16/02/2022 06:24
Thơ 1-2-3 là thể thơ mới thuần Việt, vừa tự do vừa quy phạm, không phải người làm thơ nào cũng dễ đồng cảm và thể hiện, nếu không tìm tòi khám phá, đam mê thử sức. Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 03 đoạn, 06 câu. Đoạn 1 chỉ có 01 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện. Đoạn 2 có 02 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 03 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị. Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm của tác giả muốn biểu hiện.
Thơ 1-2-3 của Nguyễn Đinh Văn Hiếu tạo được giọng điệu riêng, chất chứa những trầm tích văn hóa đồng bằng sâu đậm, đặc biệt là với Trà Vinh, mảnh đất đã cưu mang tâm hồn thi nhân. Trong số 111 bài thơ được tuyển chọn trong tập “Thủ thỉ phù sa”, đề tài về đất và người Trà Vinh chiếm vị trí trang trọng. Anh đã thả hồn mình trong “Đêm Tân Quy ngồi mạn xuồng nghe kể bối trên sông”, đắm say trong “Ao Bà Om huyền thoại lung linh chuyện tình”, rồi ngẩn ngơ khi “Lạc em giữa chiều Ba Động mênh mang”. Và với chàng thi nhân đa tình thì mảnh đất Trà Vinh luôn gợi thương gợi nhớ để chàng quyết tâm “Theo em qua Long Bình một tối mưa”. Những trầm tích văn hóa Khmer cũng làm say đắm người thơ “Khi đèn lồng gió lên cao”. Để rồi Nguyễn Đinh Văn Hiếu trở về hoài niệm trước những di sản của danh cầm Bảy Bá với “Tìm tiếng đàn hay tiếng lòng tri kỷ phương xa?”. Vẻ đẹp của những hàng cây nội thị cũng khiến lòng anh ngẩn ngơ tìm về “Lang thang ngắm rừng trong phố” và với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn anh đầy tình tự trong “Con sông Cần Chong ngăn ngắt mấy lời thề”…
Từ huyền thoại quen thuộc, thắng cảnh Ao Bà Om đã xuất hiện trong thơ 1-2-3 của Nguyễn Đinh Văn Hiếu với vẻ đẹp cuồn cuộn đầy sức sống “Mây mẩy vòm ngực căng tròn mồ hôi áp dính lần nếp áo/Cổ thụ cuồn cuộn nổi hòn bao ngần ấy vẻ đẹp trần gian” (Ao Bà Om huyền thoại lung linh chuyện tình).
Đọc thơ 1-2-3 của anh, người đọc hình dung nên sự hòa hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên đất trời và vẻ đẹp của con người. Đọc bài thơ “Đêm Tân Quy ngồi mạn xuồng nghe kể bối trên sông”, người đọc khoái trá trước những câu thơ giàu liên tưởng thú vị “Nâng chén rượu ngang mày uống phù sa cạn cùng bồi bãi”. Câu thơ giản dị nhưng hàm chứa những dấu ấn văn hóa của con người Nam Bộ sâu sắc.
Có thể nói bài thơ “Con sông Cần Chong ngăn ngắt mấy lời thề” là bài thơ gan ruột, đậm chất tự sự và cũng có thể là lý do để tác giả đặt tên cho tập thơ là “Thủ thỉ phù sa”: “Theo từng chuyến lúa chất đầy ghe hồi ba quen má/Nắng vịn đầu ngọn sóng tưởng hồng hào duyên con gái/Chỉ vậy thôi mà hơn bốn mươi năm nồng đượm nghĩa cau trầu/Má nuôi ba ốm đau, ba chăm má khi trở trời trái gió/Tối thủ thỉ nước lớn ròng nuôi sông đắp đổi phù sa”. Sự xúc động được bện chặt trong những câu thơ đơn sơ mộc mạc và nổi lên cả là lòng thủy chung son sắc của nghĩa vợ tình chồng.
Bài thơ “Theo em qua Long Bình một tối mưa” tái tạo nên những vẻ đẹp của không gian văn hóa Trà Vinh, nơi hội tụ giao hòa của nhiều nền văn hóa: “Rượu Xuân Thạnh đầu bờ mới nhấm đã tê đầu lưỡi/Miếng tôm khô Vinh Kim mặn mòi thấm dịu bờ môi/Rẽ giồng cát hai bên xanh mượt đưa anh vào phum sóc/Hôi hổi nồi canh xiêm lo rau rừng khói bốc đến tận lòng/Kèn trống rộn ràng xui điệu Răm Vông phập phồng mưa ấm”.
Người Trà Vinh tự hào về những hàng cây cổ thụ trong nội ô, là rừng trong phố. Những hình ảnh thân thuộc ấy cũng đã đi vào thơ 1-2-3 của Nguyễn Đinh Văn Hiếu thật tự nhiên: “Cổ thụ vươn mình chọc thủng trời xanh/Cánh hoa dầu xoay xoay miền ký ức/Trà Vinh gọi những con đường nội ô bằng số/Dọc hàng me ngập trắng hoa sao/Mấy bận tan trường, rừng trong phố lao xao” (Lang thang ngắm rừng trong phố).
Gấp lại tập thơ, mở ra trong trí người đọc bao suy nghĩ. Suy nghĩ về một thể thơ mới và những khả năng của nó trong tương lai. Dẫu rằng chưa có thể khẳng định điều gì nhưng những gì được thể hiện trong tập “Thủ thỉ phù sa”, Nguyễn Đinh Văn Hiếu xứng đáng được xem là đại biểu làm sáng giá một thể thơ mới đang dần định hình trên thi đàn.
BÁCH CÁT
Qua 02 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24/11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024 thành công tốt đẹp.