23/12/2024 05:32
Bùi Cát Vũ tên thật là Bùi Văn Bê, sinh năm 1924 tại làng Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Do cha mất sớm, gia đình quá nghèo khó, nên sau khi học xong bậc tiểu học tại tỉnh lỵ Trà Vinh, dù học rất giỏi và đã thi đậu vào trường Trung học Mỹ Tho, nhưng cậu bé Bùi Văn Bê đành bỏ học, từ năm 13 tuổi đã phải lên Sài Gòn tự mình lao động kiếm sống (Nhân vật chí tỉnh Trà Vinh. Sở VHTT Trà Vinh ấn hành năm 2000, tr 7). Năm sau (1938), Bê được nhận vào làm chân chạy việc cho báo Dân chúng (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc ấy), với nhiệm vụ hàng ngày vác báo từ nhà in về xếp lại rồi mang đi giao cho các đại lý. Thấy Bê tuy nhỏ tuổi nhưng giỏi chữ nghĩa, lại chăm chỉ nên dần dần các anh lãnh đạo giao cho công việc sửa lỗi chánh tả cho bản in nên thường được gọi là “thầy cò moratte” và được anh em trong tòa báo gọi chết danh là “Cò Bê”. Chính giai đoạn này, anh cũng tập tành viết báo từ những câu chuyện thực tiễn trong đời sống bản thân thành ký sự nhiều kỳ “Sau ánh đèn điện Sài Gòn”, coi như tác phẩm đầu tay trước làng văn, làng báo cả nước.
Tháng 9/1939, Thế chiến thứ II nổ ra, thực dân Pháp áp dụng pháp luật thời chiến, đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, tiến hành đàn áp, khủng bố trắng. Báo Dân chúng bị đóng cửa, nhiều người của tòa báo, trong đó có “Cò Bê” bị bắt. Nhờ ở tuổi vị thành niên, lại có những vị luật sư có lòng ủng hộ nên Bùi Văn Bê được đưa về an trí tại quê nhà, dưới sự quản thúc của nhà cầm quyền địa phương.
Từ giữa năm 1943, đầu năm 1944, Bùi Văn Bê chính thức tham gia hoạt động cách mạng, dưới sự dìu dắt, phân công của nhà cách mạng Dương Quang Đông, người mà anh may mắn được quen biết hồi còn làm báo Dân chúng ở Sài Gòn. Tháng 8/1945, Bùi Văn Bê tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở tỉnh lỵ Trà Vinh.
Ngay sau đó, ngày 28/8/1945, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Trà Vinh được thành lập, Bùi Văn Bê được giao nhiệm vụ chỉ huy một trung đội Cộng hòa vệ binh thuộc Ban Quân sự tỉnh. Lúc này, cũng như nhiều tỉnh thành ở Nam bộ, chỉ huy các đơn vị vũ trang tỉnh Trà Vinh đều sử dụng biệt danh gắn với cấp hàm hạ sĩ quan mà họ có từ thời Pháp thuộc như Đội Châu (thượng sĩ Lê Văn Châu), Quản Nam (trung sĩ Bùi Hữu Nam), Cò Tương (cảnh sát Phạm Trung Tương)… riêng Cò Bê lại có nghĩa khác, là cò chánh tả nhà in chớ không phải là cảnh sát hay mật thám cũ.
Ngày 12/12/1945, thực dân Pháp xua quân đánh chiếm tỉnh lỵ Trà Vinh. Cò Bê được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị Cộng hòa vệ binh tỉnh phối hợp cùng quân dân các xã Long Đức, Hòa Thuận thiết lập mặt trận vàm Trà Vinh, cản bước chân kẻ thù. Dưới sự chỉ huy của ông, các đơn vị vũ trang cách mạng đã anh dũng chiến đấu, giữ vững trận địa trọn ngày đêm, tạo ra quỹ thời gian cần thiết để đại bộ phận lực lượng vũ trang, các cơ quan dân chính tỉnh và đông đảo người dân kịp thời sơ tán ra khỏi tỉnh lỵ, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”.
