08/06/2024 08:09
Trong trái tim của mỗi chúng ta, ai cũng có một quê hương để thương để nhớ, nơi có biết bao kỷ niệm tuổi thơ và những dòng ký ức ngọt ngào thắm tình yêu xứ sở nồng nàn, sâu đậm. Làng sen xứ Nghệ, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi ấm nồng câu hát dân ca, ví, dặm nhẹ nhàng mộc mạc đến nao lòng bên dòng nước sông Lam ru hồn thêm tha thiết, da diết nỗi nhớ quê hương trong tâm tư Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã có biết bao trăn trở, thổn thức mỗi khi nhớ về hình ảnh mái nhà tranh đơn sơ thuở bé, hàng rào râm bụt xanh màu và hương sen tỏa ngan ngát giữa buổi trưa hè, khoảng trời thơ ấu yêu thương chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí.
Quyển sách “Quê hương nghĩa nặng tình sâu”.
Lúc sinh thời, dù bận trăm công, nghìn việc, Bác Hồ vẫn một lòng sâu nặng với quê hương, xứ sở. Trong suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi nước nhà độc lập, rồi đến tận những năm cuối đời, Bác chỉ sắp xếp được 02 lần về thăm làng quê Nam Đàn, Nghệ An.
Và quyển sách “Quê hương nghĩa nặng tình sâu” là những hồi ức, tình cảm của những người may mắn được gặp Bác, làm việc gần Bác. Trí tuệ, đạo đức, lối sống, phong cách và tấm lòng nhân ái của Người được hiện rõ trên từng trang viết, giúp chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ từ những bài học giản dị mà sâu sắc, chân thật và đầy ý nghĩa.
“Quê hương nghĩa nặng tình sâu” là cuốn sách nằm trong bộ sách Tấm gương Bác - Ngọc quý của mọi nhà, nhà xuất bản Thanh niên do Thạc sĩ Đào Thị Lệ Hằng và Trần Trung Hiếu biên soạn, tuyển chọn. Sách tập hợp 36 câu chuyện có thật được ghi chép, khắc hoạ chân thực và sinh động về Bác như: Quê hương và gia đình, Đây là cánh cửa hòa bình, “Tôi hiến cả cuộc đời cho dân tộc tôi”, “Bác nhớ miền Nam - nỗi nhớ nhà”… Trong mỗi câu chuyện sẽ giúp cho độc giả cảm nhận được tình yêu son sắt, trọn vẹn của Bác dành cho xứ sở, nỗi nhớ quê đau đáu, canh cánh bên lòng trong những tháng ngày bôn ba tìm đường cứu nước, xa cách nơi gắn bó một thời ấu thơ.
Thuở nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có tên là Nguyễn Sinh Cung sau đó đổi tên là Nguyễn Tất Thành. Quê hương của Người là một vùng đất nghèo thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An:
“Làng Sen đóng khố thay quần
Ít cơm, nhiều cháo tảo tần quanh năm”
Mặc dù điều kiện vô cùng khắc nghiệt nhưng những người dân xứ Nghệ rất giàu truyền thống văn hóa và đánh giặc giữ nước. Nếu ảnh hưởng từ thân phụ Nguyễn Sinh Sắc là nhân cách yêu nước thương nòi mang màu sắc nhân đạo thì ảnh hưởng từ thân mẫu Hoàng Thị Loan là nền văn hóa dân gian đậm truyền thống dân tộc, giàu lòng vị tha, nhân ái. Sống nơi làng quê có những làn điệu dân ca mượt mà giàu truyền thống yêu nước nên bà truyền lại cho con những lời ru, nhen nhóm vào tâm hồn con cái tình yêu đất nước mặn nồng. Lật từng trang của câu chuyện “Quê hương và gia đình” chúng ta thêm biết ơn thân mẫu của Bác, người đã có công sinh thành, giáo dục một Người Việt Nam đẹp nhất.
Câu chuyện tiếp nối câu chuyện để người đọc được tìm hiểu về nhân cách người xứ Nghệ trong gia đình Bác, nơi Lò rèn Cố Điền một môi trường sinh hoạt dân gian lành mạnh giúp cho Nguyễn Sinh Cung bắt đầu làm quen với lao động chân tay và hiểu sâu sắc về những câu chuyện nhân dân đang đàm luận, về cội nguồn văn hoá xứ sở, làm nảy sinh tình yêu thương, quý trọng nhân dân. Sau hơn 50 năm trở về quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu vẫn bồi hồi xúc động hỏi bà con đi bên cạnh “Trong này có lò rèn Cố Điền, mấy lâu nay còn tiếp tục rèn nữa không?
