20/11/2020 08:22
Ông sinh trưởng trong một gia đình nho học. Từ nhỏ, ông đã mê đờn ca, cả tân lẫn cổ nhạc. Ban đầu là học lóm, riết thành đam mê, rồi đàn thạo, khiến nhiều người ngạc nhiên với tài năng thiên bẩm. Trong giới mộ điệu vọng cổ cải lương vẫn tôn xưng ông là “Vua vọng cổ” khi để lại cho đời nhiều bài vọng cổ nổi tiếng mà từ đó đã góp phần làm nên tên tuổi cho nhiều danh ca của sân khấu cải lương như: Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Văn Hường, Minh Cảnh…. Không chỉ là danh cầm (đàn tranh) ông còn là tác giả của hơn 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản cải lương lừng danh, góp phần lớn trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương Nam Bộ.
Lần đầu tiên, 100 bài vọng cổ đặc sắc của soạn giả Viễn Châu đã được Tiến sĩ Huỳnh Công Tín tuyển chọn, chú giải và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành vào tháng 8 năm 2015. Công trình này được Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ cho in 1.200 bản, sách dày gần 400 trang.
Nhà xuất bản hy vọng “cuốn sách đáp ứng được yêu cầu của đông đảo giới đam mê ca cổ, tránh hiện tượng “tam sao thất bản” làm mất đi vẻ đẹp trong sáng của ca từ”. Đồng thời với phần chú giải của người tuyển chọn “sẽ giúp độc giả hiểu chính xác hơn nội dung bài ca và khả năng dùng từ hết sức tài hoa mang đặc trưng Nam bộ của tác giả”, nhà xuất bản kỳ vọng cuốn sách này “còn là một công trình giúp cho giới nghiên cứu và sinh viên làm cơ sở nghiên cứu về bộ môn nghệ thuật cải lương và Soạn giả Viễn Châu”.
Tuyển tập "Soạn giả Viễn Châu 100 bài vọng cổ đặc sắc" được chia thành 4 phần: ca cổ lịch sử, ca cổ tâm lý xã hội, tân cổ giao duyên, ca cổ hài. Trong tuyển tập Vọng cổ này nhiều tác phẩm quen thuộc với giới mộ điệu đã được giới thiệu như: Bạch Thu Hà, Chúc Anh Đài, Chút tình Dạ cổ hoài lang, Hạng Võ biệt Ngu Cơ, Hận Kinh Kha, Lòng dạ đàn bà, Phạm Lãi biệt Tây Thi, Tâm sự Mộng Cầm, Tình Lan và Điệp, Tôn Tẩn giả điên, Võ Đông Sơ, Bông ô môi, Lá trầu xanh, Gánh nước đêm trăng, Sầu vương ý nhạc, Tiếng độc huyền cầm trên bắc Cần Thơ, Tình anh bán chiếu, Tu là cội phúc, Ai cho tôi tình yêu, Ai xuôi vạn lý, Áo em chưa mặc một lần, Đêm tàn bến Ngự, Lối về xóm nhỏ, Tâm sự Văn Hường, Sợ vợ, Tứ đổ tường, Vợ tui đẹp ác…
Là người chuyên nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, Tién sĩ Huỳnh Công Tín đã dụng công chú giải nhiều ca từ có gốc phương ngôn Nam Bộ trong những bài vọng cổ này. Và chính vì thế mà tuyển tập này, không chỉ giới thiệu các bài ca mà còn tạo điều kiện cho công chúng yêu mến những sáng tác vọng cổ của Soạn giả Viễn Châu có thể tìm hiểu sâu hơn về các tác phẩm của ông qua phần chú giải tỉ mỉ. Thông qua đó, chúng ta có thêm cơ hội hiểu sâu hơn văn hóa sông nước phương Nam với tình làng nghĩa xóm, với nét đẹp của cô thôn nữ, văn hóa làng xã… được tô vẽ thật dung dị trong từng lời ca tiếng hát của người xưa.
TRẦM THANH TUẤN
Qua 02 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24/11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024 thành công tốt đẹp.