08/05/2021 07:45
Nhạc sĩ Huỳnh Thanh Hải. |
Nhạc sĩ Huỳnh Thanh Hải, sinh năm 1949, tại xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (nay là thị xã Duyên Hải). Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống, nên từ nhỏ ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Nhờ học được nghề đàn Man-đô-lin và những động tác múa cơ bản từ cha của ông, nên ông tham gia Chi đội Văn nghệ ấp Cồn Ông từ những năm 12 - 13 tuổi. Tiếng đàn vang xa, năm 1963, ông được rút lên Đoàn Văn công quân đội tỉnh Trà Vinh, đến năm 1964 ông về Đoàn Văn công Quân khu 9. Mãi đến năm 1968 mới được trở về quê hương phục vụ cho Đoàn Văn công Ánh Hồng, tỉnh Trà Vinh. Vẫn cây đàn Man-đô-lin và các điệu múa quen thuộc để phục vụ chiến sĩ cách mạng và quần chúng nhân dân những “bữa ăn” tinh thần, nhưng trở lại quê nhà lần này, Huỳnh Thanh Hải bắt đầu sáng tác những ca khúc cùng những bài vọng cổ. Trong đó, ca khúc “Lời Bác vọng mãi mùa xuân” xem như tác phẩm đầu tay của ông, được phổ nhạc từ những câu thơ chúc Tết mộc mạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - mùa Xuân năm 1969.
Sau “cú hích” đầu tiên ấy trên lĩnh vực sáng tác, Nhạc sĩ Huỳnh Thanh Hải tiếp tục cho ra đời những tác phẩm làm “vũ khí” sắc bén cho các ca sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Ánh Hồng biểu diễn phục vụ cách mạng. Tính đến nay dù đã bước qua tuổi “thất thập”, nhưng người nhạc sĩ, chiến sĩ kiên trung ngày nào vẫn ôm đàn đều đặn sáng tác.
Trong kho tư liệu của ông hiện có gần 50 bài tân nhạc và cổ nhạc thành phẩm cùng nhiều bản thảo sắp được hoàn chỉnh. Ngần ấy tác phẩm của ông lần lượt ra đời, thế nhưng có 02 tác phẩm mà chính bản thân nhạc sĩ cũng thừa nhận đã đi vào lòng người Trà Vinh. Đó là bài “Chào chiến công tiểu đoàn quyết thắng” và bài “Hồ Thị Nhâm sống mãi” với những ca từ mộc mạc, nhưng rất thật; thể loại trữ tình với giai điệu nhẹ nhàng và đầm thắm. Chính vì vậy 02 ca khúc này đã ăn sâu vào ký ức của nhiều người, vì nó đã phản ánh được nhiều khía cạnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân, dân Trà Vinh.
Trong “mái ấm” đơn sơ tọa lạc tại ấp Lò Ngò, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, nơi ông chọn làm quê hương thứ hai của mình, bên tách trà nóng ông tâm sự với chúng tôi: “02 ca khúc được nhắc đến nhiều nhất của tôi ra đời từ năm 1972 nhân Đại hội thi đua cấp tỉnh diễn ra tại huyện Tiểu Cần. Qua nghe những báo cáo điển hình tại Đại hội, chính những thành tích của Tiểu đoàn 1, tiền thân của Tiểu đoàn 501, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh sau này và báo cáo điển hình về nữ Anh hùng Hồ Thị Nhâm, quê hương xã Nhị Long, huyện Càng Long đã gây ấn tượng mạnh trong tôi. Đó cũng là hoàn cảnh ra đời của 02 ca khúc “vượt thời gian” và cũng rất tâm đắc của tôi đến thời điểm hiện nay”.
Riêng bài hát “Hồ Thị Nhâm sống mãi”, nhạc sĩ Huỳnh Thanh Hải cho biết thêm, khi nghe thành tích của nữ Anh hùng Hồ Thị Nhâm, ông liên tưởng ngay đến một nữ anh hùng cùng họ Hồ ở Cà Mau - Hồ Thị Kỷ, người tự biến thân mình thành thuốc nổ để tiêu diệt 27 tên ác ôn cùng 03 xe quân sự và 01 đồn địch. “Ai đi Cà Mau có nghe tiếng mìn của Hồ Thị Kỷ - Ai đi Trà Vinh có nghe tiếng mìn của Hồ Thị Nhâm...”. Ngay từ những lời mở đầu của bài hát, nhạc sĩ Huỳnh Thanh Hải muốn so sánh ngay hình ảnh của 02 nữ anh hùng dù ở cách xa nhau về địa lý, nhưng có cùng chung chuyến tuyến, cùng góp cả máu thịt của mình để bảo vệ quê hương, đất nước. Từ đó, với vai trò của mình, nếu không ca ngợi nữ Anh hùng Hồ Thị Nhâm theo ông là một thiếu sót. Từ đó, ông dốc hết tâm sức cho ra đời tác phẩm về người con gái xứ Nhị Long anh hùng.
Ký ức hào hùng là vậy, nhưng giờ gặp lại ông vẫn là một nhạc sĩ, một nông dân chân chất. “Khoe” tấm giấy chứng nhận miễn sinh hoạt Đảng do tuổi cao, sức yếu. Thế nhưng, ít khi người đảng viên với Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng (nhận vào năm 2017) này vắng những cuộc họp quan trọng do Chi bộ ấp Lò Ngò và Đảng bộ xã Song Lộc mời. Không những thế, ông còn là hội viên Hội Cựu chiến binh, hội viên Hội Người cao tuổi và hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tích cực. Mỗi khi ở địa phương có phát động bất cứ phong trào gì, ông đều tham gia đóng góp; khi Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, ông cũng là những hội viên tích cực.
Trong quá trình công tác, Nhạc sĩ Huỳnh Thanh Hải không may bị nhiễm chất độc da cam, bị thương bên tai và dính những mảnh đạn bên đùi trái, dẫn đến mất sức khỏe 61%; hưởng chế độ thương binh hạng 4/4. Vào những hôm “trái gió trở trời”, ông thường bị những vết thương hành hạ. Thế nhưng, đổi lại những nỗi đau về thể xác, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Nhì, Ba, cùng nhiều huy hiệu, kỷ niệm chương khác... trên hết, ông và người vợ hiền của mình có một cuộc sống hạnh phúc, tất cả 05 người con của ông, bà đều yên bề gia thất.
Bài, ảnh: BÁ THI
Ngày 28/11, giải Điền kinh lứa tuổi U18 Đông Nam Á 2024 đã chính thức khởi tranh tại Malaysia và ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, các vận động viên trẻ Việt Nam có được kết quả khích lệ khi giành 03 Huy chương Vàng (HCV), 02 Huy chương Bạc phá 01 kỷ lục nhóm tuổi.