người bản địa, được làm việc với các hoạt động nghệ thuật của người Khmer, xây dựng khách sạn tiêu chuẩn, hệ thống giao thông, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch…góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói ở Trà Vinh.
Đây là sách hay cần tìm đọc, thông qua quyển sách, mọi người hiểu được di sản nói chung, di sản văn hóa nói riêng là vô cùng quý giá, cần lan toả những thông điệp tích cực để chung tay ra sức góp phần giữ gìn và phát huy giá trị quý báu mà thế hệ đi trước đã để lại.
Với mỗi bài viết đọng lại ấn tượng sâu sắc cho người xem chính là các nội dung trọng tâm được trình bày dễ hiểu, có những đúc kết thuận lợi và khó khăn của vấn đề, kết quả nghiên cứu, kết luận cùng những ý kiến đề xuất thiết thực, hiệu quả đã giúp độc giả hiểu rõ những thông tin được truyền tải thông qua từng trang sách và có thêm nguồn kiến thức hữu ích, phong phú về Di sản văn hóa trong hoạt động giáo dục và du lịch.
Bài, ảnh: ĐINH THANH
Điểm nhấn của Festival Ninh Bình là sự kiện khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 24/11/2024 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình với chủ đề “Dòng chảy di sản”.