36 câu chuyện về Bác mang đến cho người xem dạt dào những cung bậc cảm xúc, chất chứa đong đầy nỗi nhớ quê, về cuộc sống đời thường dung dị, gần gũi mà thấm đẫm tình yêu thương với mọi người, cho thấy tình cảm cháy bỏng nồng ấm chân thành của Hồ Chủ Tịch dành trọn cho xứ sở đúng như tên quyển sách “Quê hương nghĩa nặng tình sâu”.
Nhiều câu chuyện hay cứ thế cuốn hút người xem từ trang này sang trang khác, lay động tấm lòng bởi bữa cơm giản dị với cơm trắng độn ngô đỏ khi Bác về thăm quê lần thứ hai vào năm 1961, Bác thấu hiểu lòng dân, yêu thương các cháu thiếu niên nhi đồng, hiến cả cuộc đời cho dân tộc.
Và câu chuyện “Tình yêu Bác Hồ dành cho những khúc dân ca” ở trang 122 khiến cho người xem nức nở, nghẹn ngào khi hòa mình vào câu chuyện cảm động qua những dòng chữ. Sáng ngày 02/9/1969, buổi sáng cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Người. Trong căn nhà A67, sau 20 ngày chống chọi với bệnh tật, Bác đã yếu lắm, nhưng hễ tỉnh lại là Người hỏi thăm tình hình chiến đấu ở miền Nam, tình hình lũ lụt ở miền Bắc. Trong những giây phút cuối cùng, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, Bác vẫn luôn nghĩ cho đồng bào, cho đất nước.
Và lúc 9 giờ 47 phút ngày 02/9/1969 trái tim vĩ đại của Bác Hồ ngừng đập, để lại muôn vàn tình yêu thương cho đồng bào cả nước. Sinh ra và lớn lên từ trong câu hát dân ca, từ điệu ví dặm ầu ơ đằm thắm của mẹ, cuối cùng Người nhẹ nhàng bước vào cuộc trường sinh bằng âm hưởng tiếng hát dân ca. Bác Hồ luôn dành trọn tình yêu cho đất nước. Mong muốn giản dị của Người để lại cho thế hệ mai sau bài học thấm thía rằng tất cả những tình cảm vĩ đại trước hết được bắt nguồn từ tình yêu quê hương nồng nàn, tha thiết. Tuy Bác đã đi xa, nhưng triệu triệu con tim trên dải đất hình chữ S sẽ mãi ghi khắc công ơn to lớn của vị lãnh tụ thiên tài, quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đọc quyển sách này giúp cho độc giả hiểu được nhiều hơn về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, xứ sở nơi mình cất tiếng khóc chào đời. Dù sống và làm việc ở đâu tình yêu quê hương luôn là nền tảng, là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta không ngừng cống hiến công sức, luôn nghĩ về quê hương, làm đẹp quê hương.
Ngày nay văn hóa đọc được lan tỏa sâu rộng và đạt được những kết quả tích cực trên quê hương Trà Vinh. Học tập và làm theo Bác qua những câu chuyện từ trong quyển sách sẽ tạo được những chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và hành động để những người con Trà Vinh thêm yêu mảnh đất quê hương, ra sức chung tay cùng khát vọng xây dựng Trà Vinh vững vàng tiến bước vươn lên. Ghi khắc công ơn Người, nơi miền quê Long Đức, Trà Vinh có “Công trình trái tim” Đền thờ Bác Hồ, nhà trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng Nhân dân Trà Vinh” thể hiện lòng kính yêu vô hạn của Nhân dân miền Nam nói chung, Nhân dân Trà Vinh nói riêng dành cho Bác. Những câu chuyện chân thật đầy xúc động về Bác Hồ ẩn chứa những bài học sâu sắc, giúp thế hệ trẻ hôm nay soi chiếu trên chặng đường tương lai, vun đắp tình yêu Tổ quốc đong đầy, toả sáng.
Bạn đọc tìm xem quyển sách này đến với Thư viện tỉnh Trà Vinh (nơi đây có gần 2.000 bản sách về Bác), “Sách hay cần bạn đọc”, từ sách độc giả sẽ có được những bài học quý báu, những thông tin hữu ích và chính xác về Chủ tịch Hồ Chí Minh để học tập và làm theo Bác thấm sâu tâm thức, lan tỏa mạnh mẽ, yêu quê hương, hãy luôn phấn đấu nỗ lực, đoàn kết xây dựng quê nhà vươn lên, đổi mới bởi vì tình yêu quê hương đậm đà, sâu sắc chính là niềm tin và khát vọng bắt nguồn cho hành trình ý nghĩa đóng góp công sức và ra sức cống hiến xây dựng quê hương rạng ngời hương sắc.
Bài, ảnh: ĐINH THANH
Điểm nhấn của Festival Ninh Bình là sự kiện khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 24/11/2024 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình với chủ đề “Dòng chảy di sản”.