12/10/2021 07:11
Nhà ba mẹ sinh 5 đứa con gái tổng cộng. Gả chồng xa có, gần có nhưng may không có đứa nào quá xa. Ngày thường, cứ hết con Hai về thăm vài bữa lại tới con Ba, con Tư, con Năm… luân phiên. Cả mấy đứa cháu ngoại lớn cũng hiền thảo dữ: không ai dạy mà hễ có việc đi đâu gần đó thể nào chúng cũng tranh thủ tạt về “vấn an” ông bà ngoại; còn dúi cho - khi bịch sữa, cân đường, ký thịt; khi dăm bảy chục ngàn “đặng ngoại uống cà phê”.
Con thì đương nhiên khỏi nói; cứ lần về chào hỏi xong là lẳng lặng dòm ngửa dòm ngang: thạp gạo đầy hay lưng; tủ lạnh còn gì ăn không, gaz nấu bếp còn hay hết và vân vân. Thấy hụt thứ gì chúng tự động chạy đi mua bỏ vào thứ đó, kệ cho mẹ rầy: chuyện ấy để tao, về chơi được rồi! Được sao mà được, ba mẹ đã trầy vi tróc vảy, khổ một đời tay bùn chân lấm nuôi mấy chị em nên người. Giờ ba mẹ già không còn sức bươn chải, tài sản chắt bóp rút ruột nuôi con ăn học hết thành ra nhà cửa trống trơn. Nông dân quèn chớ quan chức gì na mà tuổi già có lương hưu? Có chớ sao không, cô Ba hàng xóm cãi. Trời, cô Ba nói như thiệt, ai trả lương cho tui? Thì… mấy đứa con chị nó trả chớ ai, cô Ba cười giòn tan. Mẹ chợt hiểu, bật cười theo. Nói như cô thì nhà tui cũng… giàu chớ đâu có nghèo khổ: tài sản còn tới năm… “cục zàng (vàng)”! Cô Ba đắc ý vỗ đùi đánh bách: đúng đó, chị Hai thông minh quá…
Con cháu về suốt suốt nên mẹ khỏi lo chuyện buồn. Ấy là nói lúc còn bình yên chớ từ ngày “giặc Covid” kéo tới, tỉnh phát lệnh giãn cách - hết chỉ thị 15 tới chỉ thị 16 - thì kể như “xong phim”. Chốt chặn dựng khắp nơi. Con cháu nhà nào ở yên nhà nấy, không dám rục rịch đi về thăm nom. Nhà còn trơ hai ông bà già quạnh quẽ sáng vào chiều ra. Ăn uống thì chẳng phải lo: đều đặn lũ nhỏ vẫn đặt hàng online yêu cầu ship tới tận nhà cho ba mẹ. Gạo, mắm, cá, thịt, rau, quả có đủ; vậy nhưng… buồn quá chừng buồn! Phải; già rồi, ăn uống có bao nhiêu.
Lúc trước mong con cháu đi về cái chính là để thấy mặt, chuyện trò với các “núm ruột” yêu thương. Thấy chúng khỏe mạnh, bình yên, phấn chấn tự nhiên tuổi già cũng… phấn chấn theo, ăn cơm thấy ngon hơn, ngủ giấc sâu hơn, bớt u ám trở trăn nhức mỏi mỗi khi trái gió trở trời. Vài bữa không thấy chúng về là lo: không biết con X con Y nhà có chuyện gì?? Là mới nói vài bữa chớ chưa tính tới “thảm cảnh” biền biệt mấy tháng trường như trong mùa dịch! Liên lạc với cháu con thì mẹ vẫn có cái điện thoại “cùi bắp” chỉ có chức năng gọi/ nghe. Cũng là của con mua, trang bị cho. Già thì vậy chớ chậm lụt, kèm nhèm sao xài nổi điện thoại thông minh? Ngày nào mẹ cũng lôi điện thoại ra gọi, nói chuyện với cháu con. Nghe cái tiếng đỡ nhớ thôi chớ sao thấy được mặt mày. Ba thì lẩm cẩm hung, điện thoại “cùi bắp” cũng không thể xài. Bữa rồi mẹ gọi điện than: ba mày lâu không thấy mặt tụi bay ổng buồn, đổ bệnh rồi…
Tình hình giãn cách còn dài; để hai ông bà già thui thủi vào ra, nhớ con cháu quá sinh bệnh đau không ổn. Giờ tao quyết định… mua cái xờ mát phôn (điện thoại thông minh) cho mẹ để mỗi lần điện thoại ba mẹ được “gặp mặt” cháu con, tụi bây thấy sao?
Con Út nhảy dựng:
Trời, xờ-mát-phôn chức năng tùm lum, già như mẹ sao sử dụng được? Chưa kể sóng wifi còn đòi phải có net…
Chị Hai phẩy tay:
Wifi chuyện nhỏ, mua cho cụ gói dữ liệu di động là xong. Tao lo là lo cái chuyện thứ nhứt kia. Hổng biết cụ học sử dụng nổi không. Nhưng tao tin: mẹ vốn sáng trí. Với lại, khát khao thấy mặt cháu con thì nhất định cụ sẽ học được…
Chị Hai làm gì cũng sáng suốt, quyết đoán. Quả xứng danh Chị Cả!
