20/08/2023 09:02
Từ xóm nhìn ra cánh đồng rộng thông thống hút tầm nhìn, đúng nghĩa “đồng không mông quạnh”, chỉ lác đác vài chòi lá nho nhỏ, làm nơi đục mưa tránh nắng cho người ra đồng làm ruộng hoặc trẻ chăn trâu. Người nông dân hồi đó nghèo, luôn tham công tiếc việc và tiện tặn trong tiêu xài. Sáng sớm, khi gà gáy bận hai, mọi người đã thức dậy ăn cơm đầy bụng, ra tới ruộng khi trời chưa sáng bửng và mãi tới lúc tối mịt mới trở về. Lúc mặt trời đứng bóng, người ta vào chòi lá ăn bữa trưa rồi ngả lưng ra đất đánh một giấc dưỡng sức cho buổi làm chiều.
(Nguồn ảnh: thanhnien.vn)
Ngày đó, cá tôm còn đầy ngoài ruộng. Người đi làm đồng chỉ giở theo nồi cơm nấu sẵn vừa sức ăn với số người ra ruộng, kèm một ít muối hột, vài trái ớt, trái chanh - thức ăn thì “thiếu chi ngoài ruộng”. Gần tới bữa trưa, một người trong gia đình bỏ công việc, men theo bờ đìa cắm vài cần câu hoặc lội xuống, vẹt đám lác ngả rạp phủ mặt nước, lần tay mò vào các hang hốc là ê hề cá tôm tươi roi rói. Còn rau xanh cứ tiện tay thì bứt, dưới ruộng có rau muống, trên bờ có đọt lứt, dọc bờ đìa có đọt cách, rau má, ra triền sông thì bao la đọt choại, đọt chiếc, đọt vừng… toàn những thứ bây giờ được liệt vào hàng đặc sản.
Đám con nít chăn trâu chúng tôi cũng vậy, suốt ngày lang thang theo đuôi trâu hết cánh đồng này sang cánh đồng khác với những vật dụng bất ly thân là chiếc roi trâu, miếng nhựa che mưa và một gà mên (gàu mên) cơm trắng. Buổi trưa, khi bầy trâu xuống đầm nằm tránh nắng là cả bọn túm tụm vào căn chòi lá hoặc bóng mát gốc cổ thụ nào đó, chuẩn bị cho bữa ăn. Trong đám, thế nào cũng có tay “sát cá”, không đợi ai phân công, tình nguyện xăng xái một mình lo cái ăn cho cả bọn. Một lát sau hắn về, trong cái quần dài cột túm hai ống vắt ngang qua cổ, óc ách những cá rô, cá trê, cá lóc…
Giữa đồng, một đám con nít mới lớn, không xoong nồi, không gia vị, không dầu mỡ, hễ kiếm được cá nào thì làm món ấy, vậy mà ngon không chê vào đâu được. Bây giờ, khi đã bước vào tuổi lên ông, nhiều đứa công thành danh toại, thường xuyên những bữa tiệc toàn sơn hào hải vị, nhưng cứ mỗi lúc gặp nhau là nhắc những bữa trưa giữa đồng, giọng điệu cứ như đã mất đi món ngon không thể nào tìm lại được. Trong đó, đứng đầu bảng là cá lóc nướng trui chấm muối ớt.
Cá lóc bắt từ ao đìa lên mập lù, vảy óng mượt được để nguyên chỉ rửa cho sạch bùn sình bên ngoài, rồi lấy một thanh tre cỡ ngón tay cái, xuyên từ miệng tới đuôi cá, cắm cho miệng cá quay xuống đất. Gặp lửa nóng, cá giãy mạnh, bao nhiêu nhớt tanh bên trong mình cá chảy hết ra theo đường miệng cá. Chỗ nướng cá chỉ cần khô ráo và tránh được hướng gió, giúp cá dễ chín. Một đứa rảo chung quanh, quơ rơm rạ hoặc cỏ khô, phủ lên chung quanh mình cá. Nếu con cá khá lớn, chịu khó dùng cỏ khô quấn thêm quanh đoạn tiếp giáp giữa đầu và thân cá, rồi phủ thêm lớp rơm bên ngoài. Cỏ khô khi cháy, than đượm hơn rơm, tạo nhiệt âm ỉ sâu vào bên trong thân cá, ruột cá. Cứ đợi chừng năm ba phút, than tàn dần rơi xuống đất, để lộ những chú cá dựng ngược, toàn thân đen trùi trụi muội than. Muốn thử cá thật chín chưa, chỉ cần lấy tay bóp nhẹ vào đoạn tiếp giáp đầu và thân cá, cảm giác mềm mịn là ngon lành, còn nếu vẫn hơi cứng, cứ việc quấn thêm lớp cỏ hoặc rơm vào vị trí đó mà đốt thêm một lần lửa.
Sau khi cá thiệt chín, các cu cậu chia nhau nhổ những thanh tre lên khỏi mặt đất, tay giữ đầu thanh nơi miệng cá, tay còn lại lấy ít rơm quét nhẹ lên mình cá, hướng từ đuôi lên đầu. Một lượt quét, muội than và vảy cá cháy vụn rơi nhẹ ra, để lộ mình cá màu nâu đất lẫn chút chân vảy màu đen còn sót lại. Tất cả số cá nướng được bày nằm sấp song song trên tàu lá chuối đã lau sạch. Chung quanh là đủ loại rau rừng, có thêm trái bần vừa vãnh mầu, cả nhánh ớt rừng vừa xanh vừa chín… và không thể thiếu nắm muối hột được cà ra cho bể bảy ba. Không chén dĩa, không muỗng đũa, chỉ toàn tay và tay.
