02/07/2021 16:19
Trang bìa quyển sách.
|
Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku vào ngày 19/4/1946, Bác Hồ đã căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Cách mạng muốn thành công phải có lực lượng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Vì vậy, Người chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối.
Cuốn sách “Một gia đình chung, một Tổ quốc chung” mà chúng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc, nhằm góp phần khích lệ mạnh mẽ để cộng đồng các dân tộc Việt Nam một lòng ghi tạc và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2021) thì cuốn sách quý này càng tăng thêm giá trị với người đọc. Sách được Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoài Dung và Tuệ Minh biên soạn, tuyển chọn, do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành vào quý I/2020.
Sách chuyển tải đến người đọc 43 câu chuyện về Bác Hồ và những lời dạy của Người về nội dung đại đoàn kết toàn dân tộc; về truyền thống đoàn kết của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Nội dung những câu chuyện đều ngắn gọn, dễ hiểu. Trong đó có câu chuyện được tác giả chuyển tải chỉ gói gọn trong 02 trang sách, chuyện dài nhất cũng chỉ khoảng 10 trang sách khổ 13 x 20,5cm. Tiêu điểm là chuyện kể “Một gia đình chung - Một Tổ quốc chung” được trích từ “Những chuyện kể về Bác Hồ với đồng bào dân tộc”, do Nhà xuất bản Lao Động phát hành năm 2009.
Chuyện kể: sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, cán bộ, bộ đội ta ở miền Nam tập kết ra Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho các cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm đưa một số con em các dân tộc thiểu số ở miền Nam ra Bắc học tập. Bác chọn địa điểm một cơ sở ở Gia Lâm - Hà Nội cho Trường Cán bộ dân tộc thiểu số miền Nam, một dãy nhà ở Giảng Võ làm Trường học sinh dân tộc thiểu số. Cuối năm ấy, khoảng 50 học sinh các dân tộc có trình độ lớp 4 trở lên được về Trường Trung sơ cấp Sư phạm miền núi Trung ương tại khu nhà 30 Phan Đình Phùng (Cửa Bắc - Hà Nội). Trong số 50 học sinh này gần như có đủ “đại biểu” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và Nam Bộ.
Đầu tháng 3/1955, được tin Trường Sư phạm miền núi Trung ương khai giảng, Bác Hồ đã gửi thư riêng cho học sinh. Bác viết: “Trong hơn 80 năm, chúng ta bị thực dân Pháp và bọn vua chúa áp bức cho nên chúng ta lạc hậu, văn hóa kém cỏi, mà chúng nó áp bức được là vì chúng nó chia rẽ chúng ta, vì chúng ta chưa biết đoàn kết. Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa thì chúng ta phải đẩy lùi những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”.
Một học sinh người Khmer Nam Bộ là Khiêm Văn Pôn sau này được cử sang Liên Xô học tập trở thành tiến sĩ giáo dục dân tộc học, kể lại: tôi nhớ nhất là những câu Prak Hồ nói về đoàn kết toàn dân tộc chúng ta. Bác nói rằng: “Các cháu thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều địa phương. Nhưng các cháu đều là con em của đại gia đình chung: là gia đình Việt Nam; đều có một Tổ quốc chung: là Tổ quốc Việt Nam”.
Bác còn nói “Bác sẽ có phần thưởng cho những cháu nào thi đua học tập giỏi, rèn luyện tốt”. Vâng lời Bác, trong lớp chúng tôi, học sinh các dân tộc đều thương yêu nhau như anh em một nhà, cố gắng học hỏi để Bác được vui.
Bài, ảnh: BÁ THI
Ngày 28/11, giải Điền kinh lứa tuổi U18 Đông Nam Á 2024 đã chính thức khởi tranh tại Malaysia và ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, các vận động viên trẻ Việt Nam có được kết quả khích lệ khi giành 03 Huy chương Vàng (HCV), 02 Huy chương Bạc phá 01 kỷ lục nhóm tuổi.