09/01/2020 07:19
Bia Đồng khởi Mỹ Long.
Tháng 01/1959 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 mở rộng để xác định đường lối cách mạng miền Nam. Hội nghị vạch rõ phương pháp cách mạng là: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với vũ trang, tùy tình hình đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Nghị quyết đã mở ra giai đoạn đấu tranh mới: đấu tranh chính trị song song với đấu tranh vũ trang.
Cuối tháng 12/1959, liên Tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ chỉ đạo cho các Tỉnh ủy tổ chức học tập Nghị quyết số 15 của Trung ương Đảng; trên cơ sở nắm vững tinh thần và nội dung của Nghị quyết số 15 mà khẩn trương xây dựng lực lượng về mọi mặt và chuẩn bị kế hoạch tổ chức phát động quần chúng đồng loạt nổi dậy, sử dụng bạo lực chính trị kết hợp với bạo lực vũ trang, lật đổ ngụy quyền, xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân.
Ngày 08/9/1960, tại một địa điểm bí mật ở rừng Lương Cầu, xã Long Toàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định lấy ngày 14/9/1960 làm ngày Đồng khởi nhất loạt trong tỉnh, trong đó địa bàn huyện Cầu Ngang làm trọng điểm, chọn xã Mỹ Long làm điểm chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Trường Thọ (Năm Ròm), Bí thư xã Mỹ Long thay mặt Đảng bộ, nhân dân Mỹ Long nhận nhiệm vụ phụ trách chung, đồng chí Huỳnh Văn Hân (Hai Tích) phụ trách mũi quân sự và binh vận, đồng chí Nguyễn Đức Toàn (Tư Toàn) phụ trách chính trị phát loa gọi hàng. Tỉnh ủy cũng quyết định phân công đồng chí Phạm Văn Kiết (Năm Vận), Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo đồng khởi. Tất cả các đồng chí cấp ủy, các đảng viên chủ chốt, chịu trách nhiệm từng ấp, từng cánh quân.
Từ 23 giờ ngày 13/9/1960 đến 02 giờ ngày 14/9/1960, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, hàng ngàn quần chúng nhân dân từ các xóm ấp tập trung về ngã ba máy chà, ấp Nhứt dự buổi mít-tinh thị uy. Đồng chí Nguyễn Duy Hinh, được phân công phát biểu khai mạc mít-tinh. Tiếp đó đồng chí Nguyễn Trường Thọ, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Chỉ huy đọc lời kêu gọi Đồng khởi.
Cùng thời điểm mít-tinh đang diễn ra thì lực lượng dân quân du kích xã do đồng chí Nguyễn Văn Bông (Ba Cực) đã bí mật bố trí lực lượng áp sát đồn tề xã chờ lệnh nổ súng đánh chiếm. Nhóm thực hiện kế hoạch binh vận do đồng chí Huỳnh Văn Hân phụ trách cũng đến nhiều gia đình binh sĩ ở Bến Đáy (Mỹ Long), Mỹ Hòa, Vinh Kim vận động họ kêu gọi con em buông súng trở về với nhân dân. Cũng trong đêm lực lượng làm công tác đánh chặn đường tiếp viện của địch từ Cầu Ngang xuống do đồng chí Phạm Văn Đủ (Tư Chiến) chỉ đạo đã đào đường, đắp mô, đốn cây làm vật cản ở Sóc Hoang, Mỹ Thập.
Sáng ngày 14/9/1960, đơn vị dân quân Mỹ Long do đồng chí Nguyễn Văn Bông chỉ huy nhận lệnh siết chặt vòng vây, xạ kích vào đồn dân vệ tề xã. Đồng thời bộ phận phát loa của đồng chí Nguyễn Đức Toàn cũng phát loa gọi binh lính đầu hàng. Địch phản kháng quyết liệt, chúng dựa vào công sự để bắn trả nhưng không dám tiến ra ngoài phản kích.
14 giờ chiều ngày 14/9/1960, lực lượng chính trị quần chúng cùng lực lượng xung kích từ các hướng đổ về Bến Đáy bao vây công sở kêu gọi địch buông súng đầu hàng. Trước sự áp đảo của lực lượng cách mạng bọn địch hoảng sợ, tên Đội Nhiều một mặt tìm cách xoa dịu quần chúng bằng cách lắng nghe yêu cầu của bà con để kéo dài thời gian, mặt khác liên lạc về quận yêu cầu viện binh để đối phó với lực lượng biểu tình. Tên Tổng Chánh hốt hoảng dùng súng bắn vào đoàn người vừa ra lệnh lính bắn xả vào dân và ném một quả lựu đạn về phía lực lượng biểu tình làm 03 người hy sinh là chị Chín Thẩm, anh Tư Pháo, anh Ba Nhiên và 14 người khác bị thương.
