20/07/2022 09:54
“Mèn đét ơi… mù u lại rụng lềnh mặt sông” - mỗi lần nghe bà nội nói vậy là mấy đứa cháu nhỏ biết phải làm gì để phụ nội rồi đó. Mà không biết từ bao giờ những hàng cây mù u soi bóng bên dòng sông quê tôi, cập con rạch dẫn vào bến xuồng nhà nội.
Có lần chợt hỏi, bà nội đằng hắng “chắc nội phải hỏi nội của nội để trả lời cháu bây”, rồi cười nhe hàm răng nhai trầu. Đinh ninh rằng, chắc tới mình trọng trọng sẽ biết. Ủa, mà nội của nội đi bán muối xa lắc xa lơ rồi mà!
(Ảnh: thuocdantoc.org)
Đặt câu hỏi ông nội tương tự như hỏi bà thì ông nhìn xa xăm “Ông không rõ, từ hồi còn nhỏ xíu, ông thấy mù u lớn vậy rồi. Có lẽ từ thuở người xưa đi mở đất đã gieo trồng rồi cây bám đất sinh sôi mãi”.
Ông nội kể thêm, thời ông mới đến kênh này, ngọn mù u đã cao xấp xỉ bốn, năm người lớn chồng lên. Thân cây tròn thẳng, có thể cao trên chục mét; lá mọc đối, thon dài, phía gần cuống hơi thắt lại. Thân cây mù u cũng chứa nhiều mủ màu xanh thường thấy rịn ra ở vỏ. Nhờ thân cây mù u có nhiều dầu nên gỗ mù u khó thấm nước và do đó được dùng để đóng ghe, xuồng. Hàng năm cứ vào đầu tháng hai, lẫn trong vòm lá xanh rộng là những chùm hoa trắng tinh nở rộ. Hoa mù u lớn, thơm dịu và có nhiều cánh như hoa mai. Lúc ấy, lúa cũng vừa vàng đồng, thế là hương hoa, hương lúa cùng hoà quyện theo làn gió xuân lan toả khắp nơi nơi… Rồi khoảng giữa tháng mười, quả mù u bắt đầu ửng chín. Quả căng tròn cỡ quả nhãn. Lúc này vỏ của chúng không xanh mà dần ngả sang màu vàng nhạt, và mỗi khi gió giật, quả lặng lẽ xa cành.
Ở thôn quê Nam Bộ, mù u thường mọc theo bờ sông, mé kinh rạch. Có lẽ từ một bờ rạch nào đó một trái mù u rụng xuống nước rồi theo dòng sông trôi đến đây để nảy mầm, mọc rễ. Các sông rạch ở nước ta đa số theo thủy triều lên xuống mà có nước lớn và nước ròng mỗi ngày hai lần. Vì vậy nên khi nước lớn, có những trái mù u từ ngoài sông cái trôi vào và khi nước ròng có những trái mù u khác từ trong các ngọn ngành trôi ngược trở ra. Chỉ dưới gốc mù u thôi người ta có thể lượm được vài chục trái. Nhiều khi trái mù u rụng do nước mưa chảy hay do nước sông dâng lên trôi lăn lại nằm gần với nhau ở một chỗ trũng như những cái trứng trong ổ tha hồ mà hốt! Những trái đã rụng từ lâu còn nằm khuất dưới những lớp lá mục.
