04/06/2020 19:39
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống văn nghệ, nhưng những tố chất văn chương đã sớm định hình từ những năm ngồi trên ghế nhà trường. Trần Dũng sáng tác trên nhiều thể loại nhưng có thể nói ký văn học là một thể loại mà Trần Dũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Truyện ký của Trần Dũng giàu chất liệu lịch sử, văn hóa dân gian và hiện thực đời sống được tạo tác bằng thứ ngôn ngữ điêu luyện đậm chất Nam Bộ.
Trong truyện ký của Trần Dũng đất và người Trà Vinh luôn là “vùng thẩm mĩ” lớn. Từ những tính cách anh hùng nghĩa hiệp trong chiến đấu chống ngoại xâm đến những con người bình dị cuộc sống đời thường đã đi vào những trang văn của Trần Dũng thật sống động, lấp lánh ánh nhìn nhân văn sâu sắc. Đất Trà Vinh với những cửa sông, những vàm sông lớn lắng đọng những trầm tích lịch sử văn hóa luôn là một không gian đặc trưng có sức lan tỏa trong cảm hứng nghệ thuật của Trần Dũng. “Sóng cửa sông” được xuất bản năm 2006, là trái ngon đầu mùa của Trần Dũng trên mảnh đất ký văn học hãy còn khá hoang sơ trên mảnh đất Trà Vinh thân yêu. Tập ký là một bước dài khẳng định sở trường đặc biệt của anh trên thể loại này. Khi đọc tập ký này tôi luôn có cảm giác mình đang đứng trước những bức truyền thần. Trần Dũng đã “vẽ” nhân vật mình thật sống động bằng thứ ngôn từ đằm sâu hơi thở phù sa của những dòng sông cuộn chảy mãi miết.
Tôi lần giỡ những trang viết “Sóng cửa sông”, tác phẩm mở đầu cho tập ký cùng tên để cho lòng mình xiết bao xốn xang. Biết bao nhiêu trầm tích văn hóa lịch sử ẩn tàng trên một vùng cù lao Long Hòa bị vây bủa bở bốn bề sóng nước đã trải lên những trang ký của Trần Dũng biết bao gam màu đẹp. Chuyện cũ - chuyện mới, chuyện xưa - chuyện nay, hiện tại - quá khứ, đời thực - huyền thoại luôn dậy lên trong những trang ký anh chất tươi mới, tinh khôi. Ở những truyện ký khác, cũng là Đất, là Người Trà Vinh anh hùng nhưng anh luôn cho người đọc “thay đổi khẩu vị” bởi cách khai thác xử lý đề tài, khắc họa đối tượng thẩm mĩ biến hóa linh hoạt. Có khi là một lát cắt lịch sử gắn với hành động cụ thể của những con người cụ thể như trong truyện ký “Như ngọn triều dâng”, có khi đó là những ống quay cận cảnh chân dung những anh hùng với những chiến công thầm lặng. Những truyện ký về anh hùng thiếu tướng nhà văn Bùi Cát Vũ, về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (“Cặp hùm thiêng vùng đất đỏ miền Đông”), về “Hùm xám Tiểu Cần’ Nguyễn Văn Hơn luôn là những trang văn độc đáo. Không chỉ đề cập đến những anh hùng trong chiến đấu, anh còn tiếp tục khắc họa chân dung của những anh hùng trong cuộc sống đời thường. Đất nước đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì biết bao nỗi đau đã tự lên tiếng ngay trên chính thân xác của những con người bước ra từ cuộc chiến. Câu chuyện về vợ chồng thương binh 1/4 Lê Văn Lục và Cam Thị Cúc trong truyện ký “Hai nửa của một danh hiệu anh hùng” là một trong những giai điệu đẹp làm nên bản trường ca bất tận mang tên “SỨC MẠNH CỦA CON NGƯỜI”.
Trong truyện ký của Trần Dũng tôi còn thấy anh luôn dành những góc trang trọng để tôn vinh những con người từ khi sinh ra đời vốn đã chịu nhiều thiệt thòi vì cơ thể không lành lặn. Những câu chuyện về Hai Thọ Năm Tài (“Cây xương rồng trổ hoa”), những người đã tự chế chiếc xe lắc tay rồi xe ba bánh gắn máy dành cho người khuyết tật; những câu chuyện xoay quanh chàng trai khiếm thính bẩm sinh Võ Thanh Tùng đã dạt chuẩn huyền đai đệ nhị đẳng (môn võ Teakwondo) rồi mở lò dạy võ tại quê nhà (Truyện ký “Có một chàng trai như thế”). Những tác phẩm truyện ký về “Chuyện Dũng Đen”, “nhà sáng chế” chiếc máy đào hút bùn chuyên dụng đào, sên mương tôm, san lấp mặt bằng, thi công thủy lợi nội đồng; về “Vua măng cụt” Lưu Văn Nhiều trên mảnh đất cù lao Tân Quy cây lành trái ngọt luôn là những trang văn ăm ắp ánh nhìn trìu mến về những con người đã làm sáng danh quê hương bằng đôi bàn tay cần mẫn, khối óc sáng tạo.
“Sóng cửa sông” tuy là tập truyện ký đầu tay nhưng là một quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Trần Dũng trên nhiều phương diện nghệ thuật. Tập truyện kí này như khúc dạo đầu đầy thanh sắc của một bản trường ca đẹp về ĐẤT và NGƯỜI Trà Vinh.
TRẦM THANH TUẤN
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.