20/11/2023 07:52
Ngày 29/6/1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Quyết định số 23-QĐ/TW, thành lập 04 Tiểu ban trong Ban Tuyên huấn Trung ương, gồm: Tiểu ban Huấn học, Tiểu ban Biên tập, Tiểu ban Văn nghệ, Tiểu ban Giáo dục.
Ngày 23/8/1958, của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, thành lập Ban Văn hóa Giáo dục Trung ương.
Ngày 01/12/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 91-NQ/TW, hợp nhất Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Văn hóa Giáo dục Trung ương thành Ban Tuyên Văn Giáo Trung ương.
Ngày 30/01/1968, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) ra Nghị quyết số 1584 NQ/TW, chia Ban Tuyên Văn Giáo Trung ương (thành lập ngày 01/12/1959) ra làm 02 Ban, là: Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương…
Căn cứ vào thực tế tình hình công tác tuyên huấn ở địa phương trong kháng chiến, sau khi thành lập Ban Tuyên huấn tỉnh (năm 1951), từ năm 1960 (được gọi là Ban Tuyên văn giáo tỉnh), Tỉnh ủy Trà Vinh thành lập 07 Tiểu ban/bộ phận chuyên môn trong hệ thống Ban Tuyên văn giáo tỉnh, trong đó có Tiểu ban giáo dục (trong kháng chiến mang mật danh B5).
Tiểu ban giáo dục có nhiệm vụ giúp việc Ban Tuyên Văn Giáo tỉnh tham mưu Tỉnh ủy về kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng trình độ văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan tỉnh, huyện, xã, đào tạo giáo viên, phát triển sự nghiệp giáo dục vùng giải phóng.
Để nâng cao năng lực làm công tác tham mưu, sau khi Tiểu ban giáo dục được thành lập, Tỉnh ủy Trà Vinh điều động đồng chí Châu Văn Lộc (Sáu Hòa 1922 - 1971), Bí thư Chi bộ xã Long Hòa, huyện Châu Thành (năm 1956), lên bổ sung Ban Tuyên văn giáo tỉnh và được Tỉnh ủy bổ nhiệm giữ chức Trưởng Tiểu ban Giáo dục, Ủy viên Ban Tuyên văn giáo tỉnh (có tài liệu ghi nhầm chức danh đồng chí Châu Văn Lộc, Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh).
Giai đoạn 1961 - 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ bị thất bại ở miền Nam Việt Nam, vùng giải phóng tỉnh Trà Vinh từ vùng ven biển huyện Duyên Hải đến vùng đồng bằng 02 huyện Trà Ôn, Vũng Liêm được mở rộng, phong trào giáo dục vùng giải phóng trong tỉnh phát triển khá tốt. Ban Tuyên văn giáo các huyện trong tỉnh đều mở được các lớp học bổ túc văn hóa, lớp sư phạm ngắn hạn đào tạo giáo viên.
Tùy theo hoàn cảnh chiến tranh, thầy trò có thể học ban ngày hay học ban đêm, học dưới tán cây tránh máy bay Mỹ hay học dưới hầm tránh bom, đạn pháo của Mỹ, ở vùng nông thôn giải phóng nào trong tỉnh cũng có trường học, có giáo viên, có trẻ em cắp sách đến trường. Ban Tuyên văn giáo huyện Duyên Hải có sáng kiến đóng cấp cho mỗi em học sinh tiểu học lớp bổ túc văn hóa tập trung một chiếc bàn học xếp gọn. Khi nhận được tin giặc sắp càn quét hay máy bay Mỹ sắp ném bom, các em xếp sách vỡ vào ba lô mang lên vai cùng chiếc bàn học cá nhân xếp gọn, theo sự hướng dẫn của giáo viên, ra hầm trú ẩn hoặc di chuyển lớp học khỏi vùng nguy cơ chiến sự chỉ trong vòng hơn nửa tiếng đồng hồ. Đến địa điểm mới, cũng chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ sau, thầy trò các em có ngay lớp học đầy đủ sách vở, bàn ghế như mới.
Thời học cấp I, tôi đã từng là học trò của chiếc bàn xếp gọn cơ động đáng yêu ấy. Nồng cốt trong phong trào giáo dục huyện Duyên Hải giai đoạn này có quý thầy giáo tôi còn nhớ như thầy Tư Minh, thầy Năm Đặng, thầy Năm Khảnh...
Tháng 6/1962, Tỉnh ủy điều động đồng chí Đặng Văn Sáu (Sáu Tiều), Bí thư Chi bộ xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải lên Ban Tuyên văn giáo tỉnh, được phân công phụ trách khung trường Tiểu ban giáo dục, căn cứ tại xã Long Toàn.
