25/08/2021 16:58
Đại biểu tham quan, xem các hiện vật trưng bày tại Nhà Truyền thống của huyện Càng Long (Ấp 3A, xã An Trường) tại buổi tọa đàm kỷ niệm 90 năm ngày Thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Trà Vinh, được tổ chức vào tháng 01/2020. Ảnh: KIM LOAN
Để có công cụ bảo vệ chính quyền nhân dân, ngay trong ngày 28/8/1945, Tỉnh ủy - UBND tỉnh quyết định thành lập lực lượng vũ trang cách mạng với những đơn vị Cộng hòa vệ binh cấp tỉnh và các đội “Tự vệ chiến đấu” từ huyện xuống xã. Từ đó, ngày 28/8 trở thành ngày Truyền thống của Lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh. Đồng chí Nguyễn Thành Thi, Tỉnh ủy viên, được phân công đảm nhiệm cương vị Ủy viên Quân sự thuộc UBND tỉnh, chịu trách nhiệm chỉ huy trực tiếp các đơn vị vũ trang cách mạng còn non trẻ của tỉnh Trà Vinh - trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng của đất nước ta lúc ấy. Chức vụ Ủy viên Quân sự xem như tương đương với chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ngày nay.
Đồng chí Nguyễn Thành Thi, còn có tên Hai Đấu (do là cán bộ chỉ huy quân sự nên ông được nhiều đồng sự gọi thân mật là Cò Đấu), sinh năm 1906, trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Nhà nghèo nhưng ông được gia đình dốc sức cho ăn học tử tế. Có điều may mắn là ông đã gặp được thầy giáo Nam, một nhà giáo tận tụy trong phong trào Truyền bá chữ quốc ngữ. Thấy ông thông minh, thầy giáo Nam không chỉ dạy chữ quốc ngữ mà còn tận tình hướng dẫn thêm chữ Nho, chữ Pháp và cả những tư tưởng yêu nước lúc bấy giờ.
Từ thuở thiếu thời, Nguyễn Thành Thi đã tỏ rõ tư chất thông minh cũng như tính cách rắn rỏi, cương nghị, trung thực. Ông thường biểu lộ cùng bạn bè sự bất bình, chống đối đối với xã hội thực dân phong kiến đầy áp bức bất công. Vào thập niên 1920, phong trào cách mạng vô sản bén rễ vào vùng đất Trà Vinh mà An Trường quê ông là một trong những cái nôi thiêng ban đầu. Ở tuổi hai mươi đầy nhiệt huyết, Nguyễn Thành Thi hăng hái tham gia vào cuộc đấu tranh và năm 1927, khi vừa 21 tuổi, ông được kết nạp vào Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội An Trường. Đến tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Thành Thi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương sau khi trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của giới thợ thuyền tỉnh lỵ Trà Vinh giành thắng lợi giòn giã.
Mười lăm năm hoạt động trong giai đoạn tiền khởi nghĩa (1930 - 1945), đồng chí Nguyễn Thành Thi là một đảng viên trung kiên, hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Ông luôn có mặt ở những điểm nóng nhất của cuộc đấu tranh. Chính vì vậy, hơn ba lần, ông bị địch bắt giam cầm, tra tấn, hành hạ. Ngay khi ra tù, đồng chí Nguyễn Thành Thi lặn lội khắp các huyện Càng Long, Cầu Ngang, Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú… để móc nối cơ sở, liên kết người đồng tâm đồng chí, gầy dựng lại tổ chức rộng rãi hơn, vững mạnh hơn vượt qua những giai đoạn thoái trào của cách mạng.
Tháng 5/1945, khi tổ chức Thanh niên Tiền phong ra đời, Tỉnh ủy viên Nguyễn Thành Thi được Tỉnh ủy phân công xây dựng các Quận bộ Thanh niên Tiền phong Càng Long, Tiểu Cần, Trà Cú. Ông như con thoi, ngày đêm có mặt cùng đảng viên, quần chúng cơ sở củng cố nòng cốt, đẩy mạnh phong trào. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, các Quận bộ, rồi Thôn bộ Thanh niên Tiền phong cấp xã ở ba huyện này được thành lập mà nòng cốt là những đảng viên, nhân sĩ trí thức yêu nước, cơ sở cốt cán trong quần chúng. Chính nhờ vậy, khi cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám nổ ra, lực lượng Thanh niên Tiền phong ở các huyện này trở thành lực lượng nòng cốt cùng nhân dân giành chính quyền thành công, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng cơ sở.
Tại tỉnh lỵ, Nguyễn Thành Thi được cử vào Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, phụ trách lực lượng Thanh niên Tiền phong và quần chúng Càng Long đổ về, khống chế và chiếm lĩnh các trại lính kín, mật thám, góp phần vào thành công chung của cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Được phân công trực tiếp thành lập và chỉ huy các đơn vị vũ trang cách mạng non trẻ sau khi giành chính quyền, đồng chí Nguyễn Thành Thi nhanh chóng tập trung, tuyển chọn số thanh niên tích cực, có bản lĩnh chiến đấu trong lực lượng Thanh niên Tiền phong để thành lập các đội “Tự vệ chiến đấu” quận, xã đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương. Riêng đơn vị “Cộng hòa vệ binh” tỉnh, với hơn 300 đội viên, tuyển chọn từ Thanh niên Tiền phong, từ số binh lính giác ngộ cách mạng, trang bị hơn 100 khẩu súng các loại, hơn chục quả bom cùng mã tấu, giáo mác… Một số võ sư, võ sĩ tên tuổi như Sáu Cường, Sáu Lự, Lài Quí, Ba Đền… được cơ quan Quân sự tỉnh tập trung về huấn luyện võ nghệ cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng. “Trường huấn luyện” đặt tại những chòm dầu Sóc Cụt, ngoại vi tỉnh lỵ.
