21/05/2023 15:57
Đọc “Thơ dưới hiên nhà" tôi nhận ra anh quan tâm đến nhiều đề tài, cơ hồ như anh bắt gặp những kiện đời sống nào mà anh trăn trở thì lúc ấy có thơ. Thơ Thái Minh đậm chất thế sự, anh có nhiều khát vọng trong việc khái quát những suy tư mang tính chất triết lý:
Tất cả chúng ta là ếch
Chỉ ngồi khác giếng người ơi
Tầm nhìn nào hề đồng nhất
Dòm lên khác cả vòm trời
(Ếch ngồi đáy giếng)
Thơ Thái Minh đề cập nhiều đến tình yêu. Sắc độ yêu trong thơ Thái Minh cũng rất phong phú đa dạng. Khi thì tình chớm nở:
Ghét em khóe miệng cười xinh
Thêm đôi mắt biếc ưa nhìn ngẩn ngơ
Ghét em thích chạy vào mơ
Cho anh đuổi bắt hàng giờ mỗi đêm
(Ghét em)
Khi thì tình đậm sâu:
Người ở phương nao ta đâu chắc
Chỉ khắc xuân tiêu đượm thấm hoài
Vấn vấn vương vương từng nhịp thở
Vạn sầu trăm nhớ chẳng biết ai
(Tình đắm say)
Khi lại xót xa cho tình tan vỡ:
Yêu đương tôi gửi cánh chuồn
Lúc vui nó đậu, lúc buồn nó bay
Giờ này tôi biết tìm ai
Để xin lấy lại tháng ngày ấm êm
(Cánh chuồn)
Khi lại ngọt ngào, tinh nghịch:
Ghét em khóe miệng cười xinh
Thêm đôi mắt biếc ưa nhìn ngẩn ngơ
Ghét em thích chạy vào mơ
Cho anh đuổi bắt hàng giờ mỗi đêm
(Ghét em).
Có thể nói phần lớn các bài thơ trong tập thơ là thơ tình. Chính tác giả đã thật thà bộc bạch:
Loay hoay viết mãi thơ tình
Gió chướng lay động chuyển mình ngộ ra
Lại một năm nữa bỏ ta
Ngỡ ngàng bật ngửa tuổi qua ngũ tuần
(Năm mươi).
Tuy cảm thán là vậy nhưng những bài thơ tình của Thái Minh vẫn có nét trẻ trung tươi mới. Anh đào sâu vào những cung bật trong tình yêu để có cách diễn đạt mang nét riêng.
Với những khoảnh khắc bất chợt, Thái Minh lại cảm tác từ những phận đời của nhân vật của lịch sử, những nhân vật trong các tuồng tích cải lương hay những nhân vật của văn chương. Đó là Lan, là Điệp, là Thi Sách, Trưng Trắc, Mỵ Châu, Trương Tri trong Nghìn lẻ một đêm để rồi tác giả đã kết lại bài thơ với những chiêm nghiệm:
Cảm tác tích xưa trút bấy nhiêu thôi
Khó nói hết tình chia đôi kim cổ
Có chong đèn tản mạn muôn chuyện cũ
Chốc miên trường thoáng nghìn lẻ một đêm
(Nghìn lẻ một đêm).
Hay từ thành ngữ Nếm mật nằm gai gắn với điển tích Câu Tiễn giữ ngựa nơi trời Ngô, Thái Minh đã suy tư:
Câu Tiễn xưa nếm mật nằm gai
Làm vua vong quốc bao năm dài
Ly hương đất khách nhiều tủi nhục
Cuối cùng hạ gục được Phù Sai
(Nếm mật nằm gai)
Thơ Thái Minh muốn đào sâu vào những chiêm nghiệm về nhân tình thế thái những bài thơ như: Cái lưỡi, Ếch ngồi đáy giếng, Uốn lưỡi bảy lần, Vuông tròn... đã cho thấy người làm thơ đã có những trải đời sâu sắc. Đôi khi người đọc lại bắt gặp trong thơ Thái Minh nét suy tư về một thời quá vãng một đi không trở lại. Những ký ức đẹp của tuổi dại khờ như những thước phim quay chậm cứ chầm chậm hiện về:
Tìm đâu hương vị cũ
Xôi nếp cái hoa vàng
Xưa kia bà hay nấu
Thăm cháu thường mang sang
(Tìm đâu).
Ở nhiều bài thơ, Thái Minh đã thể hiện được năng lực nắm bắt được những chuyển biến vi tế của thiên nhiên tạo vật:
Nụ quỳnh hương lay động
Bung cánh mỏng khẽ khàng
Êm như làn hơi thở
Nhẹ hơn tiếng thời gian.
(Mấy khi)
Thơ Thái Minh còn thể hiện trách nhiệm của người công dân đối với non sông đất nước:
Những dấu chân Lạc Hồng lao phía trước
Đưa Việt Nam tiếp bước rạng cơ đồ
Từng lớp lang gương người lính Cụ Hồ
Phẩm chất đẹp điểm tô cờ đỏ thắm
(Lời của non sông)
Thái Minh trình làng bằng một tập thơ với số lượng bài thơ đáng nể, hy vọng đây là tiếng thơ sẽ góp thêm những âm sắc mới mẻ cho thơ ca Trà Vinh.
TRẦM THANH TUẤN
Điểm nhấn của Festival Ninh Bình là sự kiện khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 24/11/2024 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình với chủ đề “Dòng chảy di sản”.