06/01/2021 05:25
|
Nghệ thuật sân khấu Dù kê ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX ở Trà Vinh nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Khmer ở Nam Bộ. Với tốc độ phát triển nhanh và ngày càng hoàn thiện, loại hình nghệ thuật này sau đó đã nhanh chóng lan tỏa sang nước bạn Campuchia. Nhiều vở diễn có giá trị đã đi vào lòng khán – thính giả trong và ngoài nước bao năm qua như: "Bản tình ca dưới bóng cây dầu dù", "Bông hồng Trà Vinh", "Mối tình Bô pha - Rạng xâ"y, “Nghĩa tình trong giông tố”, “Thạch Sanh - Lý Thông”, “Giữ đền cô Hia”… đã được công diễn, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người yêu nghệ thuật Dù kê ở Nam Bộ.
Loại hình nghệ thuật này có thể xem là loại hình nghệ thuật đã thừa hưởng những tinh hoa của nhiều loại hình nghệ thuật khác, là kết quả giao thoa văn hóa giữa người Khmer, người Kinh và Hoa khi dù kê có sự du nhập các làn điệu dân ca của người Hoa, nghệ thuật thiết kế sân khấu cải lương của người Kinh. Trải qua một thế kỷ hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam Bộ đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
Công trình Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ, là công trình nghiên cứu đầy tâm huyết của nhà nghiên cứu Sang Sết (Tên thật là Thạch Sết) được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh phối hợp cùng với NXB Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2019. Đây là công trình đầy đặn, công phu mang tính tổng kết những thành tựu nghiên cứu về loại hình nghệ thuật Sân khấu Dù kê của người Khmer Nam Bộ.
Sách chia thành 02 phần: Phần thứ nhất, tác giả đã có những ghi nhận về Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ. Đồng thời đã khái quát sự phát triển về đặc điểm nghệ thuật của loại hình này theo hai giai đoạn cụ thể. Đó là giai đoạn trước 1963 và giai đoạn sau 1963. Trong mỗi giai đoạn tác giả đã có những mô tả về những phương diện cụ thể như: Bố cục, đề tài cốt truyện, âm nhạc, Vũ đạo và võ thuật, cách trang trí và phục trang, về xuất xứ, cách diễn xuất và công tác biểu diễn giao lưu, trao đổi nghệ thuật.
Phần hai, tác giả đã giới thiệu kịch bản của nhiều vở diễn có giá trị đã đi vào lòng khán - thính giả trong và ngoài nước bao năm qua như: Bản tình ca dưới bóng cây dầu dù, Bông hồng Trà Vinh, Mối tình Bô pha - Rạng xây… những kịch bản này tác giả Sang Sết đã dày công chuyển ngữ từ tiếng Khmer sang tiếng Việt nhằm đưa những kịch bản sân khấu có giá trị này đến với số đông độc giả có nhu cầu tìm hiểu Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ. Đây có thể xem là nỗ lực lớn của nhà nghiên cứu.
Bên cạnh đó để người đọc có thể hình dung sâu hơn về nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ, tác giả còn đưa thêm vào phần phụ lục: danh sách bài hát dùng trong ca kịch dù kê, các loại nhạc cụ, đạo cụ dùng trong nghệ thuật sân khấu Dù kê, Một số hình ảnh về nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ, cách phiên âm chữ Việt theo Ngữ âm Khmer…
Với những giá trị nổi bật của công trình, nhà nghiên cứu Sang Sết đã mang đến cho người độc cái nhìn toàn cảnh về Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ.
TRẦM THANH TUẤN
Qua 02 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24/11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024 thành công tốt đẹp.