14/02/2021 08:03
Du khách trải nghiệm ngâm chân vào thảo dược ở điểm du lịch Cồn Hô, huyện Càng Long. Ảnh: BT
Quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 48-KH/TU, ngày 02/6/2017 về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08. Qua 03 năm triển khai thực hiện ngành du lịch Trà Vinh có những chuyển biến tích cực: công tác quán triệt, tuyên truyền được quan tâm thực hiện thường xuyên và liên tục, từ đó nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và Nhân dân về vị trí, vai trò, những đặc thù, định hướng phát triển du lịch, sự vào cuộc của các cấp, các ngành đã thay đổi rõ nét. Việc ban hành kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng góp phần tạo động lực, làm đòn bẩy, “vốn mồi” cho đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Hoạt động xúc tiến du lịch thiết lập được mối quan hệ với các tỉnh, thành phố, cơ quan báo chí hỗ trợ tích cực trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Trà Vinh. Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch thu hút được nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu và lập dự án xin chủ trương đầu tư tại các khu du lịch trọng điểm: Khu du lịch biển Ba Động, Khu văn hóa - du lịch ao Bà Om và các cù lao ven sông, ven biển...
Du lịch có sự chuyển biến rõ nét, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh du lịch; tạo sự quan tâm, chú ý của các doanh nghiệp lữ hành kết nối tuyến điểm du lịch, doanh thu và lượng khách du lịch tăng nhanh và ổn định qua từng năm. Tốc độ tăng trưởng du lịch giai đoạn 2017 - 2020 đạt 31,78%/năm. Nếu như năm 2017 tổng thu du lịch đạt 210 tỷ đồng, với 652.000 lượt khách, thì đến năm 2019 tổng thu du lịch đạt gần 360 tỷ đồng, với trên 01 triệu lượt khách. Riêng năm 2020 tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phúc tạp, nhưng tổng lượt khách cũng đạt trên 1,1 triệu, với tổng thu du lịch ước đạt gần 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngành du lịch Trà Vinh vẫn còn một số khó khăn nhất định. Nhận thức về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh có nâng lên nhưng chưa toàn diện. Nguồn nhân lực được quan tâm đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghiệp vụ trong phục vụ khách còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Cơ sở hạ tầng giao thông đến với các khu, điểm tham quan du lịch còn hạn chế. Một số dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch triển khai còn chậm tiến độ, như dự án đầu tư khu du lịch tham quan nghỉ dưỡng biển Ba Động, dự án Làng văn hóa - du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh; thiếu các khu vui chơi, dịch vụ giải trí quy mô lớn, hiện đại để giữ chân du khách. Công tác thông tin, xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch từng lúc còn hạn chế về phương thức hoạt động cũng như việc hỗ trợ địa phương quảng bá du lịch.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch Trà Vinh xây dựng các giải pháp với mục tiêu đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tập trung xây dựng điểm đến, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch văn hóa - lễ hội; du lịch biển; tâm linh; du lịch sinh thái miệt vườn, trong đó xây dựng loại hình du lịch văn hóa Khmer xác định là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đầu tư hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm đủ khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô vùng và cấp quốc gia. Đến năm 2030 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Khách du lịch thích thú với trò chơi đua cua ở điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, huyện Châu Thành. Ảnh: BT
Để đạt mục tiêu trên, ngành du lịch Trà Vinh có hướng đi và giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: kết hợp sử dụng ngân sách Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch đã quy hoạch của tỉnh, xã hội hóa đầu tư xây dựng các khu du lịch trọng điểm: Ao Bà Om, khu du lịch biển Ba Động, mỏ nước khoáng nóng thị xã Duyên Hải… hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, nhà hàng cao cấp phục vụ khách du lịch. Nâng cao chất lượng tour, tuyến du lịch, xây dựng các tuyến du lịch mới có tính liên vùng.
Thứ hai, phát triển các sản phẩm du lịch: hình thành sản phẩm du lịch lễ hội, làng nghề, di sản của dân tộc Khmer Trà Vinh tại ao Bà Om, các chùa Khmer tiêu biểu, tham quan làng nghề… xây dựng Làng văn hóa - du lịch Khmer. Nâng cấp Lễ hội Ok- Om-Bok, lễ Nghinh Ông, Vu Lan thắng hội, Nguyên Tiêu gắn với phát triển du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái biển, các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, ẩm thực, giải trí… hình thành các tuyến du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với vườn cây ăn trái tại các cù lao ven sông và các cồn nổi ven biển. Khôi phục các làng nghề tiêu biểu của tỉnh như: Nghề trồng hoa kiểng thành phố Trà Vinh; sản xuất bánh tét, cốm dẹp huyện Cầu Ngang; nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An, huyện Trà Cú; nghề đan đát - thủ công mỹ nghệ xã Lương Hòa, huyện Châu Thành; nghề tiểu thủ công nghiệp xã Đức Mỹ, huyện Càng Long; nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành…
Thứ ba, tuyên truyền đổi mới nhận thức về phát triển du lịch: tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển du lịch của tỉnh, xem du lịch là ngành kinh tế quan trọng, góp phần giảm nghèo bền vững. Lồng ghép vào các phong trào xây dựng ấp, khóm văn hóa, đô thị văn minh, XDNTM để tuyên truyền các nội dung về quy tắc ứng xử với du khách hình thành môi trường du lịch lành mạnh góp phần giáo dục ý thức cộng đồng, ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường và bảo vệ di sản, để từ đó tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch: kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch. Thành lập Hiệp hội du lịch tỉnh để liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin phục vụ tốt cho khách du lịch.
Thứ năm, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch: xây dựng kế hoạch, tổ chức và triển khai quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng và vận hành bộ nhận dạng thương hiệu Du lịch Trà Vinh qua các biểu tượng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch với những hình ảnh gây ấn tượng, đặc thù, dấu hiệu nhận dạng của du lịch Trà Vinh. Chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố. Tổ chức các đoàn xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch trong và ngoài nước, chú trọng thị trường du lịch trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Thứ sáu, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch: xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý di tích, các cơ sở thờ tự tại xã, phường, thị trấn; tiếp tục đào tạo các loại hình văn hóa nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, thất truyền để góp phần giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể phục vụ du lịch.
Do điều kiện tỉnh Trà Vinh còn khó khăn, chưa có điều kiện khai thác tài nguyên du lịch. Do đó, thời gian tới tỉnh đặc biệt coi trọng công tác mời gọi đầu tư để cùng khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh đang tập trung giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hiện đại, khách sạn từ 4 - 5 sao để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Bên cạnh các chính sách ưu đãi đầu tư chung, tỉnh Trà Vinh ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư riêng cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án du lịch. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, điểm đầu tư đáng tin cậy là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu của tỉnh cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh Trà Vinh.
DƯƠNG HOÀNG SUM
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh)
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.