|
Tập thơ của Nhà thơ Lê Tân. Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2014. Sách dày 168 trang, khổ 13 x 19cm. Ảnh: BÁ THI
|
|
Ở Trà Vinh, Nhà thơ Lê Tân là người có quá trình hoạt động văn học nghệ thuật lâu dài, bền bỉ. Tác phẩm của ông luôn đồng hành với những chặng đường đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà. Ngay sau Đồng khởi 1960, khi vừa bước vào tuổi mười lăm, đang học dở dang bậc trung học, Lê Tân “xếp bút nghiên” thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến và chọn thơ ca là phương tiện phục vụ cách mạng, phục vụ cuộc sống. Từ đó đến nay, ông liên tục sáng tác, cho ra đời hơn 10 tập thơ, trong đó được bạn đọc chú ý như: Hoa nắng (1980), Với biển mênh mông (1985), Thời gian trở lại (1987), Bài thơ tình không tên (1988), Hoa xương rồng trắng (1991), Cảm thức và hai nửa vầng trăng (1994), Tiếng chim báo nước (2000), Tự khúc (2006), Thơ Lê Tân - Tuyển chọn (2010)...
Năm 2014, khi chuẩn bị bước vào tuổi sáu mươi chín, theo sự gợi ý của nhiều đồng nghiệp, bạn bè, Nhà thơ Lê Tân tuyển chọn lại đúng 69 bài thơ trong toàn bộ hàng trăm bài được ông sáng tác trong gần nửa thế kỷ để xuất bản tập “Màu hoa muống biển”. Có thể nói đây là tập “tổng kết thành tựu” cuộc đời thơ và từng bài thơ đều là dấu ấn trên chặng đường hoạt động sáng tác của ông.
Đó là những bài thơ ghi lại những kỷ niệm trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đầy hy sinh gian khổ như: Ông già canh giữ nghĩa trang, Đi tìm dấu vết nhà âm, Bông mua nở dọc đường chiều anh trở lại… Đó là những đổi thay của quê hương, đất nước trong những năm tháng xây dựng hòa bình mà ông trực tiếp chứng kiến như Màu xanh cồn Bần Chát, Phác thảo bức tranh cò, Phác thảo Sài Gòn, Nhà máy ven rừng… Đó cũng là những ghi chép bằng thơ về những miền quê mà ông có dịp đặt chân tới như: Ghi ở Tân Trào, Hai tiếng Cần Thơ, Đêm ngủ ở An Bình, Đến Côn Sơn hầu chuyện Ức Trai, Bạch Đằng Giang…
Đặc biệt, trong “Màu hoa muống biển” có những bài thơ thể hiện sự trải nghiệm, suy tư, triết luận của một nhà thơ trước cuộc sống, trước thế thái nhân tình như Nhớ đồng, Tiếng chim báo nước, Chuyện cây mắm và cây đước, Bây giờ ngoảnh lại, Khi những chiếc lá vàng rơi, Từ một câu ca dao miền biển… như nhiều nhà thơ khác, với “Màu hoa muống biển”, Lê Tân dành một dung lượng đáng kể cho một đề tài muôn thuở - tình yêu đôi lứa như Bài thơ tình không tên, Thơ tình bốn câu, Anh tự dối lòng mình, Tình ta, Bên em…
Qua tập Màu hoa muống biển, người đọc sẽ có cái nhìn khái quát về toàn bộ sự nghiệp thơ của ông, từ những chủ đề chính, nghệ thuật thơ, tư tưởng triết lý cũng như những thông điệp mà ông gởi gắm vào từng câu chữ.
Xuất thân từ một gia đình nông dân miền biển, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, như cán bộ kháng chiến, cán bộ lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, nhà báo, nhà thơ… Lê Tân vẫn giữ cho mình cái sự chơn chất đến hồn nhiên của một anh nông dân miền biển. Trong suốt sự nghiệp thơ của mình, Lê Tân chưa bao giờ chọn những chủ đề, đề tài cao xa mà thường là những điều “mắt thấy, tai nghe”, hiển hiện trước mắt ông, trước mắt người dân miền biển, người dân Trà Vinh quê ông. Do vậy, không khó để cảm nhận chất báo chí ngay trong những vần thơ ông viết.
Hãy theo bước chân Nhà thơ gom nhặt vào thơ một cánh hoa muống biển, một cánh cò trắng muốt, một chút vị rau đắng đồng, một mùi hương hoa sao phảng phất hay một vạt rừng mắm, rừng đước… câu chữ trong thơ Lê Tân là lời ăn tiếng nói bình dị của những người tay lấm chân bùn, tay xiệp chân cà kheo, của ca dao tục ngữ. Cũng đôi lúc, Nhà thơ muốn thử nghiệm mình với xu hướng thơ triết luận, lý trí (Cảm thức, Khi những chiếc lá vàng rơi, Xin chào xuân của Ba mươi…) nhưng không thành công nên ông quay lại, thủy chung với những vần thơ chơn chất, bình dị của mình.
Thơ Lê Tân là tiếng lòng thủy chung son sắc. Không phải ngẫu nhiên mà Nhà thơ chọn thi phẩm “Màu hoa muống biển” làm tên chung và cũng là bài thơ đầu tiên cho tập “tổng kết thành tựu” cuộc đời thơ. Ở góc độ nghệ thuật, thi pháp hay cấu trúc bố cục, Màu hoa muống biển không phải là bài thơ hay nhưng ở nội dung tư tưởng, rõ ràng đây là “tác phẩm lập ngôn” của thơ Lê Tân. Chúng ta hãy cùng ông khởi đầu bước chân của một người con miền biển, vì điều kiện cuộc sống bôn ba khắp nơi:
Đã đi cuối đất cùng trời
Hoa lan, hoa cúc… rạng ngời sắc hương
Mà sao cứ nhớ, cứ thương
Màu hoa muống biển suốt đường tôi qua…
Người thơ của chúng ta đã in dấu chân mình trên khắp miền Tổ quốc, rồi có dịp ra Á sang Âu, từ những thành phố hoa lệ đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nhưng, với ông, không ở đâu bằng vùng biển quê hương với hình bóng người phụ nữ tảo tần một đời gắn bó:
Màu hoa muống biển quê nhà
Thủy chung, son sắc, đậm đà, bền lâu
Bây giờ. Và mãi ngàn sau
Màu hoa muống biển đậm màu trong tôi.
Sự chơn chất, hồn nhiên và tính thủy chung, son sắc chính là những chiếc đinh tường treo cuộc đời thơ Lê Tân vào nền thơ ca Việt Nam đương đại.
Nhà văn TRẦN DŨNG