01/06/2024 08:24
Ảnh minh họa.
Vào mùa hạ, khi những cơn mưa nặng hạt thay phiên nhau trút nước xuống những miếng đất giồng. Chẳng mấy chốc từ bờ rào, bụi tre bỗng xanh rì sắc lá non tơ. Những vạt đất khô cằn sau mùa nắng cháy, tưởng chừng như không có sự sống lại hồi sinh. Từ hai chiếc lá mầm bé tí ti, tròn tròn như nốt ruồi. Và chỉ dăm mười ngày sau, hai chiếc lá ấy to bằng… lúm đồng tiền! Sự sống lớn lên từ những vạt đất khô cằn ấy là một loài rau, có tên rất dân dã: Rau càng cua! Sau mưa hơn một tháng, người dân quê có các món ăn dân dã được chế biến từ rau càng cua. Món ăn có nhiều vị thuốc, dễ kiếm, rẻ tiền và đậm đà tình quê! Món rau càng cua “bóp giấm” là món dễ làm và phù hợp với “tình hình thực tế” của người dân quê. Đặc biệt vào những bữa cơm trưa hè, có đủ đầy các thành viên trong gia đình. Để có món này, trước tiên ta hái rau càng cua, khi hái rau càng cua để còn có rau ăn tận cuối mùa, ta nên dùng dao nhỏ cắt phần thân, chừa lại gốc, để chúng tiếp tục cho chồi non. Rau càng cua hái về, ngâm với nước muối khử trùng và cho chúng “nhả cát”, rồi rửa sạch vớt ra để cho ráo. Sau đó, cho lượng giấm vừa đủ và dùng tay… bóp xèo! (có người gọi là gỏi rau càng cua cũng không sai). Cuối cùng cho đường vào giảm độ chua nếu có mớ khô cá hố, nướng xé nhỏ cho vào “gỏi” thì tuyệt làm sao! Ngồi bên mâm cơm nóng, với món rau càng cua “bóp giấm”, ăn kèm với cá lóc kho mằn mặn cùng các thành viên vừa ăn vừa “tán dóc” thì cái cảm giác ấm cúng của gia đình càng thêm thân ái. Người dân quê, cũng thường ăn sáng với món “khoái khẩu”, mì gói với rau càng cua. Một gói mì, một nắm rau càng cua, vài con tép bạc đồng quê. Thế là, một bữa sáng tạm gọi “thịnh soạn” của người dân “chân lấm tay bùn”. Và cứ thế, năm này sang năm khác, mùa này sang mùa khác. Rau càng cua luôn gắn bó với những giồng cát khô cằn và cũng như luôn thủy chung với người dân quê từ bao đời nay! TRẦN NHẬT HẠ
|
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.