13/07/2022 12:41
Có khi vậy. Kỷ niệm thiếu thời ùa về đẹp hơn bao giờ hết. Ngày thiếu mặc, thiếu ăn, mà đôi khi, cũng do tuổi ấy, cùng trang lứa, bạn bè rủ rê làm cái gì thì làm cái nấy, không đủ sức để nghĩ. Chẳng hạn như dưa hấu phải ăn trong ruộng dưa, lấy cùi chỏ đập bể trái dưa, hay kiếm một gốc cây nào đó làm điểm tựa mà đập. Như trèo bẻ dừa lấy răng lột hay mạnh tay đập vào chính gốc dừa cho tứa nước ra kẽ nứt, đưa miệng hứng giọt nước dừa ngọt ngào đã khát làm sao! Như cá bắt hôi đìa, mương, ruộng lúa của hàng xóm, láng giềng mới là cá ngon nhứt. Và lúa mót đem về cho má cà ra gạo nấu cơm cũng “ngon nhứt xứ ba xuyên”.
Ảnh minh họa.
Cứ đến mùa gặt ở những cánh đồng bát ngát sau nhà của những nông dân trong ấp, sau buổi học những đứa trẻ trong xóm sàn sàn tuổi lên chín, lên mười là rủ nhau ra đồng mót lúa. Đó là lúc lúa đã bắt đầu được gặt vãn. Như đàn chim sẻ nhỏ, bọn tôi sà từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác. Đứa nào cũng đeo bên vai một chiếc túi vải nhỏ hoặc nhét túi quần một bọc ni-lông đủ để đi mót lúa. Chiếc túi thường được má khâu lại từ những mảnh vải vụn xin của ai đó, nên chiếc túi vải có nhiều màu và quai đeo rất xì dách.
Ngày đó, thợ gặt thường cắt sát gốc lúa, sắp thành từng dãy thẳng hàng cho hết mảnh ruộng rồi bắt đầu quay lại dùng liềm xén ngang thân cây, gánh phần ngọn về trước. Phần rạ để lại ruộng cho khô rồi mới gánh cho nhẹ bớt. Chúng tôi đi từng dãy rạ, lật ra để nhặt những bông lúa còn sót lại cho vào túi, vào bọc. Bốn, năm đứa, có khi cả chục đứa đi với nhau, chia mỗi đứa một khoảnh ruộng rồi chăm chú nhặt lúa sót. Rõ ràng đã lật hết đám rạ rồi nhưng đến khi quay vòng lại, lật búi rạ lên vẫn cứ nhặt được những bông lúa vàng hươm nằm ẩn mình sau thân rạ khô giòn. Mắt nào mắt nấy tròn xoe và miệng xuýt xoa bật lên tiếng reo nho nhỏ trông đến là thích thú.
Cũng có những ruộng lúa được cắt ngang giữa chừng thân lúa, chỉ lấy phần bông phía trên, phần rạ phía dưới dựng tua tủa như những cọc nhọn. Chà chà, đến mảnh ruộng như vậy, những đứa có kinh nghiệm mót lúa nhanh mắt thấy, thường đi vòng quanh bờ. Nơi đó có những bông lúa nặng trĩu ẩn mình trong đám cỏ cao lút mặt mà những thợ gặt vô tình bỏ sót lại. Dùng chiếc kéo bé tí xíu vẫn thường được dùng cắt thủ công trên lớp học, cắt bông lúa. Và chợt thấy túi mình nặng bộn hơn một chút. Trên miếng ruộng gặt sớm, những bông lúa trổ muộn tiếp tục ra bông và chín. Dường như chúng cố không phụ công những tháng ngày chăm sóc, bón phân, nhổ cỏ của những người trồng lúa. Bọn tôi hái những bông lúa thường chỉ có dăm bảy hạt thóc ấy mà lòng vẫn cứ hân hoan, vui sướng. “Năng nhặt chặt bị”, nếu kiên nhẫn thì vẫn có thể hái được cả túi thóc đầy.
Có khi mùa gặt rơi vào lúc đám mưa đi ngang qua, ghé lại. Sau những trận mưa hơi nặng hạt, những đám ruộng mấy hôm trước khô giờ đã ngập nước đến ngang bụng chân. Mà lạ, nước dưới ruộng ấm áp chứ không lạnh như nhiều người mường tượng. Nước trong văn vắt. Những bông lúa sót lại nằm dưới đáy ruộng căng mọng vì nước. Có hạt thóc đã chớm nứt mầm trắng vẫn được vớt mang về. Bàn chân trần giẫm vào gốc lúa ráp mềm. Đàn cá được phen nước đuổi nhau vèo vèo trên mặt nước. Những con ốc mít, ốc rạ béo múp míp nặng nhọc bò dưới chân ruộng. Đôi ba chú cua đồng, giơ càng ra doạ dẫm. Bọn tôi, thế là, nhặt tất cả cho vào túi. Mỗi ngày bắt được vậy vài đứa góp lại cho nhà một đứa thì cũng được một bữa canh cua nấu riêu hoặc nồi ốc luộc ngon lành của bà, của má. Lần lượt quay vòng rồi cũng đến lượt nhà mình ăn canh cua, ốc cho đã thèm.
Ký ức tuổi thơ ngọt ngào vậy, lớn lên, gặp lại nhau, thường hay nhắc mãi, vui nhất là tập nhớ tập kể lại coi hồi đó đứa nào bắt ốc, bắt cua được nhiều hơn!
Mót lúa đâu chỉ mót lúa, mấy thửa ruộng còn là sân chơi đùa giỡn của bọn tôi, bằng nhiều trò chơi đồng ruộng. Dễ nhất là chơi rượt bắt đuổi nhau chạy tí tóe, sấp mặt trên đồng. Hay té nước trên đồng để đến nỗi áo quần đứa nào đứa nấy cũng ướt mẹp. Cảm giác vừa mót lúa vừa nô đùa vô tư thật thích. Cuối ngày trở về nhà, má lại cần mẫn vò lúa, sàng sảy sạch sẽ rồi đem phơi khô, cho vào khạp. Những bông lúa nếp được má lựa riêng. Bông tươi xanh má cho vào bếp than củi nướng cháy rơm, để lại những hạt thóc nếp thơm phưng phức. Ngồi nép vào lòng má, dùng tay để bóc hạt gạo nướng xanh non nổ cốm, đưa vào miệng nhai dẻo ngọt. Bông lúa nếp già, má tuốt ra phơi khô rồi đem rang thành bỏng, âm thanh nổ lép bép trong bếp thật vui tai.
Mót lúa mỗi một vụ mùa, bọn tôi lụm nhiều nhất hai, ba chục ký lúa khô. Giữ đến gần Tết, má đem qua nhà máy kế bên nhà xay xát lấy gạo. Số gạo đó mẹ để nấu riêng. Thứ cơm được nấu từ những bông lúa, hạt thóc mót trên cánh đồng có hương vị thật lạ, ngon làm sao. Phải chăng, những thứ chính mình đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm được có vị khác vậy cà? Đem thắc mắc này hỏi má, má xoa đầu, rồi nói “bộ mỗi tháng ăn cơm nấu từ bao gạo người ta trả công cho ba con hổng ngon sao, mà đi thắc mắc vậy chớ!”.
KIM HUYÊN
Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp Nhà xuất bản Văn học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và một số đơn vị liên quan tổ chức xuất bản cuốn sách "Đường Kách mệnh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hình thức tái hiện lại bản gốc xuất bản năm 1927.