|
|
|
Cù lao Long Trị
VĂN TRIỀU
Con là con của mẹ, Cổ Chiên ơi !
Con lặng lẽ lớn lên trong những con sóng vỗ vào nhau
Vỡ ra lời ru của mẹ.
Con không còn là hạt phù sa bé bỏng rong chơi nơi đầu
ghềnh cuối bãi
Giờ đã lưng dài vai rộng
Cõng trên mình xứ sở màu xanh.
Con đã cùng người qua bao cuộc chiến tranh
Để tên người trở thành tên đất.
Con là con của mẹ, Cổ Chiên ơi !
Mẹ đã khai sinh con trên tấm bản đồ cong cong hình chữ S.
Con mãi mãi là cô gái tươi non
Ngực căn tròn hương trái chín
Sống cuộc đời hiến dâng.
|
|
Bước vào thế giới nghệ thuật của Văn Triều, người đọc dễ dàng nhận ra một miền quê trong ký ức bộc lộ ngay từ nhan đề bài thơ: Nhớ dấu chân trâu, Xóm cũ, Cánh đồng thương nhớ, Tuổi thơ tôi, Tiếng gà tuổi thơ, Tôi về bên sông, Quê cũ, Tôi về chốn cũ… Những tiêu đề ấy đã mở ra một miền ký ức quê luôn nằm sâu trong tâm tư của anh, một người con nặng lòng với những kỷ niệm đẹp thời thơ dại nhọc nhằn.
Có thể nói ký ức quê trong tâm tư của Văn Triều đong đầy cảm xúc về người mẹ. Những câu thơ cháy lòng như "Tuổi thơ tôi là lời ru khản tiếng của mẹ" luôn để lại trong lòng người đọc những dư ba sâu lắng. Người mẹ trong thơ Văn Triều gắn với nỗi cơ cực ruộng đồng, những bươn chãi lo toan cho bầy con thơ dại: "Mẹ đối diện với đất nhọc nhằn chôn vào cánh đồng trăm ngàn dấu chân nhỏ nhoi, nứt nẻ".
Ký ức quê trong thơ anh còn là những gì đặc trưng nhất của miền quê mà anh đã từng gắn bó cả một khoảng trời tuổi thơ lam lũ. Đó là cánh đồng quê đằm sâu trong ký ức của anh để "Tôi nhớ cánh đồng như nhớ mẹ tôi" (Cánh đồng thương nhớ). Cánh đồng gắn bó với tuổi thơ anh là cánh đồng "Đất phèn cháy vàng những bàn tay lam lũ" . Tôi đã vô cùng hào hứng với câu thơ độc đáo của anh Giấc ngủ xa quê tôi như con ốc đeo hờ gốc rạ (Cánh đồng thương nhớ). Với anh, nỗi đau lớn, nỗi đau âm ỉ khôn nguôi phải chăng đó là cuộc sống bươn chãi đã khiến anh phải rời khỏi vùng đất mà anh đã từng gắn bó. Từ đó mới thấy, anh yêu quý quê hương biết chừng nào.
Ký ức quê trong thơ Văn Triều vô cùng phong phú. Đó là tiếng gọi đò bên sông, đó, đó là tiếng cuốc kêu khắc khoải (mà anh gọi là con Quốc). Ký ức quê còn là những năm tháng tuổi thơ của anh gắn với những trò chơi con trẻ "Tuổi thơ tôi là căn chòi cạnh gốc đủng đỉnh cuối vườn", là trò chơi trốn tìm, là đám cưới giả để rồi thành một nỗi đau khôn nguôi cho cuộc tình thời thơ dại.
Trong một miền xưa xa của nỗi nhớ trong anh, độc giả còn đong đếm được biết bao nhiêu cảm xúc khi anh về Xóm cũ. Đó là những ám ảnh về những "con nước leo bờ" khiến cho "Hột lúa lừng nhợt nhạt - Bữa cơm thất mùa lạt ệu nước sông sâu" (Xóm cũ). Đó là Tiếng gà tuổi thơ để anh tự chất vấn mình "Tôi mắc nợ tiếng gà, gà có đòi đâu – Nhưng suốt đời tôi không trả nổi".
Đọc bài thơ Màu hoa đỏ, tôi có cảm giác như Văn Triều đang "tổng hợp" tất cả những ký ức quê trong miền thẳm sâu trong anh. Đó là bếp lửa hồng của mẹ, từ nồi cơm trắng gắn với cánh cò trên mảnh đất phèn chua cơ cực. Đó còn là bến sông quê với bên bồi bên lở và "Nắng vãi bờ sông, con trâu về nghé ngọ". Tất cả hiện lên thật sống động, thật trong lành nhưng cũng chất chứa bao niềm day dứt khắc khoải trong anh.
Không gian quê trở đi trở lại trong cảm xúc của anh còn là những cánh đồng quê với "Đất phèn cháy vàng", "cánh đồng quê mằn mặn hăng hăng", "Ngoài kia là cánh đồng cằn khô cưu mang mùa vụ", "giọt sữa bắt dầu từ thớ đất phèn chua". Anh viết nhiều về cánh đồng tuổi thơ với bao nhọc nhằn gian khó, với người mẹ nghèo đã chắt chiu từng giọt sữa mát lành nuôi anh lớn khôn chính trên cánh đồng chua phèn cằn khô ấy.
Kết lại bài viết bằng câu thơ của anh "Ba vẫn nghe một vùng ký ức còn đau" (Bài thơ đầu cho con). Nỗi đau ấy phải chăng chính là những day dứt không nguôi khi người con bị "bứng " khỏi ruộng đồng làng quê vì kế mưu sinh với những nhọc nhằn cơm áo gạo tiền? Và cũng phải chăng vì thế mà thơ Văn Triều lại đong đầy cảm xúc?
TRẦM THANH TUẤN