25/04/2021 07:00
Ảnh: TRẦN ĐIỀN
Lần giở “Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Trà Cú (1930 - 2010)” - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2015, chúng ta thấy, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1943 - 1947), trên địa bàn huyện Trà Cú xuất hiện một người thầy giáo mang tên Đỗ Văn Nại, (Giáo Nại), với vai trò cán bộ quân sự, ông đã có những hoạt động nổi bật như sau:
“…Năm 1943, Tỉnh ủy Trà Vinh được lập lại, đã mở rộng phạm vi hoạt động ra các quận, tập hợp các đảng viên còn lại và các đồng chí bị địch bắt tù đày trở về, dần dần từng bước gây dựng cơ sở đảng và quần chúng cốt cán. Tại Trà Cú, ngoài Châu Bửu Lập (Sáu Lập), Trần Thị Quy (Hai Quy) ở Trà Cú và Trần Thành Đại do Tỉnh ủy cử xuống từ trước, lúc này xuất hiện nhiều nhóm hoạt động khác nhau, từ nhiều nơi đến, như Cao Phát Thành hoạt động trong phong trào sinh viên, thanh niên Sài Gòn, được Nguyễn Duy Khâm cử về Trà Cú; Đỗ Văn Nại từ Nam Trung Kỳ vào dạy Trường Tiểu học Trà Cú…”.
“…Hoạt động của Thanh niên Tiền phong nhanh chóng thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, nhất là thanh niên tham gia. Thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong quận Trà Cú là ông phán Lê Văn Tồn. Ngoài ra, còn có ông Cao Phát Thành và thầy giáo Đỗ Văn Nại là thầy giáo hoạt động công khai và một số cán bộ khác…”.
“…Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đem lại sự đổi thay vô cùng to lớn cho Nhân dân Trà Cú… Đâu đâu cũng treo cờ đỏ sao vàng. Sau khi tiếp nhận toàn bộ hồ sơ tài liệu, tài sản, súng ống của quận, các đồng chí lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Cao Phát Thành, Đỗ Văn Nại, Đặng Văn Thạnh, Sáu Còn... họp bàn, quyết định cho Quận Báu của chính quyền thực dân vừa tan rã được giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời quận…” .
“…Một trong những nhiệm vụ được các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa cấp tốc bàn bạc và thực hiện là tổ chức các đội tự vệ, cảm tử ở quận cũng như ở các làng để làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh cho dân làng, đồng thời bước đầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chuẩn bị chống giặc ngoại xâm. Đồng chí Đỗ Văn Nại được phân công phụ trách lực lượng vũ trang gồm Cộng hòa vệ binh, Quốc gia tự vệ cuộc (tiền thân của ngành Công an) quận…”.
“…Trước tình hình này, lãnh đạo Quận ủy Trà Cú họp bàn thực hiện lệnh của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh, huy động quần chúng (trong đó lấy các đội tự vệ, cảm tử làm nòng cốt) thực hiện phá hoại, ngăn cản bước tiến của địch và không cho chúng có chỗ trú quân. Đồng chí Đỗ Văn Nại lãnh đạo một đơn vị vũ trang chỉ được trang bị 02 khẩu súng 02 nòng, 01 khẩu súng Anh và vài trái lựu đạn, còn lại là vũ khí thô sơ, lập phòng tuyến chặn địch ở Đầu Giồng (Phước Hưng) và các tuyến chặn địch ở ấp Chợ, ấp Chòm Chuối, Trà Trót và cầu Bưng Sen…”.
“…Đồng chí Đỗ Hải Huợt, Bí thư Quận ủy cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của quận như Đỗ Văn Nại, Nguyễn Thăng Bằng, Cao Phát Thành cùng một số cán bộ nữa của quận Trà Cú cũng theo đoàn của tỉnh đi Cái Tàu (Bạc Liêu)…”.
“…Tỉnh ủy Trà Vinh và cán bộ chủ chốt của Quận ủy Trà Cú lúc đó đang đóng ở Bạc Liêu đã sớm nhận được chủ trương của Xứ ủy. Trước đó, Tỉnh ủy đã cho một số cán bộ và lực lượng vũ trang trở về địa phương hoạt động. Nay có chỉ thị mới, Tỉnh ủy quyết định nhanh chóng quay về tỉnh nhà, vừa bằng đường thủy, vừa bằng đường bộ. Đoàn đi đường thủy gồm các đồng chí Đỗ Hải Huợt, Đỗ Văn Nại, Nguyễn Thăng Bằng và nhiều cán bộ khác đi bằng ghe, tàu trở về Cù Lao Dung (xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) và tập kết tại đó…”.
