Nếu như Thái Cường từng tạo được dấu ấn với những cuốn sách đã xuất bản như “Những mảnh mắt nhìn”, “Gam lam không thực”, “Người chết thuê”… thì Bá Đông là gương mặt khá mới của làng văn. “Tập làm thơ” là tuyển thơ của hai cây bút trẻ Thái Cường và Bá Đông đang tìm kiếm những dấu ấn văn chương của bản thân trên thi văn đàn. Giữa thị trường văn học với lượng tác phẩm văn xuôi chiếm ưu thế, sự xuất hiện của Tập làm thơ của Thái Cường và Bá Đông với tinh thần hướng về lớp trẻ, có thể nói là một điểm sáng đáng hoan nghênh.
Tập làm thơ man mác nỗi buồn nhiều hoài niệm, là sự ám ảnh về dòng thời gian trôi chảy đến miên viễn của vũ trụ và sự hữu hạn của đời người tuy nhiên mọi kết thúc đều đi đến việc nhận thức những giá trị sống bình dị của cuộc sống hiện tại. Thơ Thái Cường rất mẫn cảm với thời gian và cảnh sắc thiên nhiên tạo vật. Có thể hình dung thơ anh là những mảng màu không gian đa sắc vây bọc lấy con người đang chiêm nghiệm suy tư.
Tình yêu trong thơ Thái Cường có khi mãnh liệt (Đêm không ngủ, Hào khí, Khi, Nước thiêng, Quên lối về…,) nhưng có khi lại là những thoáng qua “Ấy là một giây phút bồn chồn/ Em cúi thấp đầu, anh không cần nhạc Trịnh” (Cánh bướm bay). Đời sống hiện lên qua những dòng thơ anh dù có nhiều trắc trở nhưng vẫn roi rói niềm tin yêu gọi mời. Những Chạng vạng, Hoa kim ngân, Lanna, Ngọn nến, Pasodoble… là những suy tư qua nhiều chặng của cuộc đời anh mà tôi muốn gọi đó là cách mà anh muốn "phong kín tuổi thanh xuân" của mình bằng sự ghi nhận những biến đổi của những chiêm nghiệm về cuộc nhân sinh theo chiều dài cuộc đời của mình. Đọc thơ Thái Cường người ta hình dung đến một người trẻ chiêm nghiệm trong không gian hẹp: căn buồng, phòng riêng, một mảng tường, một giàn hoa, những ngọn đèn, gương… làm bạn kể. Nỗi cô đơn rợn ngợp trong tâm hồn của người trẻ cứ thế mà tuôn trào qua câu chữ trong Đường chân trời, Phong gấm rủ là, Ta…
Không đa sắc và nhiều biến tấu như thơ Thái Cường, thơ Bá Đông là những gam màu đối lập. Đọc thơ Bá Đông người đọc cảm nhận được một giọng thơ êm đềm cơ hồ như thả hồn về những hoài niệm của một thời quá vãng đã xa. Có thể cuộc sống tha hương khiến anh luôn nhớ về quê nhà trong Quê hương, Về với mùa hoa… rồi cảm thương thân phận người đàn bà trong Cánh cò, Cũng đành chiêm bao… lắm khi cũng lạ hóa trong Ảo ảnh, Nói với trăng, Song song… nồng nàn đến táo bạo trong Đêm thấy ta chợt lạ, Trỗi cung sầu, Tự tình…
Đọc thơ Bá Đông, người đọc luôn ấn tượng với những phong kín tâm tư của anh đối với những “người cũ”. Khái niệm “Người cũ” trong thơ anh rất đa dạng chứ không đơn thuần là người yêu cũ, người cũ ử đây có thể là bạn cũ cũng có thể là người quen cũ. Đọc thơ anh. người đọc dễ nhận ra một nhân vật trữ tình luôn mong muốn lần giỡ những gì đã qua để chiêm nghiệm. Từ những Đôi bờ, Làm quà, Mồ côi… cho đến Ngày chị lấy chồng, Sang sông, Tìm quên… Bá Đông luôn hướng đến việc lưu giữ những mốc hình ảnh cũ của nhau như những khúc quanh tâm trạng hơn là sự hờn trách.
Dù có những điểm khác nhau trong tương quan sáng tạo, song Thái Cường và Bá Đông đều nhất quán ở chỗ dùng thơ nói lên tiếng lòng của những người trẻ đang ngụp lặn trong cuộc đời nhiều biến động. Dẫu chưa có những suy tưởng đi vào chiều sâu nội cảm, nhưng tập thơ chứa nhiều ý tứ dễ thương, đủ cho tâm hồn lắng lại sau guồng quay ồn ào thường nhật.
TRẦM THANH TUẤN
CHẠNG VẠNG
Nắng xuống khé lói vàng
Mặt trời núp bóng biển
Sóng gợn cong hoặc huyễn
Thốc triền cát xế chiều
Hiu đìu buồm buông gió
Hải âu lượn trùng dương
Bầy du mục vãi vương
Dưới vừng trời chạng vạng
THÁI CƯỜNG
|
|
|
Ừ THÌ
Ừ thì...chỉ một chút thôi
Hơi thu cũng đủ bồi hồi tim nhau
Ừ thì...một chiếc lá chao
Cũng vừa chạm đến,hồn xao xuyến hồn
Ừ thì...chỉ một hoàng hôn
Mà sao lại khác từ hôm mất người
Ừ thì...cũng một nụ cười
Mà sao thiếu vắng nét tươi tuổi hồng
Ừ thì...em đã có chồng
Tôi thương,tôi nhớ trong lòng vậy thôi
Ừ thì...tình đã chia phôi
Ừ thì...tất cả qua rồi em ơi!
BÁ ĐÔNG
|