09/06/2024 05:31
Tiết mục khai màn đêm khai mạc vừa hoành tráng, vừa thể hiện nét đặc trưng của vùng đất Cố đô
Festival - nơi hội tụ và giao lưu văn hóa.
Dự lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, các vị đại sứ các nước; cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Ban tổ chức Festival Huế, các nhân sĩ trí thức và hàng ngàn du khách, Nhân dân Thừa Thiên Huế.
Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng Lê Hoài Trung đánh giá cao Thừa Thiên Huế ngày càng thể hiện là trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực. Festival Huế đã có những bước tiến dài, thể hiện những đặc trưng văn hóa của dân tộc, của Cố đô Huế, và ngày càng có tính quốc tế, nhờ vậy, vừa góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội, vừa thể hiện sinh động đất nước Việt Nam có truyền thống văn hoá, trọng văn hoá và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Ông Lê Hoài Trung cũng yêu cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hoá Huế. “Trong nỗ lực chung đó, chúng ta mong rằng Festival Huế sẽ vươn lên thành diễn đàn khu vực của hội tụ và giao lưu văn hoá”, ông Trung nói.
Phát biểu chào mừng của Bí thư Trung ương Đảng Lê Hoài Trung.
Trong lời phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh: Kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được và tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo của lịch sử, văn hóa, di sản, Festival Huế 2024 sẽ tiếp tục khẳng định và quyết tâm xây dựng Huế thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế”.
Tiếp nối thành công của các kỳ Festival, Tuần lễ Festival Huế năm nay sẽ tiếp tục lan tỏa tính cộng đồng. Bên cạnh các chương trình trong Đại Nội, Ban tổ chức thiết kế nhiều chương trình mở, lễ hội đường phố, các sân khấu cộng đồng để các đoàn nghệ thuật quốc tế biểu diễn phục vụ người dân; đồng thời tại một số địa phương trong tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật để Nhân dân và du khách không chỉ đắm mình trong không gian lễ hội, mà còn được hòa mình vào với âm thanh, ánh sáng của những chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Độc đáo với trình chiếu 3D Mapping.
Lộng lẫy, đậm đà bản sắc
Trước đó, Chương trình “Khai hội” tại Quảng trường Ngọ Môn lúc 17h30 cùng ngày là hoạt động mở màn cho Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024. Chương trình là sự kết hợp giữa diễn xướng nghi lễ truyền thống cung đình, với kèn lệnh, trống hội và khai hoả đại bác chào đón.
Sau 24 năm với 11 kỳ tổ chức, Festival Huế đã trở thành điểm hẹn văn hóa của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, và là một trong những sự kiện văn hóa, du lịch, nghệ thuật nổi bật của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.
Từ “Bừng sáng miền di sản” mở màn cho chương trình nghệ thuật khai mạc trong không gian lung linh, rực rỡ của cung điện độc đáo bậc nhất Hoàng thành Huế, với sự giao hoà của Nhã nhạc Cung đình Huế - loại hình âm nhạc đặc biệt, thấm đẫm nét văn hoá Huế cùng ca khúc Bừng sáng Kinh đô. Tiết mục được trình diễn bởi 360 diễn viên trên nền sân khấu lộng lẫy nhờ ứng dụng công nghệ chiếu sáng 3D Mapping hiện đại.
Các tiết mục nghệ thuật tại đêm khai mạc.
Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc là tổng hoà nhiều loại hình nghệ thuật, với cấu trúc chặt chẽ, bằng ngôn ngữ hiện đại trên nền chất liệu và bản sắc văn hóa dân tộc. Chương trình gồm 3 phần: “Cố đô diệu kỳ”, với diễn trình gần 720 năm lịch sử để làm nên Thừa Thiên Huế hôm nay rạng rỡ cùng nhiều di sản, ngời theo năm tháng “Kinh đô xưa như vẫn còn đây với lâu đài in bóng, cung điện nguy nga”. Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc, hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc, để Huế hôm nay là nơi giao lưu, hội tụ văn hoá cùng muôn phương.
“Hội tụ âm nhạc” là chuỗi 5 tiết mục ấn tượng của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế với những âm điệu ngọt ngào, vũ đạo kinh điển và những vũ điệu sôi động, phóng khoáng. Và, “Rạng rỡ ngàn sau” với hình ảnh Huế chuyển mình bừng sáng, bao danh lam quyến rũ lòng người như ước hẹn ngàn năm. Đêm khai mạc đã tạo nên một dòng chảy hài hoà về chủ đề “Rạng rỡ ngàn sau”. Để Huế bước tiếp một hành trình mới, Di sản Cố đô qua các kỳ Festival sẽ không ngừng hội nhập, lan tỏa các giá trị truyền thống cho hôm nay và mai sau.
Sau lễ khai mạc, Festival Huế 2024 sẽ có nhiều hoạt động giới thiệu các giá trị văn hóa cung đình và dân gian, nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội hấp dẫn và những hoạt động hưởng ứng, cộng đồng đặc sắc diễn ra từ ngày 8 -12/6.
Diễn ra trong 6 ngày đêm, từ 07 - 12/6, Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 thật sự là một cuộc hội tụ văn hóa đa sắc màu; quy tụ 30 đoàn nghệ thuật đến từ Cộng hòa Pháp, Vương quốc Bỉ, T.ây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả hàng chục chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc của nhiều vùng văn hóa các nước trên Thế giới. Các chương trình nghệ thuật hòa quyện trong không gian cổ kính của một Cố đô văn hiến với 8 di sản được UNESCO vinh danh.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.