“…Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhân dân quận Trà Cú ổn định dần cuộc sống, tuyệt đại đa số luyến tiếc những ngày sôi nổi của cuộc Tổng khởi nghĩa và những quyền lợi thiết thực về vật chất cũng như tinh thần mà cách mạng đã mang lại. Lực lượng vũ trang của ta và một số cán bộ của quận Trà Cú từ U Minh trở về, được ông Cò Rẫy (xã An Thạnh Nhì, Cù Lao Dung), cho mượn nhà làm căn cứ tạm thời rồi bung về đất liền Trà Cú. Ban đầu, các đồng chí lấy 02 ấp Cá Lóc (làng An Thới) và ấp Vàm (làng Lưu Nghiệp Anh) làm đầu cầu. Ấp Cá Lóc trở thành căn cứ của đồng chí Đỗ Hải Huợt, ấp Vàm trở thành căn cứ của đồng chí Đỗ Văn Nại…”.
“…Việc ra mắt đơn vị có ảnh hưởng to lớn, làm bọn tề, điệp hết sức hoang mang, Nhân dân thêm phấn khởi. Đơn vị tuyên truyền vũ trang, tác chiến lưu động trên địa bàn toàn quận. Nương theo uy thế của “bộ đội huyện”, dân quân du kích các làng sử dụng nhiều hình thức nghi binh, uy hiếp thêm kẻ địch, như đeo súng bằng bập dừa đêm đêm hành quân vào các xóm nghi có điệp, hoặc hành quân sát chợ (trong chợ là nơi bọn tề xã đóng trụ sở), trong những phum sóc xa, người dân gọi lực lượng vũ trang quận Trà Cú là “bộ đội thầy Nại”. Các chiến sĩ của đơn vị này về sau trưởng thành đều là cán bộ, được tỉnh bố trí làm Huyện đội trưởng hoặc Huyện Đội phó ở các huyện trong tỉnh Trà Vinh…”.
“…Cồn Lợi thuộc làng Long Vĩnh, cặp bãi biển tả ngạn Sông Hậu, có nguồn thủy sản rất phong phú với hàng trăm miệng đáy, nhiều ghe lưới. Mỗi lần con nước lên, dân ở đây thu được rất nhiều thủy sản. Đối với ta, lúc này Cồn Lợi có một vị trí đặc biệt vì đây là điểm liên lạc giữa vùng căn cứ, vùng láng, vùng ruột, giữa quận và tỉnh. Nắm được tình hình này, Pháp đã cho đóng tại đây một đồn cặp sát mé sông để thu thuế của dân đồng thời án ngữ đường liên lạc của ta. Lãnh đạo quận chủ trương phải nhổ đồn này và giao cho đồng chí Đỗ Văn Nại tổ chức thực hiện. Đồng chí Nại và Sáu Cồ đi nghiên cứu thực địa, bàn kế hoạch đánh tiêu diệt…”.
“…Trên cơ sở xây dựng được các Chi bộ, khoảng tháng 6/1946, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Trà Vinh, Quận ủy Trà Cú đã lập được cơ quan lãnh đạo Đảng đầu tiên gồm: Đồng chí Đỗ Hải Huợt, Bí thư Quận ủy; đồng chí Đỗ Văn Nại, Quận ủy viên phụ trách Quân sự; đồng chí Nguyễn Thăng Bằng, Quận ủy viên phụ trách Công an…”.
“…Tháng 9/1946, huyện Trà Cú giải phóng được 08 làng, trong huyện chỉ còn bọn tề làng Ngãi Xuyên, dinh quận và đồn La Bang. Thời cơ đã đến, Đảng bộ Trà Cú triệu tập hội nghị, có các đồng chí trong các đoàn thể cứu quốc tham dự bàn kế hoạch đánh giải phóng quận Trà Cú. Nội dung hội nghị đánh giá thắng lợi của ta, xác định đúng khả năng của lực lượng ta về chính trị và vũ trang. Hội nghị khẳng định lực lượng ta nắm quyền chủ động trên chiến trường và có lực lượng đông đảo nhân dân ủng hộ cho kháng chiến. Để đảm bảo cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi trọn vẹn, đồng chí Đỗ Văn Nại chủ trương tiêu diệt đồn Cầu Quan (Tiểu Cần) nhằm cắt đứt sự chi viện của giặc, đồng thời chuẩn bị thêm vũ khí phục vụ cho chiến dịch…”.
