06/09/2020 06:23
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: QUỐC VINH
PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐHTV cho biết: vùng đất Tây Nam Bộ hay còn gọi ĐBSCL nổi danh là xứ kênh rạch, xứ miệt vườn, cây trái quanh năm, là vựa lúa, vựa cá, tôm. Trong câu chuyện văn hóa, Tây Nam Bộ là cái nôi của vọng cổ và cải lương, của điệu múa rom-vong và nghệ thuật Dù kê; là quê hương của những câu hò, điệu lý trữ tình, những câu chuyện cười sảng khoái, lạc quan của bác Ba Phi gắn với vùng đất trù phú “làm chơi ăn thiệt” nhưng cũng đầy trắc trở, hiểm nguy “xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha”. Nổi bật trong những đặc trưng văn hóa này là hình ảnh người nông dân Nam Bộ chất phác, bộc trực, trượng nghĩa và phóng khoáng.
Trong lịch sử khẩn hoang, hay trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ vĩ đại của dân tộc, hay bước vào thời bình chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp, con người miền Tây Nam Bộ các thời kỳ đã khéo léo phát huy các thế mạnh của tính cách, chung vai đoàn kết vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù giành độc lập, kiến thiết và phát triển quê hương, đất nước. Đó còn là lịch sử cộng cư hòa hợp của các dân tộc, sự giao thoa và tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm thể hiện qua những sáng tạo trong nghệ thuật sân khấu Dù kê, trong văn hóa ẩm thực như món bún nước lèo… có thể thấy, qua thời gian, những nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc vẫn được bảo tồn, phát huy.
Trong lĩnh vực kinh tế, Tây Nam Bộ là vùng đất rộng lớn, có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông, có số dân khoảng 20 triệu người. Kinh tế vùng Tây Nam Bộ chủ yếu gắn với sự ưu đãi của thiên nhiên, đó là những vựa lúa, trái cây và thủy sản, gắn với tập quán sản xuất truyền thống của nông dân. Trong những thập niên đầu của thế kỉ XXI, miền Tây trở thành điểm sáng trong bản đồ du lịch của Việt Nam và quốc tế, với những tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vùng Tây Nam Bộ đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản và sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường trong vùng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và đời sống của hàng triệu người dân vùng Tây Nam Bộ. Đồng thời, sự tác động này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những tập quán, những nếp văn hóa truyền thống của cư dân trong lao động, cư trú, đi lại, ăn uống và vui chơi, giải trí.
Thực tế này đòi hỏi chúng ta cần phải có tầm nhìn mới, giải pháp mới để huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế góp phần phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, trong đó yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ. Trong đó, Đảng ta xác định văn hóa “vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” và “phát triển văn hóa là mục tiêu và động lực của phát triển kinh tế - xã hội”.
Tại hội thảo, có 58 tham luận của các cá nhân, tập thể đến từ nhiều đơn vị: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học Nguyễn Huệ, Trường Đại học Tây Đô, Trường Đại học Tiền Giang, Trường Cao đẳng Bến Tre, Học viện Hậu cần, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh, Trường Đại học Trà Vinh, các nhà nghiên cứu gần xa... điều này cho thấy vấn đề “Văn hóa trong phát triển bền vững Tây Nam Bộ - thực trạng và giải pháp” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học, nhà quản lý trong cả nước.
Các tham luận góp phần làm rõ những vấn đề liên quan thực trạng văn hóa Tây Nam Bộ trong phát triển bền vững vùng và đề xuất các giải pháp khả thi. Hội thảo là dịp gặp gỡ giữa những nhà khoa học và nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn; là sự tập trung trí tuệ của các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm, có uy tín.
Những nội dung trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất và kết luận tại hội thảo sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc xác định thực trạng văn hóa Tây Nam Bộ trong phát triển vùng, từ đó cung cấp cơ sở khoa học cho những định hướng, những giải pháp phù hợp phát huy vai trò tích cực của văn hóa Tây Nam Bộ trong phát triển vùng hiện nay.
HỒNG NHUNG
Ngày 28/11, giải Điền kinh lứa tuổi U18 Đông Nam Á 2024 đã chính thức khởi tranh tại Malaysia và ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, các vận động viên trẻ Việt Nam có được kết quả khích lệ khi giành 03 Huy chương Vàng (HCV), 02 Huy chương Bạc phá 01 kỷ lục nhóm tuổi.