15/09/2024 07:57
Ngày xưa, bọn con nít chúng tôi rất thích chơi trò đá dế. Vào mùa mưa, dế than rất nhiều (con dế màu đen hoặc màu nâu sẫm, to hơn đầu đũa ăn một chút), chúng thường trú ẩn ở dưới đám cỏ xanh, quanh góc vườn nhà. Chiều chiều, tôi cùng mấy thằng bạn trong xóm thường kéo nhau ra những đồng cỏ để bắt dế. Công việc bắt dế đòi hỏi mỗi đứa có một vài mẹo nhỏ và chỉ bắt những con dế trống.
Những con dế trống bắt được, bị “nhốt” vào một cái hộp bằng giấy cứng hay một cái keo bằng nhựa hoặc thủy tinh. Thức ăn của chúng là cỏ non tươi, phải thường xuyên theo dõi và được để nơi an toàn. Nếu không sẽ bị những con kiến xơi tái xem như… công cốc! Bọn tôi thường đặt chúng gần đầu giường, đêm đến nghe chung “gáy” sướng cả tai. Tiếng “gáy” của chúng có nhiều âm vực khác nhau, mỗi con điều có “chất giọng” độc quyền như ca sĩ (thật ra sau này lớn lên tôi mới hiểu, tiếng dế “gáy” chỉ là nhịp rung của cánh dế “cọ sát” vào không khí, tạo ra âm thanh, chẳng có “chất giọng” nào ở đây cả?!).
Vào ngày Chủ nhật, khi mặt trời ló dạng và từ từ lên cao, chúng tôi thường tập trung dưới gốc cây cổ thụ to đầu xóm. Mỗi đứa mang theo vài cón dế trống và một số “đồ nghề” linh tinh khác. Chỗ đá dế là một khoảng đất trống, bằng phẵng, có bóng cây mát rượi. Một cái lổ được “khoét” dạng hình chữ nhật, sâu chừng hai tất và được nện cứng dưới đáy. Công việc này, cũng rất kỳ công và sự khéo léo thì mới có được nơi cho những “đấu sĩ dế” tranh tài. Sau khi chọn đối thủ, mỗi đứa chúng tôi chọn một cọng tóc dài trên đầu (đứa nào “đầu trụi” thì xin tóc của đứa khác), rồi quấn ngang chân dế quay “mòng mòng” chừng một phút. Chúng tôi truyền miệng nhau rằng, làm như thế con dế mới… sung! Những đứa không có dế tham chiến, trở thành những cổ động viên chân đất, vô tư hò hét và cổ vũ.
Hai con dế tham chiến thả xuống cái lổ khoét sẵn và lao vào đá nhau. Có cặp đá nhau trông thích mắt. Những con dế hay thường có cú “móc giò láy” là tuyệt chiêu đánh bại đối thủ. Khi hạ được đối thủ, chúng phát ra tiếng “gáy”… te te! Như khẳng định niềm vui của kẻ chiến thắng. Con dế nào thắng cuộc được chủ nó cưng hết mực, con nào thua trận xem như… tiêu đời.
Đôi lúc có cặp, khi được thả xuống chẳng “đấm đá” gì ráo, cứ chụm đầu nhau rồi bỏ chạy, làm cho đám cổ động viên có một trận cười no bụng, còn chủ của chúng đỏ cả mặt mày vì tức giận. Cứ thế, hết cặp này đến cặp khác cùng nhau tranh tài và khi mặt trời gần “đứng bóng” chúng tôi mới lục tục kéo về.
Tuổi thơ thoáng chốc qua thật nhanh. Trò chơi đá dế ngày xưa trở thành quá khứ. Nhưng mỗi lần tôi đi ngang bãi đất trống ngày xưa, nơi mà chúng tôi thường tụ tập chơi trò đá dế. Bất chợt kỷ niệm tuổi thơ ùa về, tôi chợt thấy lòng bâng khuâng…
TRẦN THÀNH NGHĨA
Điểm nhấn của Festival Ninh Bình là sự kiện khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 24/11/2024 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình với chủ đề “Dòng chảy di sản”.