04/11/2020 11:05
Tập thơ gồm 23 thi phẩm, thể hiện đậm nét phong cách nghệ thuật thơ của Tăng Hữu Thơ.
Lần giở từng trang thơ của tác giả, điều mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy đó là cảm xúc của những khoảnh khắc đời thường, tưởng chừng hết sức giản dị mà nếu như sống hời hợt ta có thể rất dễ dàng bỏ qua, đã được nhà thơ chia sẻ bằng những vần thơ trĩu nặng những tâm tình hoài niệm, những trải nghiệm, những suy tư. Khi là những suy nghiệm trước công ơn sinh thành trong bài "Suy ngẫm", có khi là những suy ngẫm trước sự sống và cái chết.
Tôi rất xúc động khi đọc những vần thơ trong bài "Viếng nghĩa trang mùa xuân". Người chiến sĩ đã hồn nhiên dấn thân vào cuộc chiến đấu dành lại sự sống cho dân tộc và cũng hồn nhiên chấp nhận sự hy sinh thầm lặng. Hai chữ "lẽ thường" cuối bài thơ thật giản dị mà nặng trĩu bao suy tư. Nhà thơ suy tư trước "Màu tím hoa bần" dung dị nhưng ẩn chứa tình nghĩa thủy chung. Trước trái táo hồng đơn sơ cũng khiến tâm hồn thi nhân dâng trào "Hạnh phúc". Để rồi tâm hồn người thơ đất Trà Cú như tan vào trong những "Hoài niệm" với những ký ức của một thời mộng mơ đã đi vào những quá vãng.
Một bài thơ khác, bài "Lãng mạn" cũng là những đối thoại rất chí tình với người bạn đời tào khang. Ông luôn day dứt một nỗi niềm chưa cho vợ được một cuộc đời giàu sang sung sướng, họa chăng chỉ là cả một cuộc đời vất vã hy sinh cho chồng, cho con.
Tăng Hữu Thơ cũng đã dành nhiều tình cảm của mình đối với cảnh sắc của quê hương xứ sở. Nhà thơ "Cảm xúc trước đền thờ Bác" với tấm lòng của người Long Đức Trà Vinh hướng về lãnh tụ. Ông cũng trải lòng trước vẻ đẹp của "Vùng dưa xứ biển", "Biển" rồi hòa mình với cảnh sắc của "Quê mới" hay lắng lòng khi "Nghe nhạc ngũ âm". Tăng Hữu Thơ đã dựng lại không khí của miền biển Mỹ Long trong ngày lễ hội rất hùng tráng nhưng cũng rất đỗi trữ tình trong bài thơ "Lý ngựa ô trong đêm cúng biển". Thơ tình yêu của Tăng Hữu Thơ diễn tả được nhiều cung bậc, nhiều trạng thái cảm xúc của tình yêu, thứ tình cảm từ ngàn đời luôn khuyến dụ những trái tim nồng nàn của nhân thế. Có khi đó là sự e ấp dịu dàng trong buổi đầu biết luyến nhớ trong bài thơ "Trái ổi em trao" có khi đó lại là những khoảnh khắc nồng nàn say mê đến ngất ngây trong "Tắm đêm". Thơ tình của Tăng Hữu Thơ còn nói nhiều đến hương yêu. Đó là một lúc chợt gặp lại cái nồng nàn của hương tình cũ để bao kí ức chợt vọng về, "Hương đêm". Đó còn là hương yêu thoang thoảng nồng nàn trong hư thực của giấc mơ yêu trong "Hương quỳnh", "Hương quen", "Vườn em".
Nhà thơ Tăng Hữu Thơ sinh năm 1940, tại xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Bắt đầu có thơ đăng báo từ năm 1959 trên tờ Cứu Quốc. Khi tập kết ra Bắc, Tăng Hữu Thơ có thời gian công tác tại Quảng Ninh, tham gia văn nghệ vùng mỏ, có thơ đăng trên tạp chí Cửa Tầng. Sau khi thống nhất đất nước, Tăng Hữu Thơ tham gia văn nghệ Cửu Long, có thơ đăng trên nhiều tờ văn nghệ từ địa phương đến trung ương. Hiện ông sinh sống tại thành phố Trà Vinh.
Mời quý độc giả tìm đọc Tập thơ “Màu tím hoa bần” của nhà thơ Tăng Hữu Thơ, để cảm nhận những tình cảm nhà tác giả đã gửi gắm qua 23 thi phẩm.
TRẦM THANH TUẤN
Lý ngựa ô trong đêm cúng biển
Tăng Hữu Thơ
Gái làng chài hát "Lý ngựa ô”
Đêm cúng biển trùng trùng lễ hội
Sóng giục giã như người phi ngựa tới
Rung đất quê bổi hổi trăm miền.
Đêm ngư trường nghe điệu lý thân quen
Gọi thức dậy bầy ngựa thần dũng liệt
Ôi tuấn mã oai linh tràn nhiệt huyết
Con sông nào ào ạt vỗ lòng ta
Từng cặp thuyền nằm ghếch bãi xa xa
Trăng chuếnh choáng phả men vào động cát
"Lý ngựa ô" say vùi trong đáy mắt
Đêm thuỷ thần lồng lộng gió trùng khơi
"Lý ngựa ô" anh yêu "Lý ngựa ô”
Duyên cô Tấm làng chài đêm trẩy hội
Ôi tha thiết lời ca dâng bão nổi
Con sóng vỗ bờ dào dạt giữa tình anh…!
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.