Năm 1966, đồng chí Nguyễn Bá Hiều (1940), quê quán xã An Trường, huyện Càng Long, cán bộ miền Nam khi tuổi còn niên thiếu, tập kết ra Bắc theo hiệp định Giơnevơ năm 1954, được tổ chức đưa về, bổ sung Ban Tuyên văn giáo tỉnh và được phân công nhiệm vụ tại Tiểu ban giáo dục. Năm 1968, Tỉnh ủy Trà Vinh đề bạt đồng chí Đặng Văn Sáu (Sáu Tiều), cán bộ Tiểu ban giáo dục, giữ chức Trưởng Tiểu ban Giáo dục, Ủy viên Ban Tuyên văn giáo (lúc này được gọi là Ban Tuyên huấn) tỉnh, thay đồng chí Châu Văn Lộc được Tỉnh ủy điều động sang công tác khác. Đồng chí Nguyễn Bá Hiều, cán bộ Tiểu ban giáo dục được Tỉnh ủy đề bạt giữ chức Phó Tiểu ban giáo dục.
Cuối năm 1968, Ban Tuyên huấn tỉnh điều động đồng chí Lê Thành Xã (1930), quê quán ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn huyện Duyên Hải lên Ban Tuyên huấn tỉnh, được phân công nhiệm vụ tại Tiểu ban Giáo dục. Ngày 29/3/1969, máy bay B52 Mỹ ném bom gần khung trường sư phạm Tiểu ban Giáo dục tại ấp Phước Bình, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, đồng chí Lê Thành Xã hy sinh cùng với nhiều học viên và đồng bào địa phương.
Năm 1971, đồng chí Trưởng Tiểu ban Giáo dục Đặng Văn Sáu được tổ chức điều động về công tác tại Ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Bá Hiều, Phó Tiểu ban Giáo dục được Tỉnh ủy bổ nhiệm giữ chức Trưởng Tiểu ban Giáo dục, Ủy viên Ban Tuyên huấn tỉnh cho đến ngày cách mạng thành công 30/4/1975.
Phát huy truyền thống phong trào “Bình dân học vụ” của tỉnh trong 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), được xem như “chiếc nôi” phong trào “Bình dân học vụ” Nam Bộ; 15 năm (1960 - 1975), làm nhiệm vụ giúp việc Ban Tuyên huấn/Ban Tuyên văn giáo tỉnh tham mưu Tỉnh ủy về kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng trình độ văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan tỉnh, huyện, xã, đào tạo giáo viên, phát triển sự nghiệp giáo dục trong vùng giải phóng, phục vụ kháng chiến, Tiểu ban Giáo dục dù phải di chuyển nhiều địa bàn căn cứ trong tỉnh từ Duyên Hải đến Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, Trà Ôn… nhưng Tiểu ban vẫn duy trì khung trường tại ấp Phước Bình, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, liên tiếp mở các lớp bồi dưỡng trình độ văn hóa cho cán bộ các cơ quan ngành tỉnh, huyện, lớp sư phạm đào tạo giáo viên, phát triển sự nghiệp giáo dục trong vùng giải phóng theo kế hoạch chỉ đạo của Tỉnh ủy. Mỗi lớp học chỉ từ 30 - 40 học viên, nhưng đều là những học viên ưu tú từ các huyện trong tỉnh tuyển chọn gởi về. Giặc Mỹ nhiều lần dùng máy bay B52 ném bom, pháo cỡ lớn từ hạm đội 7 ngoài biển bắn vào, máy bay rải chất độc hóa học khai hoang làm nhiều cánh rừng ở huyện Duyên Hải bị tàn phá tan hoang hoặc chết khô, nhưng khung trường của Tiểu ban Giáo dục vẫn được rừng che chở bình yên bên giồng Ông Hàm, rạch Cá Ngát, sông Láng Chim.
Lớp học trong vùng giải phóng xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải năm 1963. (Ảnh: Tư liệu Tỉnh ủy Trà Vinh)
Người viết bài này từng được Ban Tuyên văn giáo huyện đưa đi học lớp sư phạm rồi trở thành “thầy giáo” khi sắp bước vào tuổi “bẻ gảy sừng trâu” tại ngôi trường thân yêu của Tiểu ban Giáo dục với biết bao kỷ niệm đẹp thuở thiếu thời.
