21/06/2021 14:10
Công trình này là kết quả tổng hợp của Đề tài khoa học cấp Nhà nước "Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam" do PGS.TS. Đào Duy Quát làm chủ nhiệm đề tài. Quyển sách đã tổng kết lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam trong khoảng 85 năm. Đây là công trình thể hiện tâm huyết của nhóm tác giả nhằm tổng kết lại quá trình hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử từ khi tờ báo cách mạng đầu tiên - Báo Thanh niên ra đời (21/6/1925) cho tới những năm đầu của thế kỷ XXI. Trên cơ sở đó các tác giả cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của báo chí cách mạng trong công cuộc vệ quốc và xây dựng đất nước.
Với gần 600 trang, được phân chia thành 07 chương và một phần kết luận. Trong chuyên luận Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), các tác giả đã tuần tự trình bày tình hình chính trị - xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, sự ra đời của báo chí Việt Nam và những bước phát triển của báo chí Việt Nam từ 1865 đến năm 1925. Những nét cơ bản của nền báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ 1925-1945 cũng đã được các tác giả đề cập đến bằng những phân tích thấu đáo dựa trên sự bao quát nội dung được phản ánh trên các ấn phẩm báo chí cách mạng qua đó đã khẳng định sự phát triển và những đóng góp của báo chí cách mạng kể từ khi Bác Hồ sáng lập Báo Thanh Niên đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo dòng chảy lịch sử, đóng góp của báo chí cách mạng những năm 1945-1946 và báo chí cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954 được tìm hiểu, phân tích những tác động của các sự kiện lớn trên thế giới ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam. Trong đó chú trọng đến tình hình hoạt động của báo chí; các chính sách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc tổ chức, quản lý hệ thống báo chí nước nhà sao cho hiệu quả nhất, thiết thực nhất, nhằm phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.
Bằng những dữ kiện lịch sử, những luận giải thuyết phục, các tác giả tái hiện những đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng, vai trò của báo chí và hoạt động của báo chí trong thời kỳ cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975).
Báo chí cách mạng từ năm những 1976-1986, các tác giả tập trung phân tích những nội dung liên quan đến sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và thống nhất hoạt động báo chí trên toàn quốc trong điều kiện cả nước thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, với những yêu cầu mới và những nhiệm vụ mới. Thời kỳ đổi mới, báo chí cách mạng cũng đã có những bước chuyển mình quan trọng. Các tác giả đã phân tích, luận giải về công cuộc đổi mới của đất nước đã tác động đến sự đổi mới của báo chí trong những năm 1986-2000; đề cập những nội dung liên quan đến tổ chức và kiện toàn Hội Nhà báo; các tờ báo, tạp chí với những chuyên mục mới, cách viết mới…phản ánh thực tiễn quá trình đổi mới trên nhiều lĩnh vực. Báo chí cách mạng trong giai đoạn này không chỉ phản ánh tình hình thời sự, những biến động lớn của xã hội và thế giới, tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực đi đôi với việc phát hiện và cổ vũ nhân tố mới. Báo chí đã có những thay đổi toàn diện từ báo Trung ương đến hệ thống báo địa phương. Bên cạnh đó cũng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật thì báo chí cũng đã có những thay đổi lớn từ kỹ thuật làm báo đến cách viết mới.
Bên cạnh đó các tác giả đã dành nhiều trang đề cập đến nhiệm vụ của báo chí trong thời kỳ đổi mới với yêu cầu cụ thể về đổi mới tư duy hoạt động báo chí và kết quả thực hiện của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương; báo các cơ quan, đoàn thể và hệ thống báo chí điện tử…
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc được thực hiện trong nhiều năm bởi các nhà quản lý, khoa học, các nhà báo có uy tín sẽ là tài liệu học tập và tham khảo quan trọng, hữu ích cho những ai mong muốn nghiên cứu về Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
BÁCH CÁT
Ngày 28/11, giải Điền kinh lứa tuổi U18 Đông Nam Á 2024 đã chính thức khởi tranh tại Malaysia và ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, các vận động viên trẻ Việt Nam có được kết quả khích lệ khi giành 03 Huy chương Vàng (HCV), 02 Huy chương Bạc phá 01 kỷ lục nhóm tuổi.