08/04/2025 07:26
![]() |
|
Biên khảo của Nhà nghiên cứu TRẦN ĐIỀN |
Mùa Xuân, tháng 02 năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập bộ máy hành chính vùng Đông Phổ (bao gồm vùng đất Phước Long, Biên Hòa, Sài Gòn, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang sau này), với tên gọi phủ Gia Định của nhà nước Đại Việt(1).
Để giữ được “ngai vàng” nước Chân Lạp, năm Đinh Sửu 1757, vua Nặc Nhuận hiến tặng cho chúa Nguyễn Phúc Khoát (xưng vương năm Giáp Tý 1744), phần đất có địa danh phủ Trà Vinh và phủ Ba Thắc (phủ Trà Vinh - vùng đất tỉnh Trà Vinh và phủ Ba Thắc - vùng đất tỉnh Sóc Trăng ngày nay), để đền ơn. Chúa Nguyễn cho nhập phủ Trà Vinh và phủ Ba Thắc vào bộ máy hành chính phủ Gia Định(2).
Năm Mậu Tuất 1802, khi vua Gia Long lên ngôi, đã đổi phủ Gia Định, thành Gia Định trấn, sau đó chia Gia Định trấn thành 04 dinh và 01 trấn: dinh Phiên Trấn, dinh Trấn Biên, dinh Vĩnh Trấn, dinh Trấn Định và trấn Hà Tiên. phủ Trà Vinh lúc đó thuộc dinh Vĩnh Trấn.
Trong tiến trình thiết lập bộ máy cầm quyền phong kiến ở Nam Bộ, năm 1808, Vua Gia Long đổi tên Gia Định trấn, thành Gia Định Thành(3). Dinh Vĩnh Trấn được đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Phủ Trà Vinh lúc đó thuộc địa phận trấn Vĩnh Thanh.
Năm Ất Dậu 1825, phủ Trà Vinh lúc đó được vua Minh Mạng đời thứ sáu cải đặt thành “Phủ Lạc Hóa”, với 02 huyện là huyện Trà Vinh và huyện Tuân Nghĩa (có sử liệu ghi Tuân Mỹ, Tuân Ngãi). Phủ Trà Vinh lúc đó thuộc địa phận trấn Vĩnh Thanh, nhưng khi cải đặt thành phủ Lạc Hóa lại không thuộc trấn Vĩnh Thanh mà trực thuộc Gia Định Thành, có 02 huyện, 11 tổng, 146 làng (xã)(4) - Theo đó: huyện Trà Vinh nằm vị trí phía nam Sông Tiền, gần giống với các huyện Càng Long, Châu Thành, thành phố Trà Vinh, một phần huyện Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải ngày nay. Huyện Tuân Nghĩa nằm vị trí phía Bắc Sông Hậu, gần giống với các huyện Duyên Hải, Trà Cú, một phần huyện Cầu Ngang và huyện Tiểu Cần ngày nay (địa phận huyện Cầu Kè ngày nay lúc đó thuộc tỉnh Cần Thơ)(5).
Năm Nhâm Thìn 1832, đời vua Minh Mạng năm thứ 13, có cuộc cải cách hành chính mới rộng khắp toàn quốc, đổi các trấn từ Bắc chí Nam cùng một tên gọi thống nhất là “Tỉnh”. Trấn Vĩnh Thanh được đổi thành tỉnh Vĩnh Long, có 04 phủ: phủ Định Viễn, phủ Hoằng An, phủ Hoằng Trị và phủ Lạc Hóa. Vùng đất Nam Bộ được vua Minh Mạng chia thành 06 tỉnh gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và đặt tên là “Nam kỳ lục tỉnh”. Phủ Lạc Hóa gồm 02 huyện Trà Vinh và Tuân Nghĩa, thuộc Gia Định Thành được sáp nhập vào thành một phủ tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 17/6/1867, Tổng Chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương đưa quân đánh chiếm thành Vĩnh Long và đặt toàn “Nam kỳ lục tỉnh” dưới sự cai trị của người Pháp(6).
