10/09/2020 07:28
(TVO) Trong nền văn hóa phong phú đa dạng của người Khmer Nam Bộ, văn học dân gian (VHDG) là một bộ phận có nhiều thành tựu đáng trân quý. VHDG phản ánh một cách sâu sắc và phong phú đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ. Bên cạnh những nỗ lực bền bĩ của nhiều nhà nghiên cứu trong việc sưu tầm cũng như khảo cứu những giá trị đặc sắc của VHDG Khmer Nam Bộ thì sự thiếu vắng một giáo trình VHDG Khmer để sử dụng ở trường đại học có đào tạo chuyên ngành sư phạm ngữ văn Khmer hoặc văn hóa Khmer là điều mong đợi của nhiều người.
Trong bối cảnh ấy Giáo trình VHDG Khmer (TS. Nguyễn Thị Kiều Tiên (chủ biên), Ths. Tăng Văn Thòn và Ths. Thạch Thị Thanh Loan biên soạn) ra đời đã là sự bổ khuyết đáng trân trọng. Giáo trình do NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 2020.
Giáo trình chia làm 02 phần chính. Chương một, khái quát về VHDG Khmer. Đây là phần viết mang tính tổng thuật những đặc điểm chung về phương diện nội dung, nghệ thuật cũng như hệ thống thể loại của VHDG Khmer. Chương hai, đặc trưng từng thể loại của VHDG Khmer như: Thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, câu đố, tục ngữ, dân ca, dù kê (Lkhôn Ba Sắc). Thần thoại Khmer tập trung giải thích sự hình thành của vũ trụ và vạn vật qua các truyện như: Nguồn gốc vũ trụ và muôn loài, sự tích mưa, gió, mặt trời và mặt trăng, Nàng Mêkhalag,…
Truyền thuyết của VHDG Khmer đa phần đề cập đến việc giải thích tên gọi của các địa danh, núi non, sông hồ,… và góp phần lý giải nguồn gốc của các lễ hội tiêu biểu trong năm của người Khmer như: Sự tích lễ Chôl Chchăm Thmây, sự tích Sêne Đolta… đồng thời cũng nhờ lễ hội, truyền thuyết dân gian của người Khmer mới được lưu truyền rộng rãi.
Với thể loại truyện cổ tích, người Khmer thường đưa vào nhiều yếu tố Phật giáo nhằm khuyến thiện trừ ác, hướng con người đến những giá trị nhân văn. Tiêu biểu là các truyện như: Chiếc cồng ngũ âm thần kỳ, Hai người bạn, Chàng khố chuối, Chàng cá cóc, Chàng cứt ngựa,… bên cạnh thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, VHDG Khmer còn có truyện ngụ ngôn và truyện cười.
Tục ngữ Khmer rất phong phú, phản ánh toàn diện các mặt sinh hoạt và tư duy của Nhân dân lao động. Đó là những kinh nghiệm sống phong phú được đúc rút qua nhiều thế hệ trở thành “túi khôn” để người Khmer lao động sản xuất cũng như răn dạy cháu con. Với đời sống sinh hoạt tinh thần của người Khmer gắn liền với các lễ hội. Trong lễ hội không thể thiếu thể loại dân ca, đó là những bài dân ca nghi lễ. Bên cạnh những bài ca trong nghi lễ thì những bài ca trong lễ cưới, những khúc hát trữ tình về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, khúc hát đối đáp giao duyên, những khúc hát ru, những bài hát trong các trò chơi,… đã đưa thể loại dân ca trở nên giản dị và gần gũi hơn trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ.
Đặc biệt, trong Giáo trình, nhóm tác giả cũng đã cập nhật thể loại Dù kê (Lkhôn Ba Sắc), đây là thể loại gắn bó mật thiết với loại hình sân khấu dân gian đã phát triển gần trăm năm của người Khmer ở Nam Bộ.
Điểm cộng của Giáo trình nữa đó chính là việc tập thể các tác giả đã cố gắng trình bày ở dạng thức song - ngữ (Khmer - Việt) đây là việc làm rất đáng quý nhằm gia cố thêm những hiểu biết về thuật ngữ chuyên ngành của sinh viên ngành Ngữ văn cũng như văn hóa Khmer Nam Bộ.
Với những nỗ lực đáng ghi nhận của nhóm tác giả, công trình VHDG Khmer (song ngữ Khmer - Việt) mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho người đọc cả đối tượng chuyên và không chuyên. Qua đó người đọc sẽ có điều kiện hiểu thêm về những giá trị đặc sắc của VHDG Khmer để từ đó thêm yêu quý nền văn hóa phong phú đa dạng của người Khmer Nam Bộ.
TRẦM THANH TUẤN
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.