14/01/2021 01:00
Đây là kết quả của quá trình điền dã sưu tầm văn học dân gian ở các tỉnh, thành ĐBSCL của tập thể giảng viên Khoa ngữ văn Đại học Cần Thơ và sinh viên. Việc điền dã tại tỉnh Trà Vinh thời điểm bấy giờ chủ yếu là ở hai địa phương: huyện Châu Thành và thị xã Trà Vinh (nay là thành phố Trà Vinh).
Về các thể loại văn xuôi dân gian, công trình cũng đã sưu tầm được những truyện dân gian tiêu biểu ở Trà Vinh như: Sự tích ao Bà Om, vàm Bảy Vàng, Đạo sĩ và cọp, Rùa và bọn trẻ, Khỉ và rùa, Gà mắc mưu chồn, Thỏ và cá, Nhẹ dạ, chàng sếu, Ông Trời, Sự hình thành loài người , Thiếu… phân bố hầu hết ở các tiểu loại như: truyện địa danh, truyện loài vật, truyện sinh hoạt.
Trong công trình này, với các thể loại văn vần dân gian, chúng tôi nhận thấy thể loại ca dao được sưu tầm phần lớn là ca dao yêu thương tình nghĩa. Ca dao yêu thương tình nghĩa được sưu tầm trên đất Trà Vinh đã phần nào khắc họa đời sống tâm hồn phong phú đang dạng của người Trà Vinh chất phác.
Tục ngữ ở Trà Vinh, công trình sưu tầm được phân bố ở 02 tiểu loại: Tục ngữ về thời tiết và lao động sản xuất và Tục ngữ về con người sinh hoạt xã hội đời sống tinh thần.
Câu đố dân gian Trà Vinh cũng thể hiện sự phú về đề tài khi xuất hiện hầu hết ở các tiểu loại như: câu đố về các hiện tượng trong vũ trụ, câu đố về động vật, câu đố về thực vật, câu đố về người và hoạt động của con người, câu đố về đồ vật. Vè Trà Vinh có mặt ở tiểu loại Vè loài vật, đồ vật.
Xét về phương diện nghệ thuật, nhiều bài ca dao của Trà Vinh cũng đã đạt đến vẻ đẹp toàn bích. Những thủ pháp nghệ thuật cơ bản của ca dao cũng đã được vận dụng điêu luyện. Cách sử dụng điệp từ, điệp ngữ "Buồn rầu, buồn rĩ, buồn nỉ, buồn non" giúp người đọc hình dung nhiều cung bậc trong nỗi buồn của nhân vật trữ tình. Đại từ xưng hô quen thuộc trong lời ăn tiếng nói của người Nam Bộ xưa cũng thấy xuất hiện trong ca dao Trà Vinh như: bậu, qua, tui, mình… kết hợp với những khẩu ngữ như: đươn bội, đặng, phanh thây, nhánh, bảnh, rảnh… đã tạo nên âm sắc Nam Bộ đậm nét. Sự tích Ao Bà Om không chỉ lưu truyền ở phạm vi Trà Vinh mà có mặt ở nhiều địa phương khác ở ĐBSCL như là một truyền thuyết tiêu biểu về địa danh. Có những truyện mang màu sắc thần thoại như: Ông Trời, Sự hình thành loài người… nhiều câu tục ngữ hay thể hiện những chiêm nghiệm của người Trà Vinh trước những vấn đề mang đậm triết lí nhân sinh.
Tuy nhiên có thể thấy, do hạn chế khách quan về nhân lực và điều kiện đi điền dã nên việc sưu tầm các văn bản văn học dân gian ở Trà Vinh trong công trình Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long chỉ ở diện hẹp (sưu tầm tại huyện Châu Thành và thành phố Trà Vinh) và số lượng còn quá ít, chưa phản ánh được hết diện mạo của nền văn học dân gian phong phú đa dạng của tỉnh Trà Vinh. Thế nên việc làm cần kíp hiện nay là các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng tổ chức những hoạt động điền dã sưu tầm văn học dân gian Trà Vinh có bài bản và hệ thống. Sau đó cố định lại trên văn bản bằng những thao tác khoa học nhằm tạo thành nguồn tư liệu đáng tin cậy trong việc phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn học dân gian Trà Vinh của đại bộ phận độc giả cũng như phục vụ nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu. Đây là việc làm mang ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn những giá trị quý giá của văn học dân gian Trà Vinh nói riêng cũng như văn hóa dân gian của Trà Vinh nói chung.
TRẦM THANH TUẤN
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.