Sau khi thiết lập bộ máy cai trị của người Pháp tại 06 tỉnh Nam kỳ, đầu tháng 7/1867, người Pháp đổi phủ thành hạt (có sử liệu ghi thành huyện), sắp xếp bộ máy cai trị tỉnh Vĩnh Long từ 04 phủ còn 03 hạt - Sở lỵ hạt Lạc Hóa đặt tại huyện Trà Vinh, vị trí gần giống thành phố Trà Vinh bây giờ. Hạt Lạc Hóa tháng 7/1867 có 10 tổng, 200 làng (giảm 01 tổng, lý do cắt 01 tổng đưa qua lập tỉnh Cần Thơ), tăng 54 làng so năm 1825). Hạt Lạc Hóa, do Trưởng tòa thanh tra Trung úy thủy quân lục chiến người Pháp, trông coi.
Cuối năm 1867, trên lãnh thổ 06 tỉnh Nam kỳ, Toàn quyền Đông Dương Pháp thiết lập 24 Hạt Tham biện (có sử liệu ghi Sở Tham biện) - Hạt Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long lúc bấy giờ được thiết lập thành 02 hạt Tham biện (hoặc Sở Tham biện) - Hạt Tham biện Trà Vinh và Hạt Tham biện Bắc Trang.
Ngày 05/6/1871, Thống đốc Nam kỳ quyết định giảm từ 24 hạt Tham biện của Nam kỳ xuống còn 18 hạt. Hạt Tham biện Bắc Trang giải thể, nhập, vào Hạt Tham biện Trà Vinh và gọi tên chung là Hạt Tham biện Trà Vinh (có sách gọi tắt là Hạt Trà Vinh, vì Tham biện là chức của người đứng đầu Hạt).
Ngày 05/01/1876, Thống soái Nam kỳ ra Nghị định phân chia toàn bộ “Nam kỳ lục tỉnh” thành 04 khu vực hành chính lớn là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bát Xắc (gọi trại tên một cửa Sông Hậu đổ ra biển - cửa Bassac). Mỗi khu vực hành chính lớn đó được chia thành nhiều tiểu khu hành chính. Theo cách phân chia này, Hạt Tham biện Trà Vinh (hoặc Hạt Trà Vinh) được đổi thành Tiểu khu Trà Vinh (có sử liệu gọi là Tham biện Trà Vinh)(7).
Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định đổi tên các tiểu khu ở Nam kỳ thành “Tỉnh” - Theo đó, tiểu khu (hay còn gọi là Tham biện) Trà Vinh đổi thành tỉnh Trà Vinh (Province de TraVinh) và chính thức thi hành vào ngày 01/01/1900(8). Đứng đầu tỉnh Trà Vinh ngày 01/01/1900 thuộc Pháp là Tham tá hạng 2 tên Ravel, chức danh Phó Tham biện, đến ngày 10/01/1900 được thay bởi Tham biện hạng 5, tên Nouet, chức danh Phó Chủ tỉnh(9).
Như vậy, địa danh “Trà Vinh” được khai sinh là đơn vị hành chính cấp phủ từ năm 1757, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, đã 04 lần thay đổi từ phủ sang huyện, hạt, sở, tỉnh, địa danh Trà Vinh vẫn tồn tại xuyên suốt 143 năm trong bộ máy hành chính nhà Nguyễn ở lục tỉnh Nam kỳ đến khi trở thành tỉnh Trà Vinh (Province de TraVinh) vào năm 1900 thuộc Pháp.
Tỉnh Trà Vinh (Province de TraVinh) được chính thức thi hành vào ngày 01/01/1900, có 13 tổng, 215 làng
Cuộc cải cách bộ máy hành chính tổng và làng trên địa phận tỉnh Trà Vinh từ năm 1900 được chính quyền thực dân Pháp liên tục điều chỉnh. Từ ngày 20/02/1911, tỉnh Trà Vinh bắt đầu thành lập các đơn vị hành chính cấp quận. Đến năm 1916, tỉnh Trà Vinh có 5 quận, 20 tổng, 145 làng(10), được phân bổ như sau:
1. Quận Châu Thành có 03 tổng, 26 làng
2. Quận Bắc Trang có 05 tổng, 34 làng
3. Quận Bàng Đa có 04 tổng, 25 làng (có sử liệu ghi Bang Đa)
4. Quận Càng Long có 4 tổng, 28 làng
5. Quận Ô Lắc có 04 tổng, 32 làng (có sử liệu ghi Ô Lạc)
Từ ngày 01/1/01928, tỉnh Trà Vinh chia lại địa bàn các quận, quy định danh xưng quận lỵ và địa bàn từng quận, giải thể 2 quận Bàng Đa và Ô Lắc, thành lập mới 02 quận Cầu Ngang và Tiểu Cần - Theo đó:
