12/04/2023 07:44
Mùa Chôl Chnam Thmây năm nay (lễ hội Vào Năm mới của đồng bào Khmer Nam Bộ, tháng 4/2023) cũng là dịp Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh kỷ niệm 60 năm thành lập và hoạt động (4/1963 - 4/2023). Đây là cơ hội để các thế hệ cán bộ, nhạc công, diễn viên của đoàn gặp gỡ, thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như thực tế cuộc sống của nhau, cùng nhau tưởng nhớ những thành viên của đoàn đã hy sinh trong kháng chiến, từ trần trong những năm tháng hòa bình.
Cũng trong dịp kỷ niệm này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Trà Vinh trân trọng ghi nhận sự trưởng thành, những cống hiến xuất sắc trên lĩnh vực nghệ thuật của đoàn, của từng nghệ sĩ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ, tạo ra bản sắc văn hóa đặc thù Trà Vinh trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất.
Tiết mục múa của diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh. Ảnh: BT
60 năm trước, cũng vào mùa Chôl Chnam Thmây năm 1963, tại giồng Cây Sanh, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè - quê hương của Người mẹ cầm súng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út (Út Tịch), Đoàn Văn công Khmer Ánh Bình Minh chính thức được thành lập trên cơ sở tiếp nhận, củng cố, nâng cao chất lượng nghệ thuật từ đội Văn nghệ quần chúng Khmer xã Tam Ngãi, vốn ra đời ngay sau thắng lợi của cuộc Đồng khởi 14/9/1960.
Người được Tỉnh ủy phân công xây dựng Đoàn Văn công Ánh Bình Minh buổi ban đầu ấy là ông Thạch Voi (Hai Voi), Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy cùng một số cán bộ cốt cán như Kim Sim (Chín Soái, tác giả), Àcha Kim, Phong Ba (họa sĩ), Năm Tri (đạo diễn), lục tà Khune (thầy đờn)…
Hơn 12 năm hình thành và hoạt động trong điều kiện chiến tranh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trang thiết bị của Đoàn cũng như của từng diễn viên khó khăn, thiếu thốn nhưng Đoàn Văn công Khmer Ánh Bình Minh đã nỗ lực dàn dựng nhiều chương trình kịch bản có giá trị như: Nghĩa tình trong giông tố (chuyển thể từ kịch bản cải lương của tác giả Thanh Lam, tức Hai Ốm), Người Giữ đền Cô hia (tác giả Thạch Chân)…
Đoàn đã tổ chức hàng ngàn buổi biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ cách mạng của quần chúng, nhất là quần chúng Khmer, từ những cuộc hội nghị mừng công, liên hoan, buổi tiễn thanh niên gia nhập các đơn vị bộ đội… khắp vùng giải phóng, vùng tranh chấp ở các huyện trong tỉnh. Khi các đơn vị bộ đội tỉnh vào chiến dịch, Đoàn Văn công Khmer Ánh Bình Minh bám sát chiến hào tổ chức biểu diễn, thậm chí nhiều lúc biểu diễn sát hàng rào đồn bót địch. Cũng có những đêm diễn của Đoàn buộc phải tạm ngưng vì bom pháo chụp vào.
Những nghệ sĩ Đoàn Văn công Ánh Bình Minh giai đoạn này, không chỉ là “người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” đem lời ca tiếng hát đến với công chúng mà còn thực sự là người chiến sĩ vũ trang, chống địch càn quét hoặc bám địa bàn, bám dân là công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Nhiều cán bộ, nghệ sĩ của đoàn đã hy sinh hoặc trở thành thương binh, tiêu biểu như: liệt sĩ Trưởng đoàn Thạch Tês; các liệt sĩ diễn viên Kim Dứt, Sà Vọn, Chan Sô, Kim Quân, Thạch Thị Sary, Thạch Sôrya…
Trải qua gần 50 năm hoạt động liên tục trong giai đoạn hòa bình, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã đạt được nhiều thành tích to lớn. Chỉ tính riêng trong giai đoạn đổi mới đất nước, Đoàn đã dàn dựng gần 50 kịch bản ca kịch dù kê và 15 chương trình ca múa nhạc. Qua những lần tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, Đoàn đã giành tổng cộng 28 Huy chương Vàng, 32 Huy chương Bạc cùng nhiều giải thưởng khác; Có 09 nghệ sĩ của Đoàn đã được đã được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú: Thạch Chân, Thạch Sết, Kim Thịnh, Thạch Đơ, Thạch Sung, Kim Nghinh, Thach Thị Thal, Thạch Thị Hà, Thạch Thị Sisaviet. Về công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc, đoàn đã tổ chức sưu tầm, chỉnh lý, hệ thống và thể nghiệm thành công việc đưa những giai điệu dân ca Khmer tưởng đã thất truyền vào sân khấu hiện đại, góp phần quan trọng vào việc phát triển nghệ thuật biểu diễn dân tộc Khmer Nam bộ lên tầm cao mới. Giải thưởng Hoàng Mai Lưu là phần thưởng ghi nhận sự đóng góp của đoàn trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân tộc. Năm 1979, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; năm 1998 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2000 được Đảng và Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là đơn vị nghệ thuật duy nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhận được danh hiệu cao quý này. |
Với những đóng góp to lớn đó, Đoàn Văn công Khmer Ánh Bình Minh đã được Trung ương cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Khu ủy khu Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Trà Vinh tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương như: 02 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 01 Huân chương Giải phóng hạng Nhì và lá cờ có dòng chữ “Tiếng hát át tiếng bom”.
