20/11/2022 16:45
Quê tôi là một làng quê nghèo, lam lũ. Đời sống của người dân đa phần là gắn liền với ruộng, vườn, sông nước. Tuổi thơ của chúng tôi có nhiều thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Chúng tôi đâu có được “ăn ngon, mặc đẹp”, đâu có được đi tham quan, du lịch chỗ này, chỗ kia như con nít bây giờ. Con nít chúng tôi ngày xưa chỉ đi quanh quẩn “ao làng”, mặc bộ quần áo có rất nhiều chỗ vá. Cuộc sống thiếu thốn làm cho chúng tôi biết thèm đủ thứ: thèm ăn tô hủ tiếu, thèm chén cháo lòng, thèm quả nhãn, trái chôm chôm, thèm ly cà phê sửa đến chảy nước miếng. Đặc biệt là chúng tôi rất thèm ly nước thốt nốt của các chị, các cô Khmer bên Sóc Tro - An Quảng Hữu gánh bán.
Hồi đó, chúng tôi rất thích uống nước thốt nốt của các chị, các cô ở bên Sóc Tro gánh vào chợ bán vì nó ngon và khá rẽ, vừa với túi tiền chúng tôi. Đây là loại nước thiên nhiên ban tặng cho người dân quê tôi. Những trưa nắng nóng mà được uống ly nước thốt nốt vừa ngọt vừa thơm thì cảm giác vô cùng dễ chịu. Mà nói thật nhe để có được ly nước thốt nốt ngọt thơm như vậy thì người nông dân cũng rất vất vả lắm đó. Để nói cho nghe nè, thốt nốt là loại cây phải trồng vài chục năm mới thu hoạch, là loại cây “ông trồng để dành cho cháu hưởng”.
Cây thốt nốt khoảng 30 đến 40 năm tuổi ra bông, cho trái và nước quanh năm. Thời gian khai thác nước thốt nốt khoảng 6 tháng, bắt đầu vào tháng 11 âm lịch và kết thúc vào đầu mùa mưa năm sau. Muốn lấy nước thốt nốt thì người nông dân phải trèo lên cây thốt nốt, dùng dao cứa vào bông thốt nốt cho nước chảy ra, rồi đặt ống tre vào bông hứng nước. Chiều trèo lên đặt ống, sáng sớm ngày mai trèo lên lấy ống. Dụng cụ trèo cây thốt nốt là những cây tre già, có nhiều mắt, được buộc dọc thân cây thốt nốt làm thang để trèo. Nước thốt nốt lấy về phải nấu lại rồi mới đem bán, không nấu để lâu nó sẽ bị chua.
Nước thốt nốt được đựng trong những ống tre, trên có khoan lỗ, xỏ dây để máng vào đòn gánh. Mỗi chị, mỗi cô gánh khoảng 10 ống nước thốt nốt đi bán dọc theo các con đường quê. Vừa gánh, các chị, các cô vừa rao ngọt lịm như nước thốt nốt trong những ống tre kia.
-Nước thốt nốt thơm ngon đây….ây…ây….! nước thốt nốt thơm ngon, bổ rẽ đây…ây…ây…
Tiếng rao thanh thao, ngọt ngào, bay xa trên khắp cánh đồng, trên mỗi nẻo đường quê, rồi bay vào tận sân nhà của bà, của mẹ và cuối cùng tiếng rao ấy lại đậu đúng vào chỗ thèm khát của tụi con nít chúng tôi. Chúng tôi năn nỉ mẹ xin tiền, chạy ra mua ly nước thốt nốt uống. Thấy chúng tôi trong nhà chạy ra, hoặc đang chơi chạy đến thì các chị, các cô dừng lại, lấy ly ra và rót nước thốt nốt vào ly cho chúng tôi uống tại chỗ, rất dân dã, giá cả phải chăng. Nước thốt nốt có vị ngọt thanh của mía, có chút thơm của nước dừa ta, có chút mùi của khói đốt đồng sau vụ mùa thu hoạch. Tất cả hòa quyện lại, tạo nên hương vị rất đặc trưng của thốt nốt, làm cho ai đi xa cũng không thể nào quên được ly thốt nốt quê hương. Uống xong, trả tiền xong thì chúng tôi chạy đi chơi tiếp. Các chị, các cô cũng rất thương tụi con nít chúng tôi nên thường cho thêm nước thốt nốt để chúng tôi uống cho đã thèm, hihi.
Ngày nay, do thu nhập từ cây thốt nốt không cao bằng các loại thu nhập khác nên người dân Sóc Tro - An Quảng Hữu phần đông đã bỏ nghề thu nhập từ nước thốt nốt. Cả Sóc chỉ còn vài ba hộ giữ nghề cho đến hôm nay nhưng cũng ít khi gánh nước thốt nốt đi bán như ngày xưa vì họ cũng có mối lái ở nơi khác về lấy.
Ngày mai này và về sau nữa, hình ảnh các chị, các cô gánh nước thốt nốt đi bán trên khắp nẻo đường quê, với tiếng rao ngọt lịm “nước thốt nốt đây…ây…ây…” sẽ chỉ còn trong sự hoài niệm lung linh.
NGÔ TRỌNG NGHĨA
Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, khẩn trương, chu đáo, hôm nay, tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Liên đoàn bóng đá Việt Nam, được sự quan tâm chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Gia đình Việt Nam và Công đoàn Cục báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức khai mạc Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc - Press Cup lần thứ 08 năm 2024.