1. Quận Châu Thành có 04 tổng: Trà Nhiêu, Trà Phú, Trà Bình, Bình Phước - Quận lỵ Châu Thành đặt tại Long Đức.
2. Quận Cầu Ngang có 03 tổng: Bình Trị, Vĩnh Lợi, Vĩnh Trị - Quận lỵ Cầu Ngang đặt tại Thuận Mỹ.
3. Quận Bắc Trang có 03 tổng: Ngãi Hòa Trung, Thành Hóa Thượng, Ngãi Hòa Thượng - Quận lỵ Bắc Trang đặt tại Trà Cú.
4. Quận Càng Long có 02 tổng: Bình Khánh, Bình Khánh Thượng - Quận lỵ Càng Long đặt tại An Trường.
5. Quận Tiểu Cần có 02 tổng: Ngãi Long, Thành Hóa Trung - Quận lỵ Tiểu Cần đặt tại Tiểu Cần.
Năm 1940, đế quốc Nhật Bản đoạt lại Nam kỳ từ tay thực dân Pháp.
Ngày 01/10/1942, Thống sứ Nhật Bản ban hành Nghị định giải thể quận Tiểu Cần, nhập vào quận Châu Thành, điều chỉnh lại các đơn vị hành chính cấp quận trực thuộc tỉnh, các tổng và làng được điều chỉnh theo chiều hướng giảm, còn lại như sau(11):
1. Quận Châu Thành có 04 tổng, 15 làng.
2. Quận Càng Long có 02 tổng, 9 làng.
3. Quận Trà Cú có 03 tổng, 10 làng (quận Trà Cú được cải tên từ quận Bắc Trang)
4. Quận Cầu Ngang có 03 tổng, 12 làng.
Tháng 3/1945, Thống sứ Nhật Bản đổi tên Nam kỳ thành Nam Bộ.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ngày 23/9/1945, giặc Pháp núp bóng quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật, đã nổ súng tái chiếm Nam Bộ.
Tháng 02/1948, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Trà Vinh tách địa bàn nội ô của làng Long Đức, tổng Trà Nhiêu, quận Châu Thành, thành lập tổ chức Đảng và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh cấp quận gọi là thị xã Trà Vinh. Như vậy từ tháng 02/1948, về phía chính quyền kháng Pháp tỉnh Trà Vinh có thêm một đơn vị hành chính cấp quận mang tên thị xã Trà Vinh trong nội bộ làng Long Đức(12).
Ngày 28/2/1949, Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ ra Nghị định số 46/NĐ đổi tên quận thành huyện, làng thành xã trên phạm vi toàn Nam Bộ (Theo Sắc lệnh số 148/SL, ngày 25/3/1948, của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Từ tháng 3/1949, các quận trong tỉnh Trà Vinh được chính quyền kháng chiến đổi tên thành huyện, các làng trong huyện được đổi thành xã (không có đơn vị trung gian cấp tổng) (13).
Khi cuộc kháng chiến của Nhân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2, bước vào giai đoạn gay go ác liệt, ngày 27/6/1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ ban hành Nghị định số 174/NB-51 nhập tỉnh Trà Vinh với tỉnh Vĩnh Long, lấy tên chung tỉnh Vĩnh Trà, địa danh thị xã Trà Vinh vẫn giữ nguyên đơn vị hành chính cấp huyện trong bộ máy Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Vĩnh Trà(14).
Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954 được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta kết thúc thắng lợi, tỉnh Vĩnh Trà tự giải thể, khôi phục lại trạng thái 02 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh như trước tháng 6/1951(15).
Ngày 22/10/1956, chính quyền “Việt Nam cộng hòa” (ngụy quyền Sài Gòn) ban hành Sắc lệnh số 143/NV ấn định lại các tỉnh Nam phần Việt Nam. Theo sắc lệnh này, chính quyền Việt Nam cộng hòa đổi tên tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình, đổi tên xã Long Đức, quận Châu Thành thành xã Phú Vinh. Địa danh Phú Vinh ngay sau đó được đặt tên cho tỉnh lỵ Vĩnh Bình thành tỉnh lỵ Phú Vinh - tỉnh Vĩnh Bình, tỉnh lỵ Phú Vinh. Chợ Trà Vinh trước 30/4/1975, gọi là chợ Phú Vinh. Về phía chính quyền kháng chiến vẫn sử dụng địa danh tỉnh Trà Vinh(16).