Đầu năm 1946, khi thực dân Pháp đánh chiếm xong địa bàn Trà Vinh, Tỉnh ủy, chính quyền và các đơn vị vũ trang tỉnh lui dần về căn cứ Khu 9 ở Cà Mau thì Cò Bê, với bí danh Bùi Cát Vũ, được lệnh “Xuyên Đông”, lên vùng rừng núi miền Đông Nam bộ, tham gia xây dựng bộ đội chủ lực miền. Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, Bùi Cát Vũ lần lượt đảm nhiệm cương vị Giám đốc Công binh xưởng miền Đông, rồi Tỉnh đội phó Thủ Biên (hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa nhập lại), trở thành “cặp bài trùng” với Khu bộ phó Huỳnh Văn Nghệ cùng những trận đánh, những chiến công lẫy lừng khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ, mà điển hình là Chiến thắng La Ngà (20/12/1948) tiêu diệt đoàn xe quân sự hơn 20 chiếc cùng những viên sĩ quan cấp cao của địch. Riêng Bùi Cát Vũ còn được biết đến với biệt danh “Võ Tòng Chiến khu Đ” với chiến công diệt cọp dữ ba móng từng là nỗi kinh hoàng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng Tân Uyên - Mã Đà - Cát Tiên.
Sau Hiệp định Genève, Bùi Cát Vũ tập kết ra Bắc, lần lượt đảm nhiệm chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn 311, rồi Trưởng ban Tác huấn Sư đoàn 330. Sau đó, ông được Quân đội cử đi học bậc đại học, rồi nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) chuyên ngành khoa học Pháo binh, tại Liên Xô. Về nước, Bùi Cát Vũ là Phó phòng Huấn luyện trường Sĩ quan Pháo binh, rồi Chủ nhiệm Khoa Pháo binh trường Quân sự Trung - Cao thuộc Bộ Quốc phòng (1961 – 1964).
Năm 1964, Bùi Cát Vũ lên đường về Nam chiến đấu, trở thành Tư lệnh bộ đội Pháo binh miền (1965-1972), rồi Tham mưu phó Bộ Tham mưu Quân Giải phóng kiêm Tư lệnh binh chủng Pháo binh miền (1972 - 1973). Ở những cương vị này, ông trực tiếp chỉ huy Đoàn Pháo binh miền phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực (Sư đoàn 5, Sư đoàn 7), bộ đội địa phương các tỉnh Biên Hòa, Bình Dương, Bình Long, Phước Long… chiến thắng các chiến dịch lớn như Bình Giã (01/1965), Đồng Xoài (7/1965), An Lộc (4/1972), sân bay Biên Hòa (5/1972)…
Theo yêu cầu chiến trường, ngay sau chiến dịch Xuân Hè 1972, Tư lệnh Bùi Cát Vũ trực tiếp chỉ huy Đoàn Pháo binh miền kéo pháo sang giúp và phối hợp với bộ đội Lào, Campuchia trong các chiến dịch lớn từ Trung Lào xuống bắc Campuchia, đặc biệt là trận pháo kích sân bay Pochenton (12/1972), phá hủy và làm hư hỏng hàng loạt máy bay phản lực của Không lực Hoa Kỳ, chia lửa cùng quân dân miền Bắc đánh thắng cuộc không kích 12 ngày đêm. Sự phối hợp giữa Đoàn Pháo binh miền với bộ đội bạn đạt hiệu quả cao, tạo nên tiếng vang lớn, khiến báo giới phương Tây kiêng nể đặt cho ông biệt danh “Trùm đại bác Đông Dương” (Chân dung tướng lĩnh Quân khu 7 (1945 - 2020). Nxb QĐND 2021. Phần Thiếu tướng Bùi Cát Vũ (1924 - 2002).