Giai đoạn 1961 - 1972, Tiểu ban Giáo dục tham mưu lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh phối hợp với Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên huấn các huyện, tuyển chọn, giới thiệu lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh cử 17 đồng chí cán bộ giáo dục các huyện đi học Trường sư phạm Tây Nam Bộ tại căn cứ kháng chiến tỉnh Cà Mau gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Xuân Đào (1945), thị xã Trà Vinh, Lê Thị Mai Hương (1947), Tám Út (huyện Cầu Ngang), Châu Văn Thuận (1947), Nguyễn Văn Khết - (Quốc Cường, 1949), Phan Công Thế (1944), Thanh Nga, Võ Thị Bé Ba, Lê Minh Khanh, Bùi Thị Bích Ngọc, (huyện Càng Long), Phan Thế (1943, huyện Châu Thành), Chín Phát (huyện Cầu Kè), Lê Văn Bình, Võ Văn Đẹp, Phạm Văn Khỏi (1948) (huyện Duyên Hải), Nguyễn Trúc Phong (huyện Trà Cú)… nhằm đào tạo nguồn giáo viên cho phong trào giáo dục vùng giải phóng tỉnh nhà.
Tham dự buổi họp mặt cùng một số cựu cán bộ ngành Tuyên huấn tỉnh trong kháng chiến hôm 30/4/2023, do ông Bùi Quang Huy (Chín Nhỏ - 1941 - Phó Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh 1970 - 1975) tổ chức, bà Dương Thị Nâu (1950) cùng chồng, ông Nguyễn Thanh Quang (1950), ông, bà kết hôn khi cả hai cùng là cán bộ Tiểu ban Giáo dục, hiện đang sinh sống tại xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, xúc động ôn lại kỷ niệm về 35 cán bộ, giáo viên(*) Tiểu ban Giáo dục trong kháng chiến mà ông bà vẫn còn in đậm trong ký ức, trong đó có 05 nhà giáo được đào tạo từ miền Bắc, theo tiếng gọi đồng bào miền Nam kháng chiến, đã vượt Trường Sơn vào chi viện cho phong trào giáo dục vùng giải phóng miền Nam tại Tiểu ban Giáo dục tỉnh Trà Vinh, gồm các nhà giáo: Vũ Tất Diệu, Phạm Huy Lô, Hai Sang, Hai Cường và Ba Kiều.
Vừa làm công tác chuyên môn, cán bộ, nhà giáo Tiểu ban Giáo dục vừa là chiến sĩ tham gia cùng quân và dân địa phương nơi Tiểu ban đóng quân, chống địch càn quét, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ căn cứ Tiểu ban Giáo dục. Có 06 đồng chí cán bộ, giáo viên Tiểu ban giáo dục gồm: Nguyễn Văn Quyên, Lê Thành Xã, Lê Văn Khế, Phạm Văn Na, Vũ Tất Diệu và Bùi Thị Bích Ngọc đã anh dũng hy sinh, được công nhận liệt sĩ, trong số này có 03 liệt sĩ, vừa đồng hương, vừa đồng nghiệp với tôi.
Sau ngày cách mạng thành công 30/4/1975, Tiểu ban giáo dục tách khỏi Ban Tuyên huấn, thành Ty/Sở Giáo dục Đào tạo.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi chợt nhớ về những cán bộ, nhà giáo Tiểu ban Giáo dục - Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh mà tôi đã có một thời gắn bó, họ đã trải qua thời kỳ gian khổ hy sinh, cống hiến công lao, xương máu của mình vì sự nghiệp giáo dục kháng chiến vùng giải phóng Nam Bộ.
TRẦN ĐIỀN
(*) 35 cán bộ, giáo viên Tiểu ban giáo dục gồm (thống kê chưa đầy đủ, còn đang sưu tầm): Châu Văn Lộc (Sáu Hòa - Trưởng Tiểu ban), Đặng Văn Sáu (Sáu Tiều - Trưởng Tiểu ban), Nguyễn Bá Hiều (Trưởng Tiểu ban), Nguyễn Phương Nam, Song Giang, Huỳnh Văn Hợi, Sáu Triệu, Chín Trinh, Tám Châu, Lê Thành Xã, Lê Văn Khế, Phạm Văn Na, Ông Bình, Vũ Tất Diệu, Sáu Tiến, Nguyễn Tấn Sĩ, Trần Văn Hùng, Nguyễn Thanh Quang, Dương Thị Nâu, Hai Sang, Phạm Huy Lô, Dương Văn Hòa, Tư Triệu, Võ Văn Đẹp, Ba Kiều, Hai Cường, Ông Tiến, Ông Nam, Võ Thành Long, Tư Tiến, Thạch Chịa, Lê Văn Chì, Phan Văn Thế, Bùi Thị Bích Ngọc, Nguyễn Văn Liêm…
|
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.