20/01/2024 10:17
Từ xưa đến nay, đón Tết cổ truyền là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Muốn hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa của Tết, phong tục ngày Tết… mời độc giả xem quyển sách “Tết trong đời sống tâm linh người Việt” của nhiều tác giả, xuất bản năm 2008, khổ sách 13x19cm gồm 230 trang, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.
Sách gồm 4 phần: Phần 1. Nếp xưa, tết Việt; Phần 2. Những tục lệ ngày Tết; Phần 3. Tết trong đời sống tâm linh dân tộc; Phần 4. Tản mạn về Tết.
Bìa sách với gam màu đỏ đã làm nổi bật tên sách “Tết trong đời sống tâm linh người Việt”. Màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn, đầm ấm, phù hợp không khí sum vầy dịp Tết cổ truyền, với sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh và màu sắc ở ngay bìa sách đã tạo ấn tượng mạnh mẽ thu hút bạn đọc.
Ở trang 7 quyển sách cho người xem hiểu về ý nghĩa của Tết. Tết do chữ Tiết mà ra, là “thời gian” đặc biệt được ấn định trong năm. Theo âm lịch hay lịch ta, trong một năm có nhiều Tết như: Tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, tết Trung thu…Tuy nhiên tết Nguyên đán là Tết quan trọng và lớn nhất của người Việt Nam. Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết Ta.
Vào ngày Tết, nhà nhà đều soạn mâm ngũ quả dâng cúng ông bà. Trong mâm quả thường có mãng cầu, tức cầu chúc mọi điều như ý; có dừa, vì âm “dừa” tương tự như “vừa”, có nghĩa là không thiếu; có sung, vì gắn với biểu tượng sung mãn về sức khoẻ hay tiền bạc; rồi đu đủ, mang ý nghĩa một năm mới đầy đủ thịnh vượng. Ngoài ra còn có xoài na ná như “xài” để cầu mong tiêu xài không thiếu thốn. Ngày nay các mâm ngũ quả còn được chen thêm nhiều loại quả khác để tạo thêm sự đẹp mắt như: dưa hấu, quýt, táo… Tục thờ mâm ngũ quả ngày Tết là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam, biểu hiện cho lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên, ước mong năm mới nhiều may mắn, tốt đẹp.
Xem cuốn sách này chúng ta lại được có thêm những thông tin về Tết Việt xưa, hiểu được những phong tục, tập quán tốt đẹp của ngày tết Nguyên đán từ lâu đã trở thành một nhu cầu tâm linh, nhu cầu văn hóa trong đời sống người Việt. Nét truyền thống từ ngàn xưa đã làm nên một bản sắc văn hóa Tết Việt Nam.
Tết cổ truyền Việt Nam trước hết là Tết của gia đình, họ hàng, thân tộc “tháng Giêng ăn Tết ở nhà”, dù ai bất cứ ở đâu, bất cứ làm nghề gì, hàng năm mỗi dịp năm hết Tết đến đều tha thiết trở về sum họp gia đình. Dù bắt đầu từ mồng một tháng Giêng, nhưng có lẽ mỗi chúng ta đều lâng lâng cảm giác nôn nao, tất bật vào những ngày cuối năm, không quên phong tục cổ truyền: ngày 23 tháng Chạp âm lịch đưa ông Táo về Trời với niềm hy vọng Ngài sẽ báo cho Ngọc Hoàng biết những điều tốt đẹp, nhờ đó gia chủ được hưởng thêm nhiều phúc thọ.
Đặc biệt vào thời khắc thiêng liêng của giao thừa, giao tiếp giữa hai năm cũ mới, lòng chúng ta lại nghe xao xuyến bâng khuâng tạm biệt năm cũ đã qua và chào đón một năm mới bắt đầu. Tiếp đến là ba ngày Tết “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”, ai ai cũng đều vui tươi, chứa chan hy vọng nhân dịp đầu xuân. Và Báo Xuân với hình ảnh hoa mai, hoa đào, quả dưa hấu đỏ bổ đôi…là món ăn tinh thần không thể thiếu trong dịp tết Nguyên đán.