Ngày 30/4/1975 chiến tranh kết thúc, tỉnh Trà Vinh có 08 đơn vị hành chính cấp huyện là: huyện Cầu Kè, huyện Càng Long, huyện Châu Thành, huyện Tiểu Cần, huyện Trà Cú, huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải và thị xã Trà Vinh, với 63 xã, phường, 614 ấp, khóm(17).
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ, ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị “Về việc điều chỉnh, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam”, tháng 02/1976, Chánh phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định “Về việc giải thể khu, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam”, theo đó, hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long một lần nữa nhập lại gọi tên chung tỉnh Vĩnh Trà(18). Ngày 27/7/1976, kỳ họp thứ nhứt Quốc hội khóa VI, đổi tên tỉnh Vĩnh Trà thành tỉnh Cửu Long (19). Tuy tỉnh Trà Vinh được đổi thành tỉnh Cửu Long, thị xã Trà Vinh vẫn được giữ nguyên là đơn vị hành chính cấp huyện trong bộ máy hành chính tỉnh Cửu Long.
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII (ngày 26/12/1991), ra Nghị quyết tái lập 02 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long trên cơ sở tách ra từ tỉnh Cửu Long. Tỉnh Trà Vinh tái lập lần thứ 02 chính thức đi vào hoạt đông từ ngày 05/5/1992, có 07 huyện, 01 thị xã, với 76 xã, phường, 643 ấp, khóm, mang tên tỉnh Trà Vinh đến nay (2025)(20).
Từ ngày 01/01/2025, tỉnh Trà Vinh có 09 đơn vị hành chính cập huyện (tăng 01): huyện Cầu Kè, huyện Càng Long, huyện Tiểu Cần, huyện Châu Thành, huyện Trà Cú, huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, thành phố Trà Vinh, với 104 xã, phường, thị trấn (tăng 41), 752 ấp, khóm (tăng 138), so với năm 1975)(21), trên diện tích tự nhiên 2.390,76km², dân số 1.019.258 người(22).
Trong địa danh Trà Vinh có 29 địa danh mang tên “Long” (ví như Rồng hoặc Vua)(23), 17 địa danh mang tên “Bà”(24), 65km bờ biển xưa là vùng “hoàng triều cương thổ”, nay là “vùng biên giới biển” quốc gia(25), gắn liền với lịch sử, quốc phòng, đời sống kinh tế, văn hóa, tâm linh của cư dân trên vùng đất này.
Nhìn lại chặng đường 268 năm (1757 - 2025) địa danh Trà Vinh cho thấy: bối cảnh ra đời địa danh Trà Vinh và mỗi lần địa danh Trà Vinh thay đổi, đều gắn liền với một sự kiện lịch sử, một giai đoạn cách mạng hay một biến cố chính trị của địa phương hoặc của đất nước, đặc biệt là trước yêu cầu xác lập chủ quyền quốc gia đối với một vùng đất của nhà nước Đại Việt xưa, thiết lập hoặc cải tổ bộ máy hành chính theo hướng tinh, gọn (hoặc mở rộng) qua các “triều đại”.
Từ những dẫn chứng sử liệu nêu trên cho thấy: một đơn vị hành chính cấp phủ, cấp hạt, cấp huyện, cấp sở, cấp tiểu khu, cấp tỉnh, mang tên Trà Vinh được khai sinh từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (năm 1757), đến nay (năm 2025), địa danh Trà Vinh có quá trình hình thành, tồn tại và đã thấm sâu vào tiềm thức của người dân Trà Vinh xuyên suốt 268 năm qua trong lịch sử.
Bước vào năm 2025, bước vào “kỷ nguyên vươn mình” của đất nước, tỉnh Trà Vinh được Trung ương chỉ đạo nghiên cứu họp nhất với một số tỉnh trong khu vực nhằm để mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội vì một Việt Nam thịnh vượng trong tương lai.
Tháng 4/2025
TRẦN ĐIỀN
-----------------------
Chú thích:
(1) Theo: “Gia định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Dặm dài Lịch sử 1698 - 2020 - Tập 1 - 1698 - 1945” do Nguyễn Đình Tư biên soạn - Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2022, trang 51.
(2) Theo: “Gia định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Dặm dài Lịch sử 1698 - 2020 - Tập 1 - 1698 - 1945” do Nguyễn Đình Tư biên soạn - Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2022, trang 61.
