03/01/2023 15:27
Quê tôi ở miền quê thuộc huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh, nơi có những giồng cát yêu thương thích hợp cho những rẫy dưa hấu phát triển.
Ngày xưa, dưa hấu chỉ trồng một vụ để đón Tết, Tết đến mới được thưởng thức chứ không có quanh năm như bây giờ, nên đây cũng là một trong những vị nhớ của ngày Xuân. Rằm tháng Mười âm lịch hàng năm là ba tôi bắt đầu gieo trồng dưa hấu, hơn một tháng sau khi trồng, rẫy dưa xanh mượt và có trái non như trái chanh to, đây là thời gian ba tôi tuyển trái, mỗi dây chỉ để dưỡng một trái, ba cưng dưa lắm nên lót rơm cho em ấy nằm, sửa dáng cho em ấy ngay ngắn để khi trưởng thành em ấy sẽ được xinh xắn, tròn đầy.
Ba nói dưa hấu tượng trưng cho sự đầy đủ, may mắn cho gia chủ nên phải trồng sao để thu hoạch được những trái dưa to, tròn, đỏ, ngọt, ngon và đẹp. Mỗi ngày ba má tôi phải đi tưới dưa hai lần vào sáng sớm và chiều mát, thời đó vất vả lắm, phải gánh nước từ giếng đất đào để tưới bằng đôi thùng thiếc có vòi sen, tưới vừa đủ không được tưới nhiều nước sẽ làm dây kém sinh trưởng.
Chiều đi trên bờ đê lộng gió ngắm rẫy dưa xanh mướt ôm từng trái to tròn, có tiếng chim, nhành hoa dại trắng tím rung rinh, cánh cò trắng xa xa... Nghe lòng yêu quê mình quá đỗi. Còn năm ngày nữa là đưa ông táo, ba ngưng tưới dưa chuẩn bị thu hoạch, có thương lái tìm đến mua. Ba chọn vài chục trái đẹp ngon để biếu nội, ngoại, cúng gia tiên và nhà tôi ăn tết, còn lại là bán hết. Chị em tôi thích đi mót dưa, những trái nhỏ đèo đẹt bị bỏ lại, dù chỉ lớn hơn trái cam thôi nhưng giòn ngọt đáo để, trái đỏ cát, trái chỉ hồng nhạt nhưng tất cả đều ngọt lịm, tôi thích bổ đôi rồi lấy muỗng khoét tròn nước rịn ra như người ta đào giếng, ngọt thơm mát lòng.
Đã hai lăm tháng Chạp, chị em tôi theo má ra rẫy chọn dưa về làm mứt, ngoài đám dưa trồng để bán Tết, ba tôi đặc biệt trồng riêng một luống trễ hơn để dành cho má làm mứt vì dưa làm mứt phải cần có vỏ dày và hơi non một chút, ruột chỉ hồng hồng chứ chưa chín đỏ. Dưa mang về rửa sạch gọt vỏ cứng bên ngoài giữ lại phần vỏ dày bên trong còn gọi là cùi dưa, xắt sợi từng miếng vừa ăn cỡ hai ngón tay, lấy ba cây tăm chụm lại xăm đều vào phần vỏ dày của miếng dưa rồi ngâm trong nước vôi một đêm, má bảo rằng ngâm vậy thì dưa sẽ cứng hơn không bị nhũn và tăng màu đỏ ruột dưa.
Sáng hôm sau mới là ngày háo hức làm mứt, má gọi mấy chị em chúng tôi lại, vừa làm vừa chỉ dạy tỉ mỉ phải rửa sạch vôi qua nước phèn rồi trụng dưa vào nước phèn chua đun sôi khoảng ba mươi giây, vớt ra rửa nhiều nước cho đến khi sạch hết mùi vị của phèn chua, chị em tôi được phân công lấy tăm khều hạt dưa ra, má trải dưa trên cái sàng đem phơi, sợ nắng gắt sẽ làm dưa héo nên má phơi gió dưới giàn mướp, khi dưa ráo nước và hơi héo lại là lúc gom vào thau ướp đường cát trắng. Cứ một ký dưa hấu là nửa kg đường, khi đường tan đều ngấm vào miếng dưa và tiết ra nước, má vớt phần dưa hấu cho vào chảo, phần nước đường để lại trong thau, bắt đầu sên ở lửa vừa cho dưa hấu ra hết nước rồi chắt bỏ phần nước này đi, cho phần nước đường đã giữ lại vào chảo và giảm lửa thật nhỏ, tôi và nhỏ Ngọc Nhi phải thay phiên đảo thật đều và nhẹ tay cho đến khi nước đường cạn dần, khô lại kết tinh những hạt đường lóng lánh bám vào dưa hấu, cho vào một ống vani, tiếp tục đảo đều đến khi mứt khô hẳn là hoàn thành.
Những miếng mứt dưa hấu đẹp tuyệt, phần cùi dưa trắng trong như mứt bí giòn giòn, phần ruột dưa đỏ hồng dẻo dẻo, má nói màu đỏ hồng của ruột dưa chính là màu đại diện cho sự may mắn, tươi thắm vào năm mới. Cứ giáp Tết là má làm mứt dưa hấu mang biếu nội, ngoại và cúng bàn thờ gia tiên. Với chị em chúng tôi, món mứt dưa hấu là cả khoảng trời Xuân của tuổi thơ lung linh... Tôi như đang nghe trong gió mùi hương ngọt ngào của mứt dưa hấu, cái vị thơm ngon giòn giòn, dẻo dẻo làm hồn người con xa xứ cứ lâng lâng nhớ một hồn quê...
LÊ THỊ NGỌC NỮ
Qua 02 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24/11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024 thành công tốt đẹp.