19/08/2020 06:55
Soạn giả Huỳnh Thanh Tuấn sinh trưởng tại xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Bắt đầu cầm bút từ năm 1985 với bài hát “Cánh hoa bay”. Đó là tác phẩm khởi nghiệp của Huỳnh Thanh Tuấn và từ “Cánh hoa bay” đó như đã chấp cánh cho anh bay cao và bay xa hơn trong sự nghiệp sáng tác của mình. Đến nay, anh đã có khoảng 70 kịch bản cải lương, hơn 100 bài vọng cổ, trong đó có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn với công chúng. Nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong giới mộ điệu cải lương không chỉ bó hẹp trong đời sống nghệ thuật Nam Bộ mà còn lan tỏa ra khắp cả nước.
Để đánh dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật bền bĩ của mình, năm 2006, Soạn giả Huỳnh Thanh Tuấn đã cho in tập ca cổ “Về lại khúc sông quê” với 21 tác phẩm gồm: 19 bài vọng cổ, 01 bài viết theo điệu Tây Thi và 01 bài viết theo điệu lưu Thủy trường.
Vẫn trung thành với "giọng văn chân phương, bình dị" (nhận xét của Soạn giả Viễn Châu), Huỳnh Thanh Tuấn đã có những bài vọng cổ đi sâu vào khám phá tình đất tình người Trà Vinh như: Làng Biển, Bến Giá, Cầu Ngang ơi mai tôi về, Giặt áo bên sông, Nói với em…Bên cạnh đó thơ ca của các nhà thơ như: Lê Tân, Hàn Mặc Tử, Hồng Nguyên, Hồng Thủy Nguyên, Dương Thanh Thanh cũng là nguồn cảm hứng để soạn giả tạo tác nên những bài vọng cổ thể hiện sự đồng điệu sâu sắc giữa thơ ca và âm nhạc qua những bài ca như: Đây thôn Vĩ Dạ (thơ Hàn Mặc Tử), Ngày ấy…chị tôi (thơ Hồng Thủy Nguyên), Bông mua nở dọc đường chiều anh trở lại (thơ Lê Tân), Cô gái Huế làm dâu Cửu Long (thơ Dương Thanh Thanh)…
Những tác phẩm của Huỳnh Thanh Tuấn luôn nhất quán trong việc thể hiện sự giao hòa giữa tình cảm riêng tư với trách nhiệm chung đối với quê hương đất nước, Tình yêu đôi lứa trong đa phần các tác phẩm của anh đều thể hiện vẻ đẹp thuần hậu chân chất của người đồng bằng sông Cửu Long nhưng cũng không kém phần thiết tha, sâu sắc. Soạn giả Viễn Châu đã nhận định xác đáng " Con người bình dị cũng như văn phong đạm nét chân quê giàu đạo lí, nghĩa nhân, đó là điểm so văn nghệ của cây bút vọng cổ đất Trà Vinh: Huỳnh Thanh Tuấn".
Tập ca cổ Về lại khúc sông quê, có thể xem như lời tạ tình chân thành đằm thắm với quê hương xứ sở. Nhiều bài hát trong tập này đã được nhiều nghệ sĩ lớn trình diễn. Có lần người viết đã lặng người thật lâu khi nghe nghệ sĩ Phương Hồng Thủy hát bài hát Cô gái Huế làm dâu Cửu Long (thơ Dương Thanh Thanh) trên sóng phát thanh. Tuy nhiên theo ý kiến của riêng người viết, với soạn giả vọng cổ cải lương, hạnh phúc lớn nhất là bài hát của mình được nhiều người mộ điệu từ không chuyên đến chuyên nghiệp trình diễn. Soạn giả Huỳnh Thanh Tuấn là một trong số nhiều soạn giả tài năng có được hạnh phúc này.
TRẦM THANH TUẤN
Trong các ngày từ 20 - 24/11, tại Đài Loan diễn ra Giải vô địch Bi sắt châu Á năm 2024. Tham gia giải đấu này có trên 60 vận động viên của 11 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á.