Vào Chiến dịch Mùa Xuân 1975, với cương vị Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, Đại tá Bùi Cát Vũ cùng Thiếu tướng Tư lệnh Hoàng Cầm trực tiếp chỉ huy trận quyết chiến Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 21 năm. Sau ngày giải phóng, ông được phong hàm Thiếu tướng và là người Trà Vinh đầu tiên đứng vào hàng ngũ tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đất nước hòa bình chưa được bao lâu thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, với cương vị Phó Tư lệnh, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 đánh tan cuộc xâm lấn biên giới của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Sary, rồi tham gia trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam phối hợp cùng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng Phnompenh, giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hồi sinh đất nước Chùa Tháp. Chính Thiếu tướng Bùi Cát Vũ là người đầu tiên điện về báo với Trung ương là bộ đội Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn đẩy lùi bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Sary (Chân dung tướng lĩnh Quân khu 7 (1945 - 2020). Sđd).
Năm 1980, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ về nước và được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, trực tiếp chỉ đạo đoàn chuyên gia quân sự Quân khu giúp nước bạn xây dựng quân đội, tiểu trừ bọn tàn quân Pôn Pốt. Năm 1990, ở tuổi 66, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ được Đảng, Nhà nước và Quân đội cho nghỉ hưu theo chế độ. Tháng 3/2002, vì một căn bệnh hiểm nghèo, ông từ trần tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 78 tuổi.
Vì những công lao, cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Bùi cát Vũ được tặng thưởng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Khởi đi từ thiên ký sự “Sau ánh đèn điện Sài Gòn” (1939), suốt cuộc đời mình, tuy là nhà quân sự chuyên nghiệp, trở thành vị tướng lừng danh nhưng nghiệp văn, nghiệp báo vẫn là một phần làm nên tên tuổi Bùi Cát Vũ. Những người bạn từng nhiều năm chiến đấu cùng ông đều kể lại hình ảnh chiến tướng Bùi Cát Vũ luôn có cây bút, cuốn sổ tay như vật bất ly thân. Hễ chiến trường vừa ngơi tiếng súng thì ông mở sổ, lặng lẽ ghi chép những điều trực tiếp chứng kiến, suy ngẫm.
Hồi chống Pháp, ông là người sáng lập, người trực tiếp biên tập và là ngòi bút chủ lực của tờ báo “Tiếng rừng”, rồi “Sứ mệnh” của Khu bộ 7. Những bài viết này, khi tập kết ra Bắc, Bùi Cát Vũ tập hợp lại thành bản thảo “Buổi đầu chập chững” nhưng chưa có điều kiện xuất bản. Giai đoạn chống đế quốc Mỹ, trong suốt những năm lửa đạn, Bùi Cát Vũ thường xuyên có những bài bút ký, phóng sự phát trên đài Tiếng nói Việt Nam cùng nhiều tác phẩm khác mà sau này được tập hợp cùng với bản thảo “Buổi đầu chập chững”, xuất bản thành tác phẩm “Trong rừng sâu Chiến khu Đ”.
Tiếng súng của Chiến dịch Hồ Chí Minh vừa chấm dứt, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ rời khỏi những cuộc vui chừng như bất tận của những người chiến thắng, trở về với cuốn sổ và ngòi bút trong một căn phòng ở doanh trại Quân đoàn 4, rồi cuối năm 1975 cho xuất bản thiên ký sự “Đường tới thành phố”. Tác phẩm tạo được tiếng vang lớn, “được giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm đó, sau mấy mươi năm vẫn còn tươi nguyên giá trị dưới góc nhìn của người trong cuộc về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” (Thiếu tướng Bùi Cát Vũ - vị tướng chiến trường xuất thân từ nhà báo. Tác giả Phương Hằng. Báo QĐND số ra ngày 02/02/2022).