(3) Gia Định Thành khác thành Gia Định ở chỗ: Khi nói “Gia Định Thành” là nói tới một đơn vị hành chính, do đó viết hoa 3 chữ Gia Định Thành; Khi nói tới “thành Gia Định”, chữ thành ở đây có nghĩa là cái thành xây bằng gạch hay bằng đá, bảo vệ cơ quan làm việc của tỉnh Gia Định, nên chữ thành ở chỗ này không viết hoa - Theo (1), trang 66.
(4) Theo “Lịch sử tỉnh Vĩnh Long 1732 - 2000”, Nhà xuất bản chính trị quốc gia năm 2002, trang 58.
(5) Bản đồ Nam kỳ lục tỉnh - Bình Thuận 1850 trên Wikipedia tiếng Việt.
(6) Theo: “Gia định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Dặm dài Lịch sử 1698 - 2020 - Tập 1 - 1698 - 1945” do Nguyễn Đình Tư biên soạn - Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2022, trang 332.
(7) Theo “Lịch sử tỉnh Vĩnh Long 1732 - 2000”,Nhà xuất bản chính trị quốc gia năm 2002, trang 83 và Theo “Lịch sử tỉnh Trà Vinh Tập Một, 1732 - 1945”, do Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh biên soạn - Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh ấn hành năm 1995, trang 77.
(8) Theo “Lịch sử tỉnh Trà Vinh Tập Một, 1732 - 1945”, do Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh biên soạn - Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh ấn hành năm 1995, trang 78.
(9) Theo: “Gia định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Dặm dài Lịch sử 1698 - 2020 - Tập 1 - 1698 - 1945” do Nguyễn Đình Tư biên soạn - Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2022, trang 625.
(10) Theo “Địa chí hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954)”, Nguyễn Đình Tư biên soạn - Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2017, trang 615.
(11) Theo “Địa chí hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954)”, Nguyễn Đình Tư biên soạn - Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2017 (trang 617).
(12) Theo “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân thị xã Trà Vinh anh hùng 1930 - 1975”- Ban Tuyên giáo Thị ủy Trà Vinh ấn hành năm 2001, trang 125.
(13) Theo “Lịch sử ngành Tuyên giáo huyện Trà Cú 1930 - 2020”- Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội ấn hành quý IV/2024.
(14) Theo “Huyện Duyên Hải - Bảy mươi mùa Xuân khát vọng” - Trần Điền - Báo Trà Vinh ngày 13/02/2021.
(15) Theo “100 năm địa danh - địa giới tỉnh Trà Vinh (1900 - 2000) - Trần Dũng - Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Trà Vinh, tháng 6/2000.
(16) Theo: “Địa phương chí Vĩnh Bình” - Tòa hành chính Vĩnh Bình ấn hành năm 1973.
(17) Theo “Lịch sử tỉnh Trà Vinh giai đoạn 1975 - 2020” - Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ấn hành tháng 12/2023 (trang 5) và “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Duyên Hải giai đoạn 1975 - 2015” - Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông ấn hành tháng 01/2018 (trang 12 - 13).
(18) Theo “Lịch sử tỉnh Vĩnh Long 1732 - 2000”, Nhà xuất bản chính trị quốc gia năm 2002, trang 460.
(19) Theo Lịch sử tỉnh Trà Vinh 1975 - 2020 - Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ấn hành tháng 11/2023.
(20) Theo “Báo cáo của Tỉnh ủy Trà Vinh tại đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ V, nhiệm kỳ 1992 - 1995”- Ban tổ chức Đại hội ấn hành (tài liệu mật).
(21) Đọc thêm “200 năm cấp huyện trong lịch sử tỉnh Trà Vinh” - cùng tác giả - Báo Trà Vinh điện tử số ra ngày 24/3/2025.
(22) Theo “Niên giám thống kê Việt Nam năm 2021” - Tổng cục Thống kê ấn hành năm 2022.
(23) Xem thêm “Năm Thìn kể chuyện Rồng”- cùng tác giả- Báo Trà Vinh điện tử số ra ngày 01/02/2024.
(24) Xem thêm “Nhân ngày mùng 8 tháng 3. Kể tặng bạn đọc địa danh Bà quê tôi” - cùng tác giả - Báo Trà Vinh điện tử số ra ngày 08/3/2025.
(25) Xem thêm “Qua vùng biên giới biển Trà Vinh”- cùng tác giả - Báo Trà Vinh điện tử ngày 03/3/2024.
Hưởng ứng ngày Sức khỏe thế giới (07/4) năm 2025, WHO đưa ra chủ đề “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng” nhằm thúc đẩy các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em.