10/11/2020 09:04
Một góc Thiên Hậu Cung nhìn từ cổng vào. Ảnh: KN
Thiên Hậu Cung được xem là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, nơi lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa truyền thống độc đáo, nơi bảo tồn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm nét văn hóa dân tộc Hoa, là địa chỉ để mọi người dân đến tìm hiểu, nghiên cứu, học tập.
Lúc đầu chùa bà Thiên Hậu được xây dựng đơn sơ, đến năm 1900, Ban hội Thiên Hậu Cung gồm ông Triệu Quang Huỳnh, Định Thọ Cầu, Lôi Sanh Hòa đã tu bổ để ngôi chùa kiên cố và có kiểu dáng kiến trúc như hiện nay. Phía trên cửa chính của chùa có tấm biển làm bằng đá chạm chìm ba chữ Hán đại tự Thiên Hậu Cung theo hàng ngang. Hai bên tấm biển có hai hàng chữ dọc: Quang Tự Canh Tý trọng thu cát nhật (dịch là ngày lành tháng 8 năm Canh Tý 1900, niên hiệu Quang Tự) và Quảng Triệu Mân tổ xướng kiến Phúc Sơn khu Quảng Triệu hội phụng (dịch là Tổ tiên bang hội Quảng Triệu, Phước Kiến khởi xướng xây dựng, hội Quảng Triệu, khu Phúc Sơn cúng).
Thiên Hậu Thánh Mẫu còn gọi là Thánh Mẫu, Thiên Mẫu (người Phúc Kiến, Hải Nam gọi là Đại Mẫu, người Quảng Đông gọi là Đức Bà). Theo các nhà nghiên cứu Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bà vốn họ Lâm tên Mặc Nương, sinh ngày 23/3/960 tại đảo Mi Châu, huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) trong một gia đình sống nghề buôn bán đường biển. Bà mất ngày 09/9/987 khi chưa lập gia đình. Khi còn sống, Bà nổi danh với tài tiên tri, nói trước được tương lai của nhiều người. Khi Bà mất hiển linh cứu giúp nhiều người đi biển, vì vậy dân làng nhớ ơn suy tôn là “Thông hiền linh nữ” và lập đền thờ. Đồng bào Hoa thờ Bà, cho Bà là thần tượng của những tấm lòng nhân ái, luôn nghĩ và làm điều thiện. Bà còn là một người có phép màu và bằng phép màu của mình Bà đã giúp những người Hoa di cư vượt muôn trùng sóng gió, hiểm nguy để đến vùng đất mới định cư yên bình. Thờ Bà Thiên Hậu mang ý nghĩa tri ân Bà đã phù hộ cho cộng đồng được bình an.
Từ ngày xây dựng đến nay, đối tượng thờ tự ở Thiên Hậu Cung không thay đổi, tín ngưỡng thờ cúng Bà Thiên Hậu giữ vai trò trung tâm trong đời sống tâm linh của đồng bào người Hoa. Ngoài ra, Chùa Bà Thiên Hậu còn thờ Quan Thánh Đế Quân; Tài Bạch Tinh Quân; Môn Quan Thần, Thổ Địa Thần… Chùa khắc họa những tranh vẽ, điêu khắc lấy từ những câu chuyện điển hình tích Trung Hoa như: Bát tiên quá hải, Hội bàn đào, Tây du ký, Võ Tòng đả hổ, Lưỡng long tranh châu, Cá chép hóa rồng, Tượng quan văn, quan võ… Qua hơn 100 năm xây dựng và nhiều lần trùng tu, nhưng chùa Bà Thiên Hậu vẫn giữ nguyên bản những hoa văn kiến trúc là những nét tiêu biểu của nhất lý âm dương và cũng là đặc trưng của lối kiến trúc theo phong cách phương đông vừa cổ kính vừa uy nghiêm trang trọng.
Thiên Hậu Cung có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” (trong chữ công ngoài chữ quốc) mặt quay về hướng Tây ra Quốc lộ 54. Tổng thể Thiên Hậu Cung gồm 03 tòa nhà nằm ngang song song (tiền điện, trung điện và chính điện) với diện tích 215,18m². Dọc hai bên là hai dãy nhà Đông lang, Tây lang hướng vào 3 tòa nhà tạo thành công trình khép kín như hình chữ “khẩu”. Tuy nhiên, dãy nhà Tây lang được cải tạo lại vào năm 1938 để làm nơi dạy Pháp ngữ, còn dãy nhà Đông lang cũng được cải tạo thành nơi dạy Hoa ngữ sau năm 1975.
Mặt chính của chùa có một cửa ra vào điện thờ, bên trong trung điện có hai cửa hông đối diện nhau thông ra Đông lang và Tây lang, hợp cùng hai cửa trước của Đông lang, Tây lang tạo thành ngũ môn kín. Mái chùa thiết kế tầng bậc, lợp ngói âm dương tiểu đại tráng men mặt trên. Ngói lợp và ngói bịt đầu mái đều tráng men màu xanh ngọc. Khung sườn chịu lực trước đây làm bằng gỗ, vách tường. Năm 1968, chiến tranh làm hư hỏng một phần ngôi chùa, Ban hội chùa sửa chữa lại thay thế các cột gỗ tròn bằng cột xi - măng cốt thép tròn nhưng vẫn sử dụng lại các tảng đá kê chân cột. Đến năm 1998, mái ngôi chùa bị xuống cấp, Ban hội chùa cho sửa chữa lại phần mái bằng bê tông cốt thép, làm lại mái ngói theo kiểu dáng ngói cũ dán lên trên để sử dụng lâu dài nhưng không làm mất đi nét kiến trúc cổ kính.
Di tích Thiên Hậu Cung minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất Nam Bộ nói chung và vùng đất Tiểu Cần - Trà Vinh nói riêng. Là giai đoạn mà vùng đất này tiếp nhận những cư dân thuộc các dân tộc khác nhau trong đó có người Hoa đến đây khai phá, lập nghiệp. Cũng như nhiều ngôi chùa khác, Thiên Hậu Cung là cơ sở tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh không chỉ của cộng đồng người Hoa ở Tiểu Cần mà còn của một bộ phận người Việt, người Khmer cộng cư trong vùng. Tín ngưỡng Thiên Hậu góp phần thực hiện chức năng giáo dục truyền thống, định hướng cộng đồng về nhân cách, đạo đức, lối sống cao đẹp.
HỒNG NHUNG (lược ghi)
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.