25/01/2022 10:23
Ảnh minh họa.
Kho tàng vọng cổ Viễn Châu ít viết về mùa xuân, có chăng là những bài tân cổ giao duyên, như: Ước nguyện đầu xuân, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Câu chuyện đầu năm,… viết nhưng năm sau này. Tôi vẫn ấn tượng bài vọng cổ nổi tiếng của ông viết về mùa xuân xứ người - Xuân đất khách. Bài vọng cổ này, lần đầu tiên, tôi biết và học thuộc là trên Tuần báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, đăng ở chuyên mục “Những bài vọng cổ ưa thích”.
Không khó lắm để học thuộc lòng những bài vọng cổ như thế. Từ tâm trạng của một người ly hương, khi mỗi lần, đến sân bay ngắm những chuyến bay lần lượt cất cánh, nhớ cảnh mình khi xưa khăn gói ra đi, bôn ba luân lạc xứ người, đến ước nguyện một ngày về, thăm thú cảnh quê hương. Tất cả để lại nét ngậm ngùi bâng khuâng luyến tiếc:
Con chim sắt đã lao mình trong khói trắng
Bỏ lại nơi này tâm sự kẻ ly hương
Tôi đứng đây để mà nhớ mà thương
Mà chờ đợi ngày về trong mộng tưởng
Không tiễn đưa ai bởi không có ai để mình đưa tiễn, cứ sao những chiều mưa lạnh tôi vẫn đến đây để nhìn phi cơ cất cánh rồi khuất dần trong khói trắng sương… mờ
Phải chăng nhớ quê hương và trông đợi ngày về
Thảng thốt nhận ra nỗi niềm mình đối chiếu cảnh xứ người và những cảnh hiển hiện trước mặt làm xốn xang, nhức buốt kẻ ly hương khôn tả. Mong ước ngày về là mong ước có thật. Nhưng để biến mong ước ấy thành sự thật là một khoảng cách vô cùng tận, về địa lý, về tình cảnh, về hoàn cảnh, và về những chuyện không thể nói?
Đất khách bơ vơ, lạ bốn bề
Nên lòng cứ mãi nhớ thương quê
Mùa xuân về nữa, xuân về nữa
Tuyết trắng rơi nhiều, dạ tái tê
Gam màu thêm chút sắc xuân tươi trong hồi tưởng nét văn hóa quê hương qua các đặc sản:
Dưa hấu Gò Công, bưởi ngọt Biên Hòa, rượu Bà Điểm, nem chua Thủ Đức, cam Cái Bè, măng cụt Lái Thiêu. Múi sầu riêng ngon ngọt biết bao nhiêu, cơm nấu gạo nanh chồn thơm bát ngát. Mùi hương khói lẫn trong tiếng pháo, mấy cành mai nở rộ đón giao thừa
Rồi để lại chung cuộc vẫn là nỗi bùi ngùi xuân đất khách bao lần mấy lượt lần lữa vuột xuân trôi:
Xuân năm trước rồi hẹn mùa xuân tới, xuân năm này lại hẹn đến xuân sau. Âm thầm năm tháng qua mau, Xuân này đến nữa là bao xuân rồi.
Nóc giáo đường lạnh lẽo đứng chơ vơ vài chiếc lá vật vờ bay trước gió, tuyết rơi trắng xóa bên cầu, mùa xuân đất khách ai sầu hơn ai.
Góc nhỏ ít người biết về soạn giả Viễn Châu là ông cũng viết truyện, làm thơ. Báo chí Sài Gòn từng đăng truyện ngắn và thơ của ông. Sau này, truyện ngắn và thơ Viễn Châu thi thoảng xuất hiện trên Tuần báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Ông viết truyện và thơ không nhiều. Có lẽ, nhiều thứ không truyền tải hết được qua những tuồng cải lương, những bài ca vọng cổ, Viễn Châu tìm đến truyện ngắn, nhất là thơ.
Tâm trạng thơ Viễn Châu đau đáu nỗi ưu hoài quê hương, cố quận:
Cánh chim về tổ chở mây xa
Cổ thụ nghiêng nghiêng dưới nắng tà
Người đẹp đi rồi, cây nhớ bóng
Ao Vuông còn đọng dấu hài hoa. (Ao Bà Om)
Lâu lắm rồi, buổi trước
Mới mười chín tuổi đầu
Mang nỗi buồn tang tóc
Ngậm ngùi xa Đôn Châu.
………………………….
Trông lên hàng cổ thụ
Hiu hắt lá vàng bay
Nhìn cây mình khẽ nói:
Ai già nua hơn ai?
Sao mi tràn nước mắt
Khi thờ thẫn trên đường
Bỗng dưng mình chợt nhớ
Vì đây là quê hương.
(Tình quê hương, 1996)
Chiêm nghiệm tình đời, tình yêu, kiếp cầm ca người nghệ sĩ là đề tài thường nhật trong thơ ông. Những bài như: Chinh chiến đây rồi biệt ải quan, Có ai còn nhớ Cẩm Giang không?, Tiễn đưa, Tâm sự loài hoa trắng, Tâm sự với lan, Tần Phi, Khóc Lạc đế, Nắn tiếng tơ đồng loạn gió thu, Dạ túy, U uất, Mấy cung đàn loạn, Nhắc làm chi nữa… Một số thơ, Viễn Châu viết tặng bạn như tặng Kiên Giang, viếng ngày giỗ thứ 30 của soạn giả Trần Hữu Trang, tặng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang, tặng Thiện Mộc Lan, viếng hương hồn nghệ sĩ Tám Thưa, tưởng nhớ Út Trà Ôn…
Câu đối tặng Kiên Giang, Viễn Châu viết:
Tâm huyết gởi tri âm gom mớ văn chương xây giấc mộng
Đất đai nhường trọc phú xé chồng bản thảo lợp lầu thơ.
Ông viết thơ về chính chuyện tình trong bài vọng cổ ông sáng tác:
Gió buốt về đây lạnh đất trời
Sương mờ nhỏ giọt lá thôi rơi
Con sông Ngã bảy buồn hiu hắt
Ghe chiếu Cà Mau khuất dạng rồi.
(Ghe chiếu Cà Mau khuất dạng rồi)
Những bài thơ Viễn Châu viết sớm nhất là vào khoảng năm 1949, sau vài năm ông đặt chân lên đất Sài thành. Những năm sau, khi viết vọng cổ, Viễn Châu lồng vào đó nhiều thơ, đoạn mở đầu, đoạn giữa nối câu 1, 2, đoạn giữa nối câu 5, 6, khổ cuối dứt vọng cổ, thơ khắp bài vọng cổ. Thơ trong vọng cổ là đặc sản của Viễn Châu, thiết nghĩ, có dây dưa ít nhiều từ những bài thơ đầu tiên và sau này của bậc tài danh xứ Trà Vinh.
HƯƠNG HÀO
Chiều nay (29/11), tại Sân vận động tỉnh (Phường 9, thành phố Trà Vinh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh khai mạc Giải vô địch bóng đá tỉnh Trà Vinh năm 2024. Đồng chí Cao Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đến dự và phát biểu khai mạc Giải.