Mù u lượm về đem đổ ra phơi như phơi lúa. Mấy đứa trẻ trong xóm cứ ra chỗ phơi mù u lựa lấy những trái thật tròn, thật lớn để làm đồ chơi. Muốn làm một món đồ chơi nào đó. Trước hết phải cạo sạch lớp vỏ bao bọc chung quanh cái sọ mù u. Đoạn đánh cho láng bằng giấy nhám hay bằng cách mài xuống nền xi măng. Vậy là có một hòn đạn để chơi bắn bi. Muốn làm ống điếu thì lấy dao cắt phần trên của sọ mù u rồi moi hết cái nhân ở bên trong, xong chỉ cần khoét một lỗ nhỏ ở bên hông vừa để gắn vào đó một ống trúc dài độ bảy, tám phân là thành cái ống điếu. Không chơi ống điếu thì làm mấy món đồ chơi khác như cái gáo nhỏ dùng để múc nước trong lon sữa bò đồ chơi. Gáo mù u giống hệt gáo dừa thường dùng để múc nước nhưng nhỏ xíu trông rất dễ thương. Cũng có thể làm một cái chong chóng bằng một miếng tre mỏng, trục chong chóng là một cọng tre cho đâm xuyên qua trái mù u đã moi ruột. Đoạn dùng một sợi dây nhỏ quấn vào trục rồi kéo mạnh làm chong chóng quay tít.
Nhưng nổi tiếng nhất và đã đi vào đời sống sinh hoạt phải kể đến dùng dầu mù u để thắp đèn (hay đèn dầu mù u). Muốn lấy dầu mù u người ta phải phơi mù u khô rồi đập lấy ruột ép để lấy dầu bằng hai khúc gỗ. Cây đèn dầu mù u rất giản dị: một cái chén hay một cái dĩa đựng dầu có cọng tim nằm vắt thòng ra vành miệng để đốt. Cây đèn mù u có khói xanh bốc lên bay khắp nơi làm không khí đục mờ, khung cảnh của những ngôi nhà làng quê xưa. Ngoài cách đốt đèn bằng dầu, người ta còn có thể làm thành cây đuốc rọi. Mù u ép xong, lấy xác còn lại trộn với bông gòn, tẩm vào một chút dầu mù u rồi quấn quanh cọng tre, nhánh tre như một cây nhang lớn, thế là được một cây đuốc rọi. Đèn dầu mù u sạch sẽ hơn cây rọi, nhưng đốt cây rọi người ta được một mùi thơm nhè nhẹ dễ chịu của trái mù u.
Nội kể, gặp những năm cơ khổ, ông nội cùng những người dân trôi nổi, tìm nhặt quả mù u đem về giã nhuyễn, đắp dính vào mảnh tre khô, thắp sáng thay đèn. Lợi ích khác là gỗ mù u còn dùng để đóng ghe, làm cột nhà, chất dầu trong quả nếu nấu cô đặc lại sẽ là thứ dùng thay xà phòng hay làm thuốc trị ghẻ lở, thấp khớp, nhựa mù u có thể dùng để làm thuốc cầm máu vết thương… nhất là ở những nơi xa thầy, xa chợ.
Mắc võng nằm dưới gốc mù u hay sợ trái rớt xuống đầu, nhưng cảm giác đòng đưa bên bến sông văng vẳng bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến “Lời ru buồn nghe mênh mang, mênh mang sau lũy tre làng khiến lòng tôi xôn xao. Ngày lấy chồng em đi qua con đê, con đê mòn lối cỏ về, có chú bướm vàng bay theo em. Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi, lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn” cũng rất thích thú. Âm điệu và lời bài hát vang lên, tự nhiên mang một cảm giác u trầm xa vắng, như cánh bướm vàng nhà ai, vừa đậu nhánh mù u lại rồi vụt bay đi, để lại một nỗi buồn thật nhẹ nhàng nhưng ray rứt khôn nguôi. Về sau, mới biết lời nhạc nổi tiếng trong bài hát ấy xuất phát từ bài ca dao:
Bướm vàng đậu nhánh mù u
Lấy chồng càng sớm, tiếng ru càng buồn.
Trái mù u đi vào ký ức xa xưa một thời của tôi, và biết đâu, cũng là của những ai đã từng một lần gắn bó với dòng sông, kinh rạch quê hương.
NGUYỄN ĐINH VĂN HIẾU
Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, khẩn trương, chu đáo, hôm nay, tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Liên đoàn bóng đá Việt Nam, được sự quan tâm chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Gia đình Việt Nam và Công đoàn Cục báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức khai mạc Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc - Press Cup lần thứ 08 năm 2024.