30/03/2022 09:58
(Ảnh minh họa)
Nghe thằng Nam gọi í ới từ đầu ngõ: "Tuấn ơi qua nhà ông Năm coi truyền hình!" là tôi đã lật đật xỏ dép đi rửa chân rồi cầm ngay bó đuốc lá dừa đã thủ sẵn từ chiều.
Xứ tôi nghèo lắm, nguyên ấp chỉ có nhà chú Năm có được cái truyền hình đen trắng xài bình ắc-quy. Tính Chú vốn xởi lởi, bụng dạ rộng rãi, chú cho bà con trong xóm coi không. Bởi vậy mà tối nào nhà Chú cũng xôm tụ nhất xóm. Nhất là bữa thứ Bảy trên truyền hình có cải lương thì nguyên cái sân rộng nhà Chú chật nít người đến xem.
Đường đêm heo hút, vắng vẻ lại qua mấy đoạn có chòm mả nên mấy đứa trẻ bọn tôi luôn thủ sẵn đuốc lá dừa. Khi đi đến nhà ông Năm coi truyền hình, tay mỗi đứa cứ cầm bó đuốc lá dừa quơ lên, quơ xuống, ánh lửa cứ lập lòe trong đêm tối... Mỗi lần đi như vậy là đứa nào cũng chuẩn bị sẵn hai, ba cây đuốc. Đường đến nhà chú Năm không xa nhưng khi gặp trời mưa đường sình lầy. Nhưng mỗi lần nghĩ đến những tập phim Tây du kí đang chiếu là bọn tôi không ngại gì, cứ cầm đuốc mà đi.
Để tạo ra ngọn đuốc, ba tôi dùng hai nắm lá dừa trở đầu nhau, buộc bằng 3, 4 nút lạt để đi những đoạn đường gần. Biết thằng con trai mê phim Tây du kí, ba tỉ mẩn làm sẵn ở góc nhà một đống đuốc dừa "dã chiến" thủ sẵn để tôi đi xem phim. Mấy lần ba đi ghe xa nhà, mẹ quên bó sẵn, khi chuẩn bị đi xem tôi mới biết hết đuốc. Tôi tiện tay rút lá dừa dùng để nhóm bếp của mẹ, nhanh nhanh làm đuốc, tức thì cũng có ngọn đuốc ngon lành. Nhưng tôi vẫn thích ba làm cho hơn. Ba kỹ tính nên bó đuốc của ba chắc nụi, lâu tàn.
Có khi đi đoạn đường xa thì ba sẽ bó cây đuốc cho chặt hơn vì lá dừa khô cháy rất nhanh. Lúc bó đuốc, ba phải sắp những cọng lá dừa trở đầu ngược đều nhau và phải dùng dây bó xiết thật chặt khoảng ba hoặc bốn nuộc, như vậy đuốc mới cháy được lâu. Giản dị vậy, mà sao tôi nhớ da diết cái khung cảnh ba ngồi bên bậu cửa bó đuốc cho tôi đi coi truyền hình, coi cải lương hay xem lô tô, hội chợ mỗi khi trong ấp có đoàn cải lương hay lô tô ghé qua.
Mỗi năm vào mùa khô, trời nắng ráo, nhà tôi cũng như nhiều nhà trong xóm đều lo tranh thủ bó đuốc, phơi khô, gác lên giàn để dành. Vào mùa mưa thắt ngặt, khi thấy kho đuốc đã vơi, lựa những ngày nắng tốt, mẹ tôi lại bó đuốc bổ sung để trong nhà nên nhà tôi lúc nào cũng có đuốc xài. Ngoài việc trữ đuốc trong nhà để các thành viên sử dụng khi đi lại trong đêm nhà tôi cũng hay giúp cho người lỡ đường ghé nhà xin đuốc.
Ba má tôi vốn rộng bụng. Có nhiều đêm những người khách lạ lỡ đường hết đuốc ghé xin, ba má tôi luôn vui vẻ đem đuốc ra cho để họ có cái soi qua mấy đoạn đường sình lầy nước đọng. Chẳng những vậy mà bá ma còn cho khách thêm một cây đuốc nhỏ để phòng hờ cho chắc ăn, không bị thiếu đuốc dọc đường. Cái bụng dạ của người miền Tây vốn hào sảng là vậy. Mấy chuyện lặt vặt ấy mà tôi nhớ như in để rồi sau này lớn lên khi ngược xuôi với cuộc đời tôi vẫn không quên những bài dạy kiệm lời như thế của ba má.
Đuốc dừa còn là thứ "ký hiệu" đặc biệt mỗi khi gọi đò vào đêm khuya. Tôi nhớ có lần ba và tôi đi lên chợ tỉnh bằng đò. Phải tranh thủ chuyến đò khuya, trời tối mù mịt, hai cha con ngồi trên bờ đợi đò. Tôi thắc mắc hỏi ba: "Ba ơi tối vậy sao họ thấy mình. Lỡ họ đi luôn thì sao?". Ba cười khà: "Chút nữa con biết hà". Nghe tiếng máy nổ của đò từ xa ba đã vội đốt đuốc rồi đưa lên không trung quơ qua lại. Vậy đó mà chốc lát đò đã cập bờ. Ba và tôi lên đò. Cái cảm giác nôn nao trong bụng khi biết mình sắp được đi chợ tỉnh đến bây giờ vẫn còn vẹn nguyên trong tôi.
Ngày nay, cuộc sống đã khấm khá hơn ngày xưa rất nhiều. Điện về sáng rực cả con đường quê. Rồi đường trải nhựa, rồi nhà nào cũng có ti vi màu, rồi nhà nào cũng thay bếp củi bằng bếp gas tiện lợi. Bó đuốc lá dừa đã “làm tròn nhiệm vụ lịch sử” của nó để rồi nó mãi mãi nằm trong tâm thức của những người có tuổi. Trẻ thơ bây giờ không biết đuốc lá dừa là gì và dĩ nhiên những niềm vui bé mọn như đi coi ké truyền hình, đi coi cải lương hay hội chợ lô tô bằng những ngọn đuốc lá dừa lập lòe trong đêm bọn chúng cũng không hề biết.
Trong cuộc sống đủ đầy, nhưng sao tôi vẫn cứ nhớ da diết những ngày khốn khó với những bó đuốc lá dừa đã mãi mãi xa.
SONG MẶC
Chiều nay (29/11), tại Sân vận động tỉnh (Phường 9, thành phố Trà Vinh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh khai mạc Giải vô địch bóng đá tỉnh Trà Vinh năm 2024. Đồng chí Cao Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đến dự và phát biểu khai mạc Giải.