Vào tiệc (đơn sơ thôi, nhưng với đám con nít tụi tôi hồi đó, đúng là tiệc), một cu cậu sành lấy hai tay tách lưng cá ra hai bên, dọc theo mình cá, từ đầu xuống tới đuôi, rồi nhón xương sống cá bỏ ra bên ngoài. Thịt cá trắng phau, ráo hoãnh, thơm phức, còn nhẹ bốc khói khiến cả đám nôn nao thò tay vào bốc, bẻ. Thịt cá ngọt lừ kèm chút da cá đăng đắng chấm vào muối mằn mặn, tiện tay lấy thêm chút rau rừng tất cả cho vào miệng, rồi cắn thêm chút ớt rừng cay cay. Đối với người lớn tuổi, cá lóc nướng trui quý nhất là bộ lòng và cặp trứng, thường dành cho những bậc trưởng thượng; còn đối với đám trẻ giữ trâu chưa có sự phân biệt tuổi tác, trên dưới nên bộ lòng cá là phần của đứa bỏ công bắt cá còn cặp trứng dành cho đứa nhỏ nhất trong đám. Cá nướng trui là thức ăn chung, còn cơm thì của ai giở theo nấy ăn, đôi khi cũng san sẻ qua lại giữa người thừa người thiếu. Suốt bữa ăn, tiếng cười đùa, chọc ghẹo nhau, thậm chí trêu chọc cả cha mẹ, anh chị nhau cứ rộn rã, ríu rít. Cả cá và cơm nhanh chóng sạch sành sanh, mà đứa nào đứa nấy vẫn còn thòm thèm, lại hẹn nhau trưa hôm sau tụ lại.
Không riêng đám trẻ giữ trâu mà cả người lớn đi làm đồng, khi bắt được cá lóc cũng ăn món lóc nướng trui y hệt như thế. Ngày đó, người ta ít nhậu, món cá lóc nướng trui hấp dẫn là vậy nhưng cũng chỉ ăn với cơm, chỉ vài cụ có tuổi khi được kính nhường bộ lòng cá mới nhâm nhi một hai ly cho đỡ đắng miệng.
Ngày nay, gần như khắp vùng đô thị cho tới nông thôn Nam bộ đều có khá nhiều nơi chuyên nướng bán cá lóc nướng trui cho thực khách mang về. Có điều, cá lóc đồng ngày càng khan hiếm nên hầu hết đều là cá nuôi, được vèo rộng lại một thời cho thịt cá săn lại, bớt mỡ và bớt tanh. Thậm chí, người ta còn xiên nguyên đoạn sả gốc vào ruột cá trước khi nướng, với hy vọng mùi sả sẽ khử mùi cá nuôi. Thay vì nướng rơm, người ta nướng bằng than đước trên những cái bếp lớn, cá cũng để nguyên con trên chiếc vỉ và trở liên tục cho cá chín thật đều.
Thoạt nhìn, Cá nướng trui bằng bếp than có vẻ vệ sinh, da cá ít muội than bám nên trông bắt mắt hơn. Kèm theo con cá lóc nướng trui kiểu này, thực khách còn được kèm rau cải, nước mắm chua, mắm tép, cẩm tương, bánh tráng, bún… rất tiện lợi. Tuy nhiên, khi về mở cá ra vẫn nghe hăng hăng cái mùi tanh và thịt cá nhão, bộ lòng cá được bao bởi một lớp mỡ dầy đặc trưng của cá nuôi, rất ngậy và ngán. Ăn thì ăn nhưng không thể qua được con cá lóc nướng trui lửa rơm chấm muối hột giữa đồng thời thơ ấu.
Xem tivi, những chương trình quãng bá du lịch, thấy một số tua tuyến ở miền Tây Nam bộ đưa vào sản phẩm du khách tham gia tát mương bắt cá lóc lên, tự tay (hoặc nhờ nhân viên điểm du lịch phục vụ) nướng trui ngồi ăn giữa cảnh đồng quê khá hấp dẫn. Thế hệ những người lớn tuổi, vì cuộc mưu sinh bỏ quê lên thành, giờ được trải nghiệm lại những “bữa tiệc” thời ấu thơ thì vui lắm nhưng khi đưa miếng cá nướng vào miệng mới tá hỏa, giờ để phục vụ mộc cách đại trà, ngày này qua ngày khác thì làm gì có con cá đồng thực thụ, thậm chí điểm du lịch mua lại nguồn cá nuôi, thả xuống đêm trước thì ngày sau mời du khách cùng tát đìa bắt cá…
Trời thông ngọn chướng, mùa khô đã bắt đầu, một cái Tết nữa lại sắp về, bọn chúng tôi không khỏi bùi ngùi hướng về cánh đồng tuổi thơ, nhớ lắm món cá lóc nướng trui!
TRẦN DŨNG
Điểm nhấn của Festival Ninh Bình là sự kiện khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 24/11/2024 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình với chủ đề “Dòng chảy di sản”.