20/07/2021 05:30
Nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hoạt động nghệ thuật với các bút danh như: Hồ Đức Uy, Đông Hải, Phương Hồng, Anh Huy. Trong kháng chiến chống Mỹ, Lê Tân công tác tại Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Trà Vinh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đấy nước, ông là Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Cửu Long (1982 - 1991), Phó Trưởng ban Vận động thành lập Hội (1992 - 1994), rồi Chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Trà Vinh (1994 - 2006).
Nhà thơ Lê Tân quan niệm "Công việc làm thơ đối với tôi trước hết là nói lên sự rung động của tâm hồn mình, nhằm khám phá, phản ánh một cách sáng tạo hiện thực khách quan đan chéo, ngồn ngộn bên trong đời sống con người. Ở đó, thể hiện những khát vọng của con người đang vươn tới lý tưởng chân - thiện - mỹ", “Tôi làm thơ - là nói cái thực lòng nhào nặn những trang đời qua trang thơ bằng máu” (Thơ tôi).
Từ khi cầm bút đến nay, nhà thơ liên tục sáng tác, cho ra đời hơn 10 tập thơ, trong đó được bạn đọc chú ý như: Hoa nắng (1980), Với biển mênh mông (1985), Thời gian trở lại (1987), Bài thơ tình không tên (1988), Hoa xương rồng trắng (1991), Cảm thức và hai nửa vầng trăng (1994), Tiếng chim báo nước (2000), Tự khúc (2006)…
Thơ Lê Tân thể hiện nhãn quan nhanh nhạy và sắc bén của người cầm bút trước hiện thực chiến đấu trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và quá trình xây dựng đất nước sau khi nước nhà độc lập. Nghệ thuật thơ Lê Tân không có những cách tân câu chữ táo bạo nhưng lại chinh phục người độc bởi lối viết chân chất hồn hậu của một cây bút được hun đúc từ cái nắng cái gió của miền Duyên Hải quê hương. Phải chăng vì điều này mà nhà thơ Thanh Thảo sau khi đọc bài thơ Nhớ đồng của nhà thơ Lê Tân đã nhận xét: "Đó là những câu thơ hồn hậu nhưng tinh tế, đọc lên là thấy ngay hình ảnh những xóm làng Nam Bộ với màu trời buổi chiều tim tím màu hoa lục bình"? (Như những dấu chân chim).
Năm 2011, NXB Hội Nhà văn đã ấn hành tập "Thơ Lê Tân tuyển chọn". Đây có thể xem là tập thơ tinh tuyển lại những bài thơ ưng ý của nhà thơ sau hành trình bền bĩ sáng tác gồm 100 bài thơ. Nhà thơ Lê Tân là người có quá trình hoạt động văn học nghệ thuật lâu dài, bền bỉ tại Trà Vinh. Tác phẩm của ông luôn thể hiện khát vọng dấn thân của người làm thơ hòa chung vào con đường cách mạng kháng chiến của toàn dân tộc. Đó là những bài thơ ghi lại những kỷ niệm trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đầy hy sinh gian khổ như: Bà mẹ Đôn Châu, Sa Văng, Ông già canh giữ nghĩa trang, Đi tìm dấu vết nhà âm, Bông mua nở dọc đường chiều anh trở lại…
Không những thế, Nhà thơ lê Tân còn dành nhiều tình cảm đặc biệt khi viết về những đổi thay của quê hương, đất nước trong những năm tháng xây dựng hòa bình như: Màu xanh cồn Bần Chát, Phác thảo bức tranh cò, Phác thảo Sài Gòn, Nhà máy ven rừng… Nhà thơ cũng đã kịp "ký họa cảm xúc" của mình thành những vần thơ về những miền đất mà tác giả đã có dịp đặt chân tới như: Bạch Đằng Giang, Ghi ở Tân Trào, Hai tiếng Cần Thơ, Đêm ngủ ở An Bình, Đến Côn Sơn hầu chuyện Ức Trai…
Đặc biệt, với những nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của cha ông trong quá khứ như Bạch Đằng giang luôn khiến hồn thơ thổn thức tự hào. Bên cạnh những bài thơ mang đậm chất trữ tình công dân thì thơ Lê Tân cũng có xu hướng đào sâu vào những cảm hứng thế sự khi ông thể hiện sự trải nghiệm, suy tư, triết luận của mình trước những bồn bề của cuộc sống hiện thực như Nhớ đồng, Tiếng chim báo nước, Chuyện cây mắm và cây đước, Bây giờ ngoảnh lại, Khi những chiếc lá vàng rơi, Từ một câu ca dao miền biển…
Thơ tình cũng là mảng thơ ghi dấu trong tập thơ. Lê Tân đã dành một dung lượng đáng kể cho một đề tài muôn thuở - tình yêu đôi lứa như: Bài thơ tình không tên, Thơ tình bốn câu, Anh tự dối lòng mình, Tình ta, Bên em… Ngoài ra, ở Trà Vinh, Lê Tân là một trong những nhà thơ có thiên hướng thể hiện quan niệm về thơ ca của mình bằng chính những vần thơ. Điều này thể hiện rõ nét quan nhiều bài thơ thể hiện quan niệm thơ như: Thơ, Thơ và Biển, Thơ và nhà thơ, Với những bạn thơ yêu mến của tôi…
Xin khép lại bài viết bằng nhận định đồng điệu tri âm của Nhà văn Trần Dũng khi đọc thơ Lê Tân: "Sự chơn chất, hồn nhiên và tính thủy chung, son sắc chính là những chiếc đinh tường treo cuộc đời thơ Lê Tân vào nền thơ ca Việt Nam đương đại".
BÁCH CÁT
Thi đấu xuất sắc và giành được tổng cộng 14 huy chương, các vận động viên của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh 1 đã bỏ xa đoàn xếp thứ Nhì là Hà Nội.