06/10/2020 13:07
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, đời sống vật chất và tinh thần của con người ở đây rất đa dạng và phong phú thể hiện qua nét văn hóa đặc trưng rất riêng chỉ có ở vùng miệt vườn sông nước.
Để tìm hiểu sự độc đáo khác biệt đó từ phường diện văn hóa so với nhiều vùng khác trên đất nước, tác giả Nguyễn Hữu Hiếu đã viết chuyên luận công phu "Diễn trình văn hóa đồng bằng sông Cửu Long". Sách do NXB Thời đại ấn hành năm 2010.
Sách bao gồm 05 chương, bao quát nhiều bình diện của diễn trình văn hóa ĐBSCL.
Chương một: Cơ sở và tiến trình hình thành văn hóa. Trong chương này tác giả đã giới thiệu đôi nét về vị trí và lịch sử hình thành mảnh đất phù sa chín rồng. Đây là vùng châu thổ có nền văn hóa cổ đa dạng mang đặc trưng văn hóa Đông Nam Á, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Chương hai: Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên trong lao động sản xuất. Đây là chương viết mà tác giả đã trình bày mối quan hệ giữa văn hóa và môi trường tự nhiên, các yếu tố địa lý đặc trưng của vùng đất. Với địa hình đặc thù là sông nước, người dân bản địa ở đây dựa vào lợi thế này mà phát triển kinh tế theo từng thời vụ.
Chương ba: Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên trong ăn, ở, mặc của người dân ĐBSCL với nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của con người như ăn, mặc, ở thể hiện sự giản dị, mộc mạc chất phát của người dân Nam Bộ.
Chương bốn: Văn hóa tổ chức đời sống đặc trưng của người dân ĐBSCL. Đó là những nét phác họa đời sống văn hóa đặc trưng của người ĐBSCL từ trong cách tổ chức gia đình đến tổ chức làng xã, đô thị.
Chương năm: Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội (văn hóa tinh thần – tâm linh). Người Việt Nam nói chung và người miền Tây Nam Bộ nói riêng rất trọng lễ nghĩa, gia giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Điều này được thể hiện rất rõ trong phong tục trong gia đình dòng họ. Bên cạnh đó chương năm còn khái quát những phong tục tập quán trong cộng đồng người dân ĐBSCL cũng như hệ thống những tôn giáo lớn trên mảnh đất này.
Người dân ĐBSCL có đời sống văn hóa tinh thần nghệ thuật phong phú. Tác giả đã dành chương sáu để khái quát nên những nét đặc trưng trong Đời sống văn hóa tinh thần nghệ thuật của người dân ĐBSCL qua văn học và những đặc điểm văn hóa tiêu biểu, văn hóa trình diễn, văn tự…
Phần cuối của chuyên luận là phần phụ lục với những bài viết của tác giả về văn hóa Nam Bộ như: Cúng việc lề, Tục thờ bà chúa xứ Nam Bộ, tục thờ bà Đại Càn, Hát ru Nam Bộ, Chuyện ông Tà kiện ông Địa, Người Chăm ở Nam Bộ, Hệ thống đo lường ở Nam Bộ ngày xưa.
Đây là chuyên luận giúp cho người đọc có nhiều tri thức đáng quý về vốn văn hóa đặc sắc của vùng đất Chín Rồng. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TRẦM THANH TUẤN
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.