Sau ngày giải phóng miền Nam 1975, Đoàn Văn công Khmer Ánh Bình Minh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm, chăm lo đầu tư trở thành đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mang tên Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, thực hiện các chức năng chính: biểu diễn doanh thu phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của quần chúng; bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật sân khấu Khmer Nam Bộ; đào tạo các thế hệ diễn viên, nhạc công người dân tộc. Trong đó, xem việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc là trọng tâm, là nhiệm vụ chính trị số một.
Để thực hiện tốt các chức năng trên, Đoàn đã triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm vốn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer Nam Bộ, nhất là nghệ thuật biểu diễn (ca múa nhạc, sân khấu truyền thống), từng bước có những thể nghiệm thành công trên sân khấu hiện đại. Bên cạnh đó, Đoàn cũng chú trọng công tác điều tra, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu thưởng thức âm nhạc, sân khấu của quần chúng để xây dựng chương trình kịch mục phù hợp. Nhờ đó, trong tình hình khó khăn chung của ngành sân khấu cả nước mấy thập kỷ qua, Ánh Bình Minh vẫn có lượng khán giả thường xuyên, vẫn có số đêm sáng đèn sân khấu trong mỗi tháng thuộc hàng cao nhất trong các đoàn nghệ thuật cả nước. Không chỉ biểu diễn tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh còn thường xuyên lưu diễn khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, qua miền Đông Nam Bộ (Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), ra cả miền Trung (Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận), miền Bắc (Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình)…Trong bối cảnh chung các đoàn nghệ thuật cấp tỉnh thường phải về vùng nông thôn sâu tìm “đất sống” thì Ánh Bình Minh vẫn đường hoàng xuất hiện khắp các thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Điều đáng nói là, khác với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp khác khi tổ chức các chuyến lưu diễn là chủ yếu nhắm vào doanh thu, Ánh Bình Minh còn hướng tới mục đích giới thiệu, quảng bá nghệ thuật sân khấu truyền thống Khmer Nam Bộ đến với rộng rãi công chúng cả nước. Không những vậy, ngay sau năm 1979, đất nước Campuchia vừa thoát khỏi họa diệt chủng do tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Sary gây ra, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh nhận nhiệm vụ sang Campuchia vừa biểu diễn phục vụ, vừa tuyên truyền tính chính nghĩa của bộ đội, chuyên gia tình nguyện Việt Nam cũng như tình đoàn kết thủy chung Việt Nam - Campuchia lại vừa giúp bạn gom góp những “đốm lửa” nghệ thuật còn sót lại để xây dựng nền nghệ thuật sân khấu biểu diễn cho đất nước Campuchia sau này (tất nhiên, qua đó, các nghệ sĩ trong đoàn cũng tiếp thu, học tập cái hay, cái đẹp của nghệ thuật nước bạn về bổ sung, phát triển tay nghề, chất lượng nghệ thuật của mình).
Để nâng cao trình độ sáng tác, dàn dựng, biểu diễn và quản lý, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh luôn được lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quan tâm, tạo điều kiện tổ chức tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Xuất phát từ điều kiện đặc thù của loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, bên cạnh việc đào tạo theo hệ thống trường lớp tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Khoa Văn hóa nghệ thuật dân tộc thuộc Trường Đại học Trà Vinh… đoàn vẫn thường xuyên tổ chức tự đào tạo theo hình thức truyền nghề, truyền kinh nghiệm giữa các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân. Không những vậy, một số nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng của Đoàn thường xuyên được mời giảng dạy, truyền nghề cho các đoàn nghệ thuật Khmer các tỉnh, thành bạn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Quá trình 60 năm (1963 - 2023) hoạt động liên tục trong nhiều điều kiện khác nhau, từ cuộc chiến tranh ác liệt nhiều mất mát hy sinh của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nhiều năm biểu diễn phục vụ trên đất nước bạn Campuchia, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh đã có những cống hiến xuất sắc trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân Khmer Nam Bộ, động viên đồng bào Khmer đoàn kết keo sơn với các dân tộc anh em, đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung của Nhân dân cả nước.
Trên lĩnh vực chuyên môn, Đoàn là một trung tâm hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật biểu diễn (sân khấu, âm nhạc, múa dân tộc…) truyền thống của dân tộc Khmer Nam Bộ cũng như giới thiệu, quảng bá những giá trị mang tính bản sắc này đến với cộng đồng các dân tộc anh em trên cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm cho nền văn hóa Việt Nam thống nhất.
TRẦN DŨNG
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của tác giả Sang Sết trong quyển Sự hình thành và phát triển Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh).
Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, khẩn trương, chu đáo, hôm nay, tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Liên đoàn bóng đá Việt Nam, được sự quan tâm chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Gia đình Việt Nam và Công đoàn Cục báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức khai mạc Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc - Press Cup lần thứ 08 năm 2024.