Đơn vị Cộng hòa vệ binh tỉnh trở thành lực lượng chủ yếu trong cuộc chiến đấu anh dũng trên mặt trận Vàm Trà Vinh, ngày 12/12/1945, chống lại cuộc xâm lăng của đội quân nhà nghề thực dân nhắm vào tỉnh lỵ Trà Vinh. Trận đầu ra quân, các đội quân cách mạng non trẻ Trà Vinh đã giành được những chiến công đáng khích lệ, làm chậm bước quân thù giúp Tỉnh ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh lỵ có được quỹ thời gian cần thiết rời khỏi nội ô bảo toàn lực lượng, tổ chức cuộc kháng chiến lâu dài. Sau mặt trận Vàm Trà Vinh, đơn vị Cộng hòa vệ binh tỉnh và các đơn vị Tự vệ chiến đấu huyện tiếp tục xây dựng nhiều mặt trận như Trốt, Bàng Đa, Cây Cách, Ô Đùng, Cầu Cống, Rạnh Hạt, Ô Lắc… cô lập địch tại tỉnh lỵ, không cho chúng triển khai việc lấn chiếm nông thôn theo phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”.
Đầu năm 1946, từ căn cứ Long Vĩnh, Tỉnh ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang Trà Vinh tổ chức cuộc lui quân về Chắc Băng, khu IX. Trong cuộc hành quân này, đồng chí Nguyễn Thành Thi được phân công chỉ huy cánh đường thủy trên con tàu An Thái với hơn 500 người, mà đa phần là cán bộ, chiến sĩ đơn vị Cộng hòa vệ binh tỉnh và Tự vệ chiến đấu các huyện.
Tháng 5/1946, từ Chắc Băng, chấp hành sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, các lực lượng cách mạng Trà Vinh hành quân trở về bám đất, bám dân chiến đấu. Sau khi trở về củng cố lại tổ chức, đồng chí Nguyễn Thành Thi tiếp tục được phân công đảm nhiệm cương vị Ủy viên Quân sự thuộc Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Trà Vinh. Ở cương vị này, đồng chí Nguyễn Thành Thi đã có những đóng góp xuất sắc cùng tập thể Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh xây dựng, phát triển các đơn vị vũ trang cách mạng từ tập trung ở tỉnh, huyện cũng như bán vũ trang ở xã ấp, từng bước củng cố thế và lực tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ.
Năm 1947, sau chiến thắng lẫy lừng giải phóng huyện Trà Cú (31/12/1946), đồng chí Đỗ Văn Nại được đề bạt vào cương vị Ủy viên Quân sự tỉnh Trà Vinh. Đồng chí Nguyễn Thành Thi được Khu ủy và Quân khu Tám rút về công tác tại Phòng Dân quân, chuyên trách công tác xây dựng lực lượng dân quân du kích bán vũ trang khắp các tỉnh miền Trung Nam bộ. Đến năm 1951, tỉnh Trà Vinh cùng tỉnh Vĩnh Long nhập lại thành tỉnh Vĩnh Trà. Tỉnh đội Vĩnh Trà được thành lập với Chỉ huy trưởng là đồng chí Lê Quốc Sản và Tỉnh đội phó là Nguyễn Thành Thi.
Năm 1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự, tái lập hòa bình trên bán đảo Đông Dương được ký kết. Theo đó, các lực lượng vũ trang cách mạng chuyển quân tập kết ra miền Bắc, chuẩn bị cho cuộc Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Tổ quốc vào năm 1956. Sau khi hoàn thành công tác chuyển quân khỏi địa bàn Trà Vinh, đồng chí Nguyễn Thành Thi xuống ghe về Cà Mau để lên tàu đi tập kết vào chuyến cuối cùng. Tuy nhiên, theo sự chỉ đạo của Đảng, ông đã bí mật rời tàu rồi quay lại Trà Vinh cùng tập thể Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân đấu tranh buộc địch nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định.
Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã công khai xé bỏ Hiệp định, chà đạp lên mọi hy vọng hòa bình, thống nhất của nhân dân Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Thành Thi nhiều lần bị địch theo dõi và bắt giam, có lần chúng giam ông tại nhà lao Phú Lợi. Sau đồng khởi 1960, đồng chí được Liên Tỉnh ủy miền Tây chuyển địa bàn về công tác tại tỉnh Cần Thơ nhưng kẻ địch vẫn tổ chức bọn phản bội, chỉ điểm dõi theo từng bước chân ông. Năm 1962, đồng chí Nguyễn Thành Thi lại bị bị địch vây bắt, chúng đưa ông về thủ tiêu ở sân sau nhà thờ Chánh tòa Cần Thơ.
Một cuộc đời cách mạng liên tục và sôi động đã tận tụy cống hiến tài năng, trí tuệ cho cách mạng và Quân đội nhân dân trên địa bàn Trà Vinh. Tự hào về người chỉ huy đầu tiên, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cách mạng Trà Vinh càng ra sức phấn đấu học tập, công tác, chiến đấu vì sự trường tồn của một nước Việt Nam thống nhất, giàu đẹp, văn minh.
TRẦN DŨNG
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.