18/01/2022 09:47
Ảnh minh họa.
Đó là những chiếc cán bánh phồng nếp đã lâu năm không được ai dùng tới được ba tôi cất cẩn thận trên chái bếp từ dạo mẹ tôi viễn du đến cõi mịt mù xa ngái. Nhớ ngày trước mẹ tôi là thợ cán bánh khéo nhất xóm. Những chiếc cán bánh phồng được bà nâng niu như báu vật mỗi khi năm hết Tết đến.
Bánh phồng nếp là thứ quà rẻ tiền nhưng cũng đủ gieo thương gieo nhớ suốt một thời tuổi dại của những đứa trẻ miền Tây như bọn tôi. Bánh có thể nướng để ăn chơi hoặc dùng để gói xôi. Bánh được làm từ loại nếp rặt. Khâu lựa nếp vô cùng cẩn thận để khi thành phẩm không còn lẫn những hạt gạo nổi lên trên mặt bánh. Công đoạn chọn nếp, "xôi" nếp do cánh phụ nữ còn việc giã xôi chủ yếu là cánh đàn ông con trai sức lực dẻo dai trong xóm.
Nếp được mẹ vo sạch, để ráo trong cái rổ tre đan dày, sau đó trút nếp vào xoong. Mẹ sẽ cho thêm vào đó nước cốt dừa, ít muối rồi đem "xôi" lên (hấp cách thủy). Khi chín, xôi vẫn còn nóng hổi sợi khói bốc lên mùi thơm xông thẳng vào mũi, cái mùi vị ngọt ngào ấy đã theo tôi trong cả năm tháng tha hương. Khi xôi còn nóng hổi, ba tôi sẽ giã nó bằng chày. Trong lúc ba tôi giã xôi, thì anh trai tôi sẽ rưới thêm nước cốt dừa và đường thắng kéo chỉ rồi dùng tay nhào bột.
Cứ thế, mỗi khi ba giơ chày lên, thì anh sẽ đưa tay vô cối nhào bột một lần, cho đến khi nó trở thành khối bột thật nhuyễn và mềm mại. Tiếng chài giã nếp cứ thế vang lên đều đặn hòa lẫn vào mùi nếp mới, mùi nước cốt dừa bện chặt vào nhau. Vì vậy nghe tiếng chày giã nếp lần trong ngọn Chướng thông ngọn là tôi biết Tết đang ngấp nghé trước ngõ.
Khối bột thành phẩm sau khi được ba và anh trai tôi trao lại, mẹ và chị gái tôi bỗng trở thành những "nghệ nhân" khi thoăn thoắt bắt thành những viên bột đều rang. Từ những viên bột ấy, mẹ và chị sẽ dùng ống tre cán bánh cán mỏng nó trên những tấm lá chuối. Những chiếc bánh thành hình tròn xoe đầy đặn. Sự khéo léo của mẹ, của chị được đo bằng kích cỡ đều như đếm của những cái bánh được tráng ra.
Sau đó họ sẽ khéo léo đem lên những chiếc chiếu và phơi cho hết nắng của ngày. Nhìn vào mặt bánh nếu không thấy gợn lên những hạt gạo thì sẽ được mọi người khen là đã lựa nếp kỹ, "không làm ẩu tả" và dĩ nhiên những lần như vậy tôi sẽ thường dành công!
Bánh phồng nếp thường được nướng dưới ngọn lửa của rơm rạ. Để nướng bánh mẹ tôi sẽ làm hai vỉ tre có cán dài để lật bánh qua lại trên ngọn lửa nồng mùi thơm của rạ rơm. Nhìn cái bánh bắt đầu dần "phồng lên" theo đôi bàn tay thoăn thoắt của mẹ đang lật hai vỉ tre qua lại và mùi thơm của bánh bốc lên là nước miếng bọn trẻ con chúng tôi bắt đầu tứa ra. Trong bóng chiều chập choạng, từng cơn gió thổi lạnh, được ngồi bên mẹ với bếp lửa rơm nồng đượm và miếng bánh giòn tan tôi cho đó là những ký ức đẹp nhất thuở thiếu thời của bọn tôi.
Tôi nhớ lắm mùi thơm, cái vị beo béo của nước cốt dừa và độ giòn tan khi cắn miếng bánh. Những ký ức đã xa vời vợi mà sao mỗi lần bước chân về đến quê mấy ngày giáp Tết là lòng tôi lại ngẩn ngơ tiếc nuối. Dẫu biết rằng, món quà quê ấy giờ có đầy khi người ta đã "cơ giới hóa" nó ở nhiều khâu, sản lượng làm ra nhiều bán quanh năm chứ không cần đến Tết mới được ăn như ngày trước. Phải chăng chiếc bánh phồng nếp của tuổi dại gói ghém biết bao tình cảm đầm ấm của gia đình tôi mà đặc biệt nhất là mẹ.
Trong mấy ngày giáp Tết nhìn lên bàn thờ mẹ nghi ngút khói hương, nhìn mái tóc của ba óng ánh sợi bạc trong bóng chiều bảng lảng, tự dưng những giọt nước mắt cứ tuôn. Mùi bánh lại lẫn khuất đâu đây, ngoài sân mấy bông mai và lại bắt đầu bung nở những cánh vàng đầu tiên. Tết đã về!
BÁCH CÁT
Chiều nay (29/11), tại Sân vận động tỉnh (Phường 9, thành phố Trà Vinh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh khai mạc Giải vô địch bóng đá tỉnh Trà Vinh năm 2024. Đồng chí Cao Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đến dự và phát biểu khai mạc Giải.