24/12/2020 07:00
Người Khmer Nam Bộ hầu hết theo Phật giáo Nam tông (giáo Tiểu thừa). Trải qua nhiều thế kỷ thâm nhập, Phật giáo Nam tông đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ. Phật giáo Nam tông Khmer đã và đang có những đóng góp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam vững mạnh và trường tồn, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của người Khmer, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, xứng đáng với truyền thống của Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Dân tộc Khmer có văn hóa rất đặc thù, chịu ảnh hưởng lớn bởi Phật giáo Nam tông từ nhiều thế kỷ qua. Phật giáo Nam tông đã ảnh hưởng đến nhiều thành tố văn hóa của dân tộc Khmer, trong đó phải kể đến văn học, nghệ thuật, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Phật giáo Nam tông là một bộ phận không thể tách rời của Phật giáo Việt Nam.
Trong quyển sách Phật giáo Nam tông trong văn hóa Khmer Nam Bộ (Trường hợp tỉnh Trà Vinh) do NXB Khoa học xã hội ấn hành, tác giả Trang Thiếu Hùng đã khái quát về vùng đất Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tây Nam Bộ, về dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung và dân tộc Khmer tại tỉnh Trà Vinh nói riêng, về Phật giáo nói chung và nói riêng là Phật giáo Nam tông - một dòng truyền thừa của Phật giáo chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Những yếu tố nền tảng ấy đã giúp tác giả tiếp cận vấn đề cốt yếu là phân tích được mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông với văn hóa Khmer Nam Bộ.
Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu tham khảo kết hợp với quá trình thâm nhập thực tiễn, nhà nghiên cứu Trang Thiếu Hùng đã có những phân tích, tổng hợp, luận giải sâu sắc các vấn đề đặt ra. Từ đó nhà nghiên cứu đã làm nổi bật vị trí, vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông trong văn hóa Khmer ở Nam Bộ nói chung, ở tỉnh Trà Vinh nói riêng. Đặc biệt, tác giả đã đúc kết những nét cơ bản của giá trị văn hóa của Phật giáo Nam tông trong văn hóa Khmer Nam Bộ, từ đó cho thấy tinh hoa Phật giáo đã được phát huy, góp phần hình thành bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer Nam Bộ.
Các vấn đề đó được thể hiện qua các đề mục tiêu biểu của quyển sách như: Nguồn gốc, cấu trúc và sự phân bố địa bàn xây dựng ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer; Mối quan hệ giữa ngôi chùa với gia đình và phum sóc của dân tộc Khmer; ngôi chùa là biểu tượng văn hóa của dân tộc Khmer và sự gắn kết của 3 yếu tố: cá nhân - gia đình và phum sóc - ngôi chùa.
Xuất phát từ lý tưởng truyền thống là hướng về Đức Phật, cho nên trong cuộc sống hằng ngày, dù sư sãi ở chùa hay dân chúng tại gia đều phải rèn luyện theo đạo pháp: thọ giới - bố thí - tụng niệm. Do vậy, người Khmer lấy việc làm thiện, tránh ác làm lẽ sống. Họ cho rằng bố thí, cứu giúp đồng loại là việc làm thiện, làm phúc. Hằng ngày, người dân Khmer trong các phum sóc dâng cơm cho sư sãi, với quan niệm đó là một điều phúc lớn. Ngôi chùa đối với đồng bào Khmer có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Chùa không chỉ là nơi diễn ra các lễ nghi tôn giáo, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa của đồng bào, là môi trường giáo dục trẻ em Khmer. Chính vì những chức năng này mà quan hệ giữa ngôi chùa với đồng bào Khmer rất gắn bó với nhau. Người Khmer sẵn sàng góp công, góp của để xây dựng ngôi chùa của phum sóc, cho dù đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó tác giả còn đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đối với tư tưởng và đạo đức và trên một số bình diện của lối sống dân tộc Khmer Nam Bộ và Phật giáo Nam tông từ lâu được người Khmer Nam Bộ nói chung, người Khmer Trà Vinh nói riêng xem là tôn giáo của dân tộc mình. Đạo đức Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và đạo đức của người Khmer. Đồng thời, tác giả cũng đã cho thấy vai trò của Phật giáo Nam tông đối với văn hóa của người Khmer Nam Bộ trên bình diện ngôn ngữ, văn học và nghệ thuật (kiến trúc, điêu khắc, hội họa)… qua đó chỉ ra sự cần thiết phát huy giá trị của ngôn ngữ, chữ viết và văn học nghệ thuật Khmer.
TRẦM THANH TUẤN
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.