13/01/2020 13:30
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm (thứ hai bên phải qua) tham quan gian trưng bày sản phẩm du lịch Trà Vinh tại hội chợ Du lịch quốc tế tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 9/2019. Ảnh: BT
Vấn đề phát triển ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đang là yêu cầu cấp thiết, là nguyện vọng, niềm mong mỏi của đông đảo cử tri, của nhân dân trong tỉnh nhiều năm qua. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đề đạt đến cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách, góp phần thúc đẩy, ưu tiên phát triển ngành du lịch, để ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, đóng góp đáng kể và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Năm 2018, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh (kỳ họp cuối năm). Ông Kiên Sóc Kha, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Ngang chất vấn ông Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL): “Trà Vinh có rất nhiều điểm nổi tiếng có tiềm năng phát triển du lịch, khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao, như bãi biển Ba Động, Khu Văn hóa du lịch Ao Bà Om, chùa Hang, chùa Âng, chùa Cò, Khu Du lịch sinh thái rừng đước… Nhìn chung, ngành du lịch những năm gần đây có bước trở bộ, song, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Đề nghị Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, lộ trình phát triển ngành du lịch của tỉnh trong thời gian tới như thế nào?”. Trước đó, năm 2017, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh (kỳ họp cuối năm), đại biểu HĐND tỉnh cũng đề cập đến vấn đề phát triển ngành du lịch, chỉ đạo trong lĩnh vực này, ông Trần Trí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, với các nhiệm vụ trọng tâm đã được vạch ra, UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn, các địa phương phối hợp chặt chẽ, xúc tiến triển khai thực hiện, đừng để các chiến lược, sách lược, kế hoạch phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh… nằm trên bàn giấy.
Ông Dương Hoàng Sum cho biết, những năm gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của ngành VH-TT-DL, tình hình phát triển du lịch của tỉnh có bước chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân năm sau luôn cao hơn năm trước, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 15%, từ năm 2016 đến nay tăng bình quân 25%… Để thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2020 Trà Vinh phấn đấu đón 1,4 triệu khách, năm 2025 đón 2,5 triệu khách và năm 2030 đón 3,6 triệu khách, nỗ lực đưa ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, năm 2018, Sở VH-TT-DL tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có NQ số 70.
Ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành nằm giữa sông Cổ Chiên, có diện tích tự nhiên 60ha, trong đó đất nông nghiệp 34ha, có 220 người dân sinh sống. Qua khảo sát, nghiên cứu, Sở VH-TT-DL và các chuyên gia du lịch đánh giá ấp Cồn Chim còn giữ được “vóc dáng” của vùng quê Nam Bộ, cảnh quan môi trường thân thiện, không khí trong lành, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp sạch là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Bà Võ Thị Chanh, người dân ấp Cồn Chim, phấn khởi: “Cuộc sống của người nông dân ấp Cồn Chim nói riêng, xã Hòa Minh nói chung bao đời nay chỉ quanh quẩn với mảnh vườn, con tôm, cây lúa, luống khoai, chuyện đồng áng, mùa màng, chưa bao giờ được tiếp cận với phương thức làm ăn mới trên cơ sở tiềm năng sẵn có. Vừa qua, chúng tôi được tiếp cận với chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo NQ số 70 HĐND tỉnh, tôi cho rằng, đây là chính sách rất hợp lòng dân, chính sách này góp phần khai sáng, giúp người dân địa phương chúng tôi có thêm điều kiện tốt tiếp cận được với phương thức, cơ hội làm ăn mới, tôi rất đồng tình, ủng hộ. Qua nghiên cứu chính sách này, tôi và ông xã tôi bàn bạc sẽ tham gia làm du lịch cộng đồng”.
Đánh thức tiềm năng du lịch gắn với chính sách hỗ trợ hợp lòng dân, NQ số 70 của HĐND tỉnh đang tạo đà thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh. Ông Dương Hoàng Sum cho biết thêm: Theo lộ trình, năm 2020, tập trung xã hội hóa thu hút đầu tư nâng cao chất lượng các dịch vụ tại Khu Văn hóa du lịch Ao Bà Om, hình thành sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu di sản của dân tộc Khmer Trà Vinh tại các chùa Khmer trên địa bàn thành phố Trà Vinh, huyện Châu Thành, Trà Cú; nâng tầm Lễ hội Ok - Om - Bok quy mô cấp quốc gia, hình thành sản phẩm du lịch tham quan làng nghề, thưởng thức ẩm thực truyền thống của dân tộc Khmer Trà Vinh. Giai đoạn 2021 - 2025, mời gọi đầu tư triển khai Dự án Khu Văn hóa du lịch Ao Bà Om, Khu Du lịch biển Ba Động, Khu Du lịch sinh thái rừng đước nông trường 22/12, Khu Du lịch sinh thái Hàng Dương, cù lao Tân Quy, cù lao Long Trị; xây dựng thành phố Trà Vinh thành đô thị xanh, đô thị du lịch, xây dựng thị xã Duyên Hải thành đô thị du lịch biển, xây dựng huyện Cầu Kè thành trung tâm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh gắn với Lễ hội Vu Lan thắng hội và du lịch cộng đồng…
Khách du lịch trải nghiệm tại Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim. Ảnh: BÁ THI
Ngày 11/7/2018, HĐND tỉnh ban hành NQ số 70/2018/NQ-HĐND, quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2018 - 2020 (NQ số 70). NQ số 70 của HĐND tỉnh, quy định nội dung hỗ trợ phát triển du lịch, gồm:
1) Hỗ trợ đầu tư làm du lịch cộng đồng. (a) Hỗ trợ hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) để phục vụ khách du lịch, định mức hỗ trợ: 60 triệu đồng/hộ. (b) Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình và cá nhân lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đầu tư nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, định mức hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay nhưng số tiền được hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/hộ. (c) Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chỉ được hưởng một trong hai chính sách nêu trên.
(2) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư dự án xây dựng nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm Trà Vinh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, định mức hỗ trợ: Hỗ trợ 500.000 đồng/m2 xây dựng, tối đa không quá 200 triệu đồng/nhà hàng.
(3) Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển khách du lịch. (a) Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư mua sắm phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch, định mức hỗ trợ, hỗ trợ 10% giá trị phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch nhưng không quá 50 triệu đồng/phương tiện. (b) Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư mua sắm phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe bò, xe ngựa, xe lôi đạp) để vận chuyển khách du lịch, định mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% giá trị phương tiện vận chuyển nhưng không quá 05 triệu đồng/phương tiện. (c) Hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư mua sắm xe điện để vận chuyển khách du lịch, định mức hỗ trợ: Hỗ trợ 10% giá trị phương tiện nhưng không quá 30 triệu đồng/phương tiện.
(4) Hỗ trợ đào tạo lao động cho các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên, nếu có nhu cầu đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người lao động sẽ được hỗ trợ, định mức hỗ trợ, thời gian đào tạo dưới 03 tháng, mức hỗ trợ 500.000 đồng/người; thời gian đào tạo từ 03 tháng trở lên, mức hỗ trợ 01 triệu đồng/người; tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/dự án.
NGUYỆT GIAO
Qua 02 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24/11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024 thành công tốt đẹp.