Ban Chỉ huy nhận thấy nếu tiếp tục tiến công để giành được thắng lợi thì phải thương vong nhiều. Vì vậy, Ban chỉ huy quyết định kêu gọi, hướng dẫn quần chúng nhân dân tản về các ngả, tạm thời rút lui để rút kinh nghiệm mở đợt tiếp theo. Riêng lực lượng của đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Huỳnh Văn Hân vẫn bám trận địa vây chặt công sở, xạ kích không cho kẻ thù tẩu thoát. Lực lượng chính trị quần chúng nhân dân rút về ấp Tư, ấp Năm để chữa trị thương cho những người bị thương và an táng những người hy sinh, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm và phát động lòng căm thù.
Theo kế hoạch trước đó thì 15 giờ chiều ngày 15/9/1960, ta tổ chức lễ truy điệu cho 03 người dân đã hy sinh tại ấp Năm, kiên quyết phục thù. Đồng thời, trước tình hình chuyển biến thuận lợi, nhận thấy đây là thời điểm tốt nhất để giành chính quyền, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo thống nhứt tổ chức lễ truy điệu vào buổi sáng, còn buổi chiều kéo trở lại trận địa tiếp tục biểu tình thị uy, sẵn sàng chóp thời cơ giải phóng xã nhà.
Có sự yểm trợ của lực lượng võ trang, chúng ta thành công đưa người nhà binh lính vào sát khu công sở. Biết được bọn cầm đầu vẫn còn ngoan cố, mặc dù bọn lính đã kiệt sức, hoang mang tột độ, ta tiếp tục phát loa lời kêu gọi anh em binh sĩ hãy buông súng trở về với gia đình, với nhân dân, cách mạng sẽ khoan hồng. Cùng lúc đó, lực lượng biểu tình áp sát bao vây bốn phía. Hòa trong tiếng hô hào của quần chúng là tiếng loa kêu hàng làm bọn lính run sợ không dám bắn trả. Tên Tổng Chánh, Đội Nhiều, Xã Quên nhận định không còn cơ hội cho nên không dám ra lệnh cho bọn lính chống trả.
Chóp thời cơ, đồng chí Nguyễn Trường Thọ tập trung lực lượng xung kích phối hợp với đồng chí Huỳnh Văn Hân nhanh trí dồn hết gia đình binh lính đi trước, cán bộ và lực lượng xung kích áp sát phía sau tiến đến công sở. Khi đến gần cổng công sở, đồng chí Nguyễn Trường Thọ kêu gọi Tổng Chánh và anh em binh sĩ hãy buông súng đầu hàng để được cách mạng khoan hồng. Tổng Chánh nghe vậy vội bước ra cửa thì đồng chí nhanh chóng gỡ súng trên tay hắn. Thấy tên đầu sỏ ra hàng bọn lính trong công sở không còn kháng cự, dân quân tự vệ, du kích dẫn quần chúng ập thẳng vào cửa công sở. Ta tập trung bọn lính lại một chỗ và tranh thủ thu gom vũ khí, quân trang, quân dụng.
Đúng 17 giờ chiều ngày 15/9/1960, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc công sở trong tiếng reo hò của quân dân Mỹ Long. Toàn bộ tề xã và tổng đoàn dân vệ 40 tên bị bắt sống đưa về ấp Tư. Ta thu 32 súng nhiều đạn dược cùng toàn bộ quân trang, quân dụng và các thiết bị chiến tranh khác, sau đó cho lực lượng quần chúng nhân dân san bằng công sở ngay trong đêm.
Đồng khởi 14/9/1960 là một chiến công lừng lẫy, một mốc son chói ngời trong lịch sử và là niềm tự hào của các thế hệ cư dân Mỹ Long, của huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Năm 1998, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cầu Ngang đã xây dựng tại địa điểm diễn ra sự kiện Đồng khởi một bia tưởng niệm và hoàn thành vào năm 2000. Bia Đồng khởi Mỹ Long nằm trong khuôn viên rộng 1.787m², tổng thể kiến trúc phần đài Bia Đồng khởi có hình tượng như một ngọn đuốc đang bùng cháy mạnh mẽ. Công trình được làm bằng vật liệu bê-tông cốt thép cao 11m. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có Nhà bia ghi tên liệt sĩ huyện Cầu Ngang theo kiểu dáng như một đóa sen cách điệu với 06 cánh. Thân bia gắn 06 bảng vàng ghi tên các anh hùng liệt sĩ của huyện Cầu Ngang đã hy sinh trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Di tích Đồng khởi Mỹ Long là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bài, ảnh: VĂN TƯỞNG
Trong các ngày từ 20 - 24/11, tại Đài Loan diễn ra Giải vô địch Bi sắt châu Á năm 2024. Tham gia giải đấu này có trên 60 vận động viên của 11 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á.