*
Tiền bạc đương nhiên cũng… chuyện nhỏ; “Ngũ Long công chúa” đứa nào chẳng ăn nên làm ra. Giành nhau trả tiền xờ mát phôn chí chóe loạn lên. Chị Hai lại phải ra tay: thôi, cha mẹ là cha mẹ chung, hổng có đứa nào được “đặc quyền”. Tiền mua máy mỗi đứa một phần, góp mua cho cụ cái “to bạc” chút dòm cho sướng mắt! Nhứt trí. Lại đặt hàng online, máy có thương hiệu, bảo hành đàng hoàng, shipper đem giao tới tận nơi. Kiểm tra hàng họ xong xuôi, chị Hai lệnh cho thằng Tí con út cầm máy xin phép vượt chốt mang “nhu yếu phẩm” về cho ông bà ngoại!
Đâu, nhu yếu phẩm gì đâu?Anh dân phòng gác chốt hỏi.
Thằng nhỏ giơ ra cái điện thoại. Tào lao, điện thoại mà nhu yếu phẩm gì?
Thiệt đó anh ơi, ông bà ngoại em già cả neo đơn, giờ dịch giã vầy, có chuyện xảy ra không điện thoại biết lấy gì gọi cho con cháu??
Anh dân phòng gục gặc, ngẫm nghĩ mất mười lăm giây xong đồng ý mở chốt.
Tí ta thở phào, ôm điện thoại chạy u về ông bà ngoại. Mẹ nó đã giao “sứ mệnh” về dạy cho ngoại cách dùng điện thoại, cách sử dụng zalo hình ảnh để nói chuyện với cháu con; còn kèm thêm câu “hăm”: mày dạy ngoại không trôi thì đừng có về nhà...
Thằng Tí đi “công tác huấn luyện” mới có một ngày đã nghe cái “ai phôn” của chị để trên bàn kêu tít tít. Mở máy. Zalo hiện ra tin nhắn kết bạn. Đồng ý xong lập tức có cuộc gọi. Màn hình hiện lên khuôn mặt lắc xắc tí tởn của anh cu. Cười toe.
Sao, mày làm xong chuyện chưa?
Xong tốt đẹp luôn rồi mẹ ơi. Mẹ coi nè…
Cái đầu bù xù biến mất, thay vào đó là gương mặt nhăn nheo của mẹ.
Con Hai hả, phải thiệt mày không??
Thiệt, con nè mẹ ơi…
Khoan khoan, bây để tao dòm lại. Già cả, mắt mũi kèm nhèm khổ quá. Tí, lấy cho ngoại cái kính…
Thằng Tí vừa chạy lấy kính vừa cười hi hi:
Kèm nhèm gì, lêu lêu, coi ngoại chảy nước mắt kìa…
Cha bây! Chớ mấy tháng hông được gặp, tao nhớ thì tao… chảy nước mắt chớ sao? Mẹ vừa thút thít vừa kéo vạt áo chặm lia. Đâu đâu, con Hai đâu, ba đang nằm trên võng nghe nói “con Hai” cũng vội bật dậy chân quên cả xỏ dép. Quỷ thần ơi, con Hai thiệt rồi. Vậy còn mấy đứa kia, con Ba con Tư con Năm con Út đâu, sao hổng thấy???
Cái ông này rõ… lẩm cẩm - mẹ ra bộ thành thạo, giảng giải - gọi đứa nào thì thấy đứa đó chớ. Đây đang gọi con Hai sao thấy được mấy đứa kia?
Hổng phải, ngoại ơi, Tí ta lại lật đật chen vô; là con quên, chưa chỉ ngoại cách nói chuyện với nhiều người một lúc…
Ra vậy; cái… “mát phôn” nhỏ có bằng bàn tay mà ghê gớm thiệt. Mẹ - chắc hơi mắc cỡ với cái vụ vội vàng chê ba lẩm cẩm - lập cập kéo thằng Tí lại gần:
Đâu, gọi cách sao mày bày ngoại coi…
Nhìn cảnh hai bà cháu chúi mũi vô cái điện thoại chỉ trỏ sờ vuốt lung tung ông ngoại lắc đầu; leo lên võng nằm tiếp. Nằm chưa nóng chỗ đã lại giật mình với tiếng reo của thằng Tí: đó đó, thấy chưa, con đã nói là ngoại sáng lắm, ngoại học được mà! Giờ ngoại chờ con xíu, con gọi mẹ với mấy dì, bảo tập trung vô “phòng chát”, nói chuyện một lượt với ngoại nha…
Cuối cùng thì mẹ cũng đã mãn nguyện cái khát khao ngày ngày được thấy mặt, chuyện trò cùng con cháu!
Chị Hai gọi điện zalo về cười hỏi: yên tâm chống dịch chưa? Yên rồi, mẹ lỏn lẻn. Ba - từ bữa thấy được mặt cháu con sức khỏe cũng tốt lên rõ rệt. Giờ mỗi lúc rảnh rỗi mẹ lại “ôm” xờ mát phôn vuốt dọc vuốt ngang, thành thạo không kém cạnh là bao so với tụi nhỏ. Biết mở cải lương nghe. Biết chụp ảnh mâm cơm của hai ông bà gửi chị Hai coi. Thậm chí biết luôn việc… mở trang tin hàng ngày theo dõi tình hình Covid! Lâu lâu họp mặt online cả đại gia đình chị Hai lại cười ngất: đó, tụi bây cứ lo bà già lẩm cẩm, không xài nổi xờ mát phôn nữa đi…
Y NGUYÊN
Sáng 29/11, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức Lễ khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 07 năm 2024. Đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức thường kỳ 02 năm một lần (2022 - 2024).