20/07/2020 16:51
Tập truyện ký của Nhà văn Diệp Hồng Phương. Nhà xuất bản Văn học, 2008. Sách dày 230 trang, khổ 13 x 18 cm. |
Diệp Hồng Phương, sinh năm 1956, quê làng Vĩnh Trường (nay là xã Hòa Thuận), huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ông học tiểu học, rồi trung học và hoạt động sáng tác văn học tại Trà Vinh, tạo được dấu ấn nhất định trong bạn đọc. Sau ngày thống nhất đất nước, Diệp Hồng Phương chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp và là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
“Sông nước quê mình” là tác phẩm thứ 14 của Nhà văn Diệp Hồng Phương được xuất bản trong hơn 45 năm sáng tác. Quyển sách bao gồm 24 truyện ký, mà như tên gọi của nó, được tác giả tuyển chọn lại tập trung thể hiện tình yêu da diết, những cảm xúc bất tận của người con xa xứ hướng về cội nguồn quê hương Trà Vinh, mở rộng ra là vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Có thể nói, “Sông nước quê mình” là những câu chuyện kể, với chất giọng thủ thỉ, nhẹ nhàng của tác giả - một người lớn tuổi -dành cho công chúng lớn tuổi. Xếp tập sách lại, người đọc khó dứt ra được với những cảm xúc bàng bạc, buồn có, vui có, xưa có, nay có… của những làng quê sông nước trải dài theo những biến đổi của cuộc sống trong hơn nửa cuối của thế kỷ XX.
Đó là những kỷ niệm của tuổi thơ ấu mà gần như bất kỳ ai tuổi ngoài 50 ở Trà Vinh này đều trải qua: những buổi chiều rủ nhau đi bắt chuột đồng, bắn chuột dừa (Bọn nhóc săn đầu chuột) hay rủ nhau tắm sông, thi bơi lặn (Sông nước quê mình); những đêm làng quê êm đềm bỗng hóa thành ngày hội vì có… đoàn cải lương bầu tèo về diễn (Giây phút chạnh lòng) hay tụ nhau đêm đờn ca tài tử (Người nghệ sĩ năm xưa, Những kẻ tài hoa). Đó là sự đổi thay từ thực tế cuộc sống nông thôn mà tác giả nắm bắt qua những chi tiết hết sức tinh tế: “Nghe cassete mà tưởng người ta đang ở bên mình” của những năm đầu thập niên 1970 (Những kẻ tài hoa); Chiếc xe đạp rà thắng bằng chân và chiếc ăng-ten ã đội của thời bao cấp (Giỗ hội); Những bộ quần áo sida khiến người dân quê của những năm cuối thập niên 1980 khi vừa “mở cửa” muốn ngả ngữa vì giá rẻ (Tiếng sáo vui của ông già mù); Tiếng nổ xình xịch của chiếc máy suốt lúa làm vui cả xóm làng và chiếc bờ kè chống sạt lở ven sông như sự minh chứng trong đời sống người nông dân (Mùa gặt)…
Diệp Hồng Phương cũng dành một dung lượng vừa phải, ẩn chứa sự tự hào qua những câu chuyện kể của thế hệ đi trước về những trang lịch sử quê mình từ hồi thuộc Pháp đến chín năm kháng chiến oai hùng (Chuyện cổ tích của ông ngoại), rồi cuộc kháng chiến 21 năm đau thương mà anh dũng (Giỗ hội).
Dù xa quê lâu năm nhưng ngôn ngữ văn chương của Diệp Hồng Phương rất “nhà quê” Nam Bộ, “nhà quê” Trà Vinh. Các bạn trẻ ngày nay mấy ai viết được những câu như trong truyện Những kẻ tài hoa: trước khi uống rượu “anh em húp miếng cháo đổ nền trước nghen!”; trong khi thưởng thức đêm tài tử “Ngón đờn giống y Văn Vĩ ở mấy cái luyến láy, rảy phím… tê người”; “mấy ngón tay chú nhảy trên hai dây, bật ra tiếng nhạc chắc như hột lúa mới”; sau khi buông ly xuống, hai mái đầu bạc trắng tâm sự “chuyện cũ, nhắc thêm buồn, mà không nhắc ngọn nguồn ai đặng rõ”…
Sông nước quê mình, một tác phẩm có chất lượng của một Nhà văn quê hương Trà Vinh mà người Trà Vinh nên tìm đọc để thêm yêu, thêm tự hào về vùng đất mình sinh ra, lớn lên.
Nhà văn TRẦN DŨNG
Ngày 28/11, giải Điền kinh lứa tuổi U18 Đông Nam Á 2024 đã chính thức khởi tranh tại Malaysia và ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, các vận động viên trẻ Việt Nam có được kết quả khích lệ khi giành 03 Huy chương Vàng (HCV), 02 Huy chương Bạc phá 01 kỷ lục nhóm tuổi.