Cuối năm 1978, đầu năm 1979, trên cương vị người chỉ huy trực tiếp của quân đoàn chủ lực tại chiến trường, Bùi Cát Vũ liên tục có những bài viết còn vương mùi khói súng nhưng thấm đẫm chất nhân văn, đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng để nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ bản chất của một cuộc chiến đang diễn ra. Từ những bài viết đó, cuối năm 1979, thiên ký sự “Đường vào Phnompenh” ra đời, “tạo được sự xúc động mạnh mẽ nơi người đọc về tội ác diệt chủng của bọn Khmer Đỏ và sự hồi sinh mãnh liệt của nhân dân Campuchia, dưới sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam” (Thiếu tướng Bùi Cát Vũ - vị tướng chiến trường xuất thân từ nhà báo. Tài liệu đã dẫn). Cuối năm 1979, “Đường vào Phnompenh” giành được giải thưởng cao nhất của Bộ Quốc phòng.
Với những thành công đó, Nhà văn Bùi Cát Vũ xứng đáng đứng vào hàng ngũ những tên tuổi hàng đầu của nền văn học Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân và chiến tranh cách mạng.
Sau khi nghỉ hưu, với sự động viên của người bạn thân là Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Thiếu tướng - Nhà văn Bùi Cát Vũ tập hợp lại những bài phóng sự trong tập bản thảo “Sau ánh đèn điện Sài Gòn”, viết hồi 14, 15 tuổi, rồi viết lại và xuất bản thành tập ký sự “Gió bụi Sài Gòn” (1993). “Gió bụi Sài Gòn” là tác phẩm giành Giải Nhất cuộc thi Văn học thiếu nhi do NXB Trẻ và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức năm 1993 và sau đó là Giải Nhất Văn học đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam.
Thành công là vậy, nhưng khi nói về “nghiệp văn” của mình, Bùi Cát Vũ vẫn hết sức khiêm cung, chưa bao giờ tự nhận mình là nhà văn, chẳng qua là người “biết viết và ham viết”: “Mỗi tác phẩm được đến với độc giả, thính giả đối với tôi là một tấm huân chương chiến công thầm lặng. Khi đứng trước những sự kiện lịch sử lớn lao của nhân dân, của bản thân mình, tôi nghĩ rằng đến cây gỗ mục cũng phải rung động huống chi tôi là con người, mà lại là người biết viết, ham viết nữa! Cái máu ấy nó đeo đẳng tôi từ thuở nhỏ. Mà những cái hay, cái đẹp của con người, của đất nước, của tình đồng đội, nếu không viết thì không ai biết và cũng chẳng để lại được gì cho đời sau” (Nhà báo, nhà văn, Phó tư lệnh Bùi Cát Vũ. Tác giả Phan Hoàng. Báo Đầu tư & Phát triển, số ra ngày 20/6/2019).
Không chỉ là vị tướng lĩnh tài ba và là nhà văn tài hoa, Bùi Cát Vũ còn là nhà khoa học quân sự chuyên ngành Pháo binh với học vị Phó Tiến sĩ. Hy vọng các cơ quan chức năng của Viện Khoa học Quân sự Việt Nam và Binh chủng Pháo binh tổ chức tập hợp, biên tập và xuất bản luận án, các giáo trình, bài viết đăng trên các tạp chí khoa học quân sự trong nước, quốc tế và kinh nghiệm chỉ huy trên thực tiễn chiến trường của ông. Được như vậy, hậu thế có cơ sở để nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, chính xác và khách quan về thân thế, sự nghiệp của một vị tướng - nhà văn - nhà khoa học quân sự Bùi Cát Vũ, người con ưu tú của quê hương Trà Vinh.
TRẦN DŨNG
Báo Vĩnh Trà, cơ quan của Đảng bộ tỉnh Cửu Long số Xuân Đinh Tỵ 1977, có đăng bài viết của tác giả Trần Điền tựa đề “Trưởng thành từ Tiểu đội giáo phái”.