23/10/2020 00:20
Tập thơ của tác giả Thủy Nguyên. Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh xuất bản năm 2006. Sách dày 96 trang, khổ 13 x 19 cm. Ảnh: BT |
Thủy Nguyên làm thơ từ hồi còn là học sinh cấp ba, rồi đại học trên đất Bắc. Sau ngày hòa bình, ông trở về công tác tại quê cha đất tổ, nơi biết bao kỷ niệm tuổi thơ sống lại cùng với nhiều hoài bão ấp ủ theo từng bước chân khảo sát thi công càng khiến niềm thi hứng trong ông như thêm phần cộng hưởng. Lần lượt nhiều thi phẩm ra đời, khẳng định tên tuổi Thủy Nguyên trong lòng công chúng yêu văn chương Trà Vinh cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1994, Thủy Nguyên xuất bản tập thơ “Đất nước trong tôi” và đến năm 2006, Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh tuyển chọn và xuất bản tập “Niềm tin của Mẹ” gồm 37 bài thơ.
Thơ Thủy Nguyên nói chung, tập “Niềm tin của Mẹ” nói riêng, thể hiện một cách sâu sắc trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người nghệ sĩ trước vận mệnh quê hương, đất nước. Nhìn cách sắp xếp thứ tự các bài thơ không theo trình tự thời gian sáng tác, mà 12 bài đầu tác giả nhìn lại cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc oai dũng và đầy mất mát hy sinh; 25 bài còn lại là những phát hiện, những nỗi mừng vui, tự hào trước sự đổi thay trên vùng đất mẹ, mà đội ngũ những người làm công tác thủy lợi như ông đã âm thầm góp bao trí tuệ, công sức.
Văn học Trà Vinh cũng như cả nước có một số lượng rất lớn tác phẩm, tác giả thể hiện và thể hiện thành công. Không lẫn vào số đông, Thủy Nguyên có con đường riêng của mình khi không đi vào những trận đánh, những chiến công, những huân huy chương… mà dồn nén nỗi đau, sự đồng cảm cùng những số phận, đặc biệt là số phận người phụ nữ nông thôn trong cuộc chiến. Tất nhiên, những năm tuổi thơ trên đất Bắc nên ông không có dịp trực tiếp chứng kiến mà đa phần chỉ là nghe kể lại nhưng lại là cách nghe, cách cảm của người trong cuộc. Đến Côn Đảo, Thủy Nguyên lắng trong tiếng sóng biển những câu chuyện bi tráng của người nằm xuống (Nghĩa địa Hàng Dương). Về Ngã ba Đồng Lộc, ông nghiêng mình tưởng niệm mười nữ liệt sĩ Thanh niên xung phong (Nơi ấy Ngã ba Đồng Lộc). Một chuyến dừng chân trước biển Cần Giờ, tác giả bùi ngùi trước anh linh của những chiến sĩ Đặc công sau bao trận đánh huyền thoại (Trước tượng đài Đặc công rừng Sác). Trở về thăm Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tiểu Cần quê hương dịp cuối năm, ông bàng hoàng trước quá nhiều ngôi mộ chưa xác định được tên tuổi người ngả xuống (Bên những hàng bia trắng không tên). Phía sau những chiến công, những liệt sĩ đã định danh và chưa định danh là hình bóng người mẹ, người chị, người vợ vò võ đợi chờ, có người mẹ đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn vững tin người con Út của mình mải theo đơn vị chưa về thăm quê, dù chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm (Niềm tin của mẹ)…
Sau ngày hòa bình, Thủy Nguyên - Thơ và Bùi Công Minh - Kỹ sư Thủy lợi, hối hả đến với những công trình, mong muốn đóng góp công sức của mình nhiều nhất có thể để bù lại những năm tháng xa quê. Ông và đồng nghiệp của mình không quản vất vả nắng mưa giữa cánh đồng thực địa (Khảo sát gặp lũ, Tết ở công trường); vui và tự hào trước những công trình thủy lợi hoàn thành, đang phát huy tác dụng, lúa trĩu oằn bông, cây trái sum suê, đời sống người nông dân đỡ phần cơ cực (Vũng Tàu mini, Xoài Châu nghệ Nhị Long, Mận đỏ, Mùa mưa này trên đất Long Sơn…)…
Tôi cảm phục ý tứ của Thủy Nguyên khi ông mở đầu tập thơ bằng “Điều không thể trở thành có thể” và khép lại với “Dư âm chất độc da cam”. Nếu trong kháng chiến, những anh hùng hiên ngang bước ra pháp trường với niềm tin tất thắng (Điều không thể trở thành có thể) thì trong xây dựng hòa bình hôm nay, trước bao thành tựu phát triển, nỗi đau chiến tranh vẫn còn đọng lại trong mỗi gia đình, làng xóm (Dư âm chất độc da cam).
Khép lại nhưng đừng quên!
TRẦN DŨNG
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.