Từng trang sách nối tiếp nhau lan tỏa nét đẹp về “ăn Tết ngày xưa”, “Tết Nguyên đán – Dịp nhớ về cội nguồn tổ tiên” hay ở Phần 2: những tục lệ ngày Tết được các tác giả thể hiện rõ nét với nội dung phong phú, đầy hấp dẫn. Phong tục ngày Tết phản ánh những đặc thù của nền văn hóa Việt Nam qua nhiều thế hệ, và còn tuỳ thuộc vào từng vùng trên đất nước. Tết là dịp gia đình đoàn viên, thăm viếng thân nhân, thờ phụng tổ tiên và cũng là dịp nghỉ ngơi chơi đùa để chuẩn bị cho một năm mới.
Đến phần 3 cuốn sách từ trang 119 đến trang 178, những dòng chữ nối tiếp nhau nói về Cây nêu ngày Tết và nghi thức thờ cúng tổ tiên, mâm cỗ cúng tổ tiên ngày Tết… càng làm nổi bật truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam qua bao đời vẫn luôn được trân trọng giữ gìn. Hoạt động tinh thần vào dịp Tết Ta vô cùng phong phú. Cúng Giao thừa xong, theo truyền thống có các tục từng thịnh hành và lưu truyền đến nay: xuất hành lễ đền chùa, hái lộc, hương lộc, xông nhà. Từ sáng sớm mồng một Tết, các hoạt động mừng năm mới: Mừng tuổi – đi chúc Tết. Con cháu chúc Tết mừng tuổi ông bà cha mẹ bằng lễ vật trong khi đó người lớn tuổi, ông bà cha mẹ, anh chị…mừng người ít tuổi, con cháu, em út bằng tiền, gọi là tiền mừng tuổi…
Và có lẽ cuốn hút người xem và để lại những cảm xúc ngọt ngào nhất đó chính là phần 4 quyển sách: Tản mạn về Tết. Ở trang 185 có đoạn “Đối với dân tộc Việt Nam, hương vị mùa xuân được coi như là một truyền thống văn hoá của tổ tiên ta để lại từ thời lập quốc và cứ mỗi năm lại bồi đắp thêm những ý đẹp, lời thơ cho thật trang nghiêm long trọng với một niềm vui vô tận, để truyền bá lại cho hậu thế noi theo”. Điều này cho thấy mùa Xuân nước Việt luôn mang những ý nghĩa tuyệt vời, rạng ngời toả sáng và được trân quý từ ngàn xưa cho đến ngày nay trong trái tim của người dân sống trên đất nước mang dáng hình chữ S.
Mùa Xuân và Tết đồng nghĩa với thanh bình, hy vọng, sum họp, ước mơ, tin tưởng, thương yêu, vui vẻ, trẻ trung, tình tứ: Sắc xuân, tình xuân, ý xuân, tuổi xuân… Ý nghĩa mùa Xuân đến với Nhân dân ta thật là vô tận, ngoài Bắc thì trồng nêu, cây đào, bánh chưng, mứt kẹo… Trong Nam cành mai, bánh tét, dưa hấu… Nhà nhà, người người đều nhộn nhịp đón Xuân với vẻ đẹp niềm vui, hương sắc mùa Xuân toả ngát khắp bốn phương trời.
Đọc quyển sách này, có đoạn làm người xem lắng đọng lòng mình, thấu hiểu tâm trạng của người Việt sống ở xứ người mang trong lòng tình hoài hương, nỗi nhớ quê da diết khi mùa Xuân đến, bên cạnh đó giúp cho độc giả có được kiến thức hữu ích về ý nghĩa Tết trong đời sống tâm linh người Việt, nghe lòng rộn rã trước bức tranh mùa Xuân xưa và nay luôn tươi đẹp, ấm áp và rạng ngời niềm hân hoan hạnh phúc.
Quyển sách “Tết trong đời sống tâm linh người Việt” với kết cấu, bố cục chặt chẽ thu hút người xem, như một bài hát với giai điệu đẹp dìu dắt độc giả trải qua những cung bậc cảm xúc, tiếp thêm kiến thức và được hoà vào không khí vui tươi, ý nghĩa của ngày Tết, ngày xuân ngập tràn niềm vui, niềm tin và khát vọng vươn lên.
Mời độc giả tìm xem, đây chắc chắn là quyển sách nên đọc để hiểu về ngày Tết Việt Nam.
ĐINH THANH
Điểm nhấn của Festival Ninh Bình là sự kiện khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 24/11/2024 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình với chủ đề “Dòng chảy di sản”.