“…Các đồng chí Đỗ Văn Nại, Nguyễn Thăng Bằng gửi 04 “tối hậu thư” cho 04 cai tổng, ban biện, huyện hàm, kêu gọi họ không làm cho địch nữa và quay lại đứng về phía Nhân dân. Ban biện Trần Học Tốt (Đôn Châu), Cai tổng Nguyễn Minh Tâm (An Thới), huyện hàm Nguyễn Văn Liễu (Vàm Trà Cú) chấp nhận đầu hàng và nộp súng cho ta. Ta còn tước súng của Cai tổng Bùi Duy Xây (Lưu Nghiệp Anh) trước khi giải phóng huyện…”.
“…Thực hiện quyết định của Tỉnh ủy Trà Vinh, tháng 02/1947, Đảng bộ huyện Trà Cú mở hội nghị cán bộ để hoạch định những công tác cấp bách trước mắt, xây dựng vùng giải phóng thành căn cứ của tỉnh, bàn kế hoạch chống địch quay lại lấn chiếm, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, đẩy mạnh sản xuất, chăm lo cải thiện đời sống cho Nhân dân, trước hết là nông dân và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện: Đồng chí Đỗ Hải Huợt, Tỉnh ủy viên được bầu tiếp tục giữ chức Bí thư Quận ủy; đồng chí Đỗ Văn Nại, Quận ủy viên phụ trách quân sự; đồng chí Nguyễn Thăng Bằng, Quận ủy viên phụ trách công an. Các đồng chí Quận ủy viên khác là Trần Khanh, Lâm Văn Trọng, Trần Văn Long, Đàm Lường, Lâm Quang Điểm...”.
“Trước lễ một ngày, khoảng 08 giờ sáng, quân Pháp cho 02 máy bay khu trục bay cao, bất ngờ lao xuống chỗ ta dự định làm lễ trút 02 trái bom rồi vòng lại bắn nhiều loạt súng đại liên. Một quả bom rơi xuống rạch không gây thiệt hại gì, còn một quả khác nổ gần lễ đài, làm chết 01 đồng chí cán bộ xã và đồng chí Đỗ Văn Nại, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Trà Vinh, người được giao trực tiếp chỉ huy các lực lượng bảo vệ buổi lễ” (ngày 17/3/1947 - người viết).
“Đầu năm 1949, Ty Giáo dục tỉnh mở lớp bổ túc cho nam, nữ thanh niên, cán bộ trẻ; trường lấy tên là Trường Đỗ Văn Nại đặt tại huyện Càng Long. Thầy Phạm Văn Minh và Võ Văn Tây vừa là Ban giám hiệu, vừa là giáo viên; chương trình học tập do các thầy tự soạn. Trường chỉ dạy hai lớp: lớp nhì và lớp nhất; mỗi lớp học trong 06 tháng và có khoảng 40 học sinh. Trường Đỗ Văn Nại tồn tại được 03 năm (1949-1952)”.
Ảnh: TRẦN ĐIỀN
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện Càng Long khôi phục lại Trường Tiểu học Đỗ Văn Nại tại xã Nhị Long Phú..
Theo đồng chí Trần Trung Hiền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Trà Cú, khi huyện Trà Cú đào kênh cấp II nối từ kênh Tổng Long (xã Hàm Giang) đến kênh 3/2 (xã Ngọc Biên giáp xã Đôn Xuân), giai đoạn 1991 - 1995, Huyện ủy, UBND huyện Trà Cú đặt tên công trình thủy lợi ý nghĩa này mang tên ông là kênh Thầy Nại.
Ngày 26/12/2008, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1968/QĐ-UBND “về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2010 và định hướng giai đoạn 2010 - 2020”, có Hương lộ 25 (nay là ĐT 911), từ Tỉnh lộ 914, địa phận xã Đôn Xuân, đến Quốc lộ 54, tại xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, cầu trên ĐT 911, bắt qua kênh Thầy Nại, cũng được đạt tên ông là cầu Thầy Nại.
Mỗi lần qua đây, chúng ta tự hào về thầy giáo Đỗ Văn Nại trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Nhân dân huyện Trà Cú.
Bốn mươi lăm năm xây dựng huyện Trà Cú trong hòa bình, đến năm 2020, hơn 152.000 dân huyện Trà Cú có thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người, toàn huyện còn 4,6% hộ nghèo, và 10% hộ cận nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 “về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016 - 2020”, của Thủ tướng Chính phủ.
TRẦN ĐIỀN
Qua 02 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24/